Kết cục cuộc chiến Aleppo được quyết định ở...Geneva?

Google News

(Kiến Thức) - Cuộc chiến Aleppo có ý nghĩa quan trọng đối với số phận Syria. Thế nhưng, kết quả chiến dịch “giải phóng Aleppo” của Damascus lại được quyết định...ở Geneva.

Giành lại quyền kiểm soát hoàn toàn thành phố Aleppo vốn có 2,1 triệu dân sẽ là một chiến thắng quyết định của chính phủ Assad. Tương đối an toàn tại thủ đô Damascus, tái chiếm được thành phố Homs trong năm 2014, các lực lượng trung thành với Tổng thống Assad cố gắng tái chiếm Aleppo và Deraa.
Cuoc chien Aleppo lam vao the giang co keo dai
Số phận của Syria phụ thuộc vào chiến dịch tái chiếm thành phố Aleppo. Ảnh Stratfor 
Việc quân chính phủ tái chiếm hoàn toàn thành phố Aleppo sẽ đồng nghĩa với việc giáng một đòn chí tử vào các bên muốn Tổng thống Assad từ chức. Nó có thể buộc Tổng thống Mỹ tiếp theo – bất kể là bà Hillary Clinton hay ông Donald Trump – phải miễn cưỡng xây dựng một “liên minh thực dụng” để chống cái gọi là Nhà nước Hồi giáo (IS).
Tuy nhiên, thực tế chiến trường có thể không giống như những gì mà Damascus toan tính. Một số chuyên gia cho rằng chính phủ Assad không có đủ lực lượng - ngay cả khi được Iran và Hezbollah hậu thuẫn – để vừa tái chiếm thành phố Aleppo, vừa chiến đấu ở phần còn lại của đất nước Syria.
Ưu tiên chính của Washington và phương Tây hiện vẫn là cuộc chiến chống lại Nhà nước Hồi giáo. Xét theo góc độ này, việc thành phố Aleppo rơi vào tay quân đội Syria không quan trọng bằng việc liên quân giải phóng “thủ phủ” Raqqa (Syria) và thành phố Mosul (Iraq) từ tay phiến quân IS.
Trên thực tế, việc thành phố Aleppo có rơi vào tay quân đội Syria cùng với các đồng minh Hezbollah, Iran ...lại phụ thuộc vào những gì mà Tổng thống Nga Vladimir Putin muốn đạt được trong cuộc nội chiến Syria.
Sự can thiệp quân sự của Nga đã làm thay đổi cuộc chơi ở Syria. Tuy nhiên, trong cuộc chiến Aleppo, các lực lượng ủng hộ Tổng thống Assad ít nhận được sự yểm trợ hỏa lực của không quân Nga. Các chuyên gia phương Tây tin rằng sự hỗ trợ quân sự “lên xuống thất thường” của Nga khiến cho Tổng thống Putin có ảnh hưởng đáng kể đến các hành động của Tổng thống Syria Bashar al- Assad. Không có sự yểm trợ hỏa lực hữu hiệu của Nga, quân đội Syria và các đồng minh khó có thể giành phần thắng trên các chiến trường.
Trong khi đó, Nga đang cùng với Mỹ đảm nhận vai trò trọng tài chính trong “cuộc chơi ở Syria”. Trước nguy cơ bị lún sâu vào vũng lầy Syria như phương Tây hiện đang sa vào “các vũng lầy” ở Iraq và Afghanistan, Tổng thống Putin có thể đi đến một thỏa thuận nào đó. Châu Âu cũng mong muốn giải quyết êm thấm vấn đề Syria để giảm bớt làn sóng tị nạn đang hành hạ lục địa già này. Những toan tính đó khiến cho cuộc nội chiến Syria trở thành một phần của một bàn cờ địa chính trị rộng lớn hơn nhiều. Một số quan chức phương Tây cho rằng chiến lược Syria của Tổng thống Putin là tập trung vào việc gây bất ổn ở Châu Âu. Những người khác thì lại không tin như vậy.
Ở chiến trường Aleppo, mọi thứ sẽ phụ thuộc vào cách cảm nhận của các bên đang tham chiến về bất kỳ thỏa thuận ngừng bắn nào. Nếu hai bên cho rằng ngừng bắn chỉ là tạm thời và sử dụng giai đoạn đình chiến này để củng cố lực lượng, Aleppo sẽ trở thành một chiến trường ác liệt và có tính chất quyết định. Cũng có thể, chính phủ Syria để ngỏ khả năng thương lượng cấp địa phương dẫn đến một số hình thức nào đó mà không cần đổ máu. Damascus có thể tạo điều kiện cho những người cầm vũ khí chống lại chế độ thỏa thuận lâu dài với chính phủ, mặc dù khả năng này có vẻ ít xảy ra ở Aleppo vào thời điểm hiện tại.
Chính phủ Sri Lanka đã có một cách tiếp cận tương tự với phiến quân Hổ Tamil trong năm 2009. Thế nhưng, trong gia đoạn cuối cùng của cuộc nội chiến, quân chính phủ Sri Lanka đã không “ngại” tấn công vào các bệnh viện và cơ sở dân sự khác khiến cho người dân địa phương chạy đến các khu vực do chính quyền kiểm soát, trước tung ra đòn quyết định “hạ gục” Những con Hổ Tamil và kết thúc cuộc nội chiến.
Những tuần tới sẽ cho thấy liệu Damascus và Moscow có áp dụng một chiến lược tương tự ở Aleppo.
Cũng giống như trường hợp Sri Lanca, Mỹ dường đang áp dụng chiến lược “tọa sơn quan hổ đấu”, không muốn can thiệp trực tiếp vào chiến trường Aleppo. Nói thẳng ra, cả Mỹ lẫn các nước Vùng Vịnh đều không thể có hành động quyết liệt hậu thuẫn cho phiến quân ở Aleppo như thả dù vũ khí, cung cấp lực lượng tăng viện hoặc không kích chống lại các mục tiêu của quân đội Syria.
Ít có khả năng Mỹ và các nước Vùng Vịnh trực tiếp can thiệp vào trận chiến Aleppo và ngay cả khi các nước nói trên làm điều này, thì can thiệp quân sự trực tiếp chỉ kéo dài thời gian đau khổ và chết chóc đối với dân thường, trong khi trận chiến giành Aleppo vốn đang dai dẳng kéo dài nếu không có sự yểm trợ hỏa lực “thực lòng” của người Nga.
Minh Châu (Theo Reuters)

Bình luận(0)