Sputnik đưa tin, vụ Ả-rập Xê-út hành quyết giáo sĩ Sheikh Nimr al-Nimr đã gây ra phản ứng dữ dội từ người Shiites và làm leo thang xung đột giữa Riyadh và Tehran. Tuy nhiên, có những dấu hiệu cho thấy, vụ việc sẽ không thể đẩy Iran-Ả-rập Xê-út tới "bờ vực chiến tranh".
“Thực tế là Riyadh đã hành quyết giáo sĩ nổi tiếng người Shiite và vụ việc khiến Iran nổi giận. Tuy nhiên, một số yếu tố có thể xóa tan ý định leo thang khủng hoảng của Tehran”, học giả J.Matthew Mclnnis đến từ Viện Doanh nghiệp Mỹ nhận định.
|
Người biểu tình Iran đốt phá Đại sứ quán Ả-rập Xê-út tại Tehran hôm 2/1.
|
Vị học giả tập trung vào việc Tehran đã thừa nhận vụ người biểu tình tấn công Đại sứ quán Ả-rập Xê-út tại Tehran là một “sai lầm” và “đáng xấu hổ”.
“Đây chính là một tín hiệu tích cực”, học giả Mclnnis nói.
Vào ngày 4/1/2016, đại diện thường trực của Iran tại Liên Hợp Quốc, Gholamali Khoshroo, đã bày tỏ sự “lấy làm tiếc” về vụ tấn công sứ quán Ả-rập Xê-út trong thư gửi lên Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon.
“Với nghĩa vụ tuân theo quy định luật pháp quốc tế và các công ước quốc tế liên quan, đặc biệt là Công ước Viên về Quan hệ Ngoại giao năm 1961 và Công ước Viên về Quan hệ lãnh sự năm 1963, nước Cộng hòa Hồi giáo Iran bày tỏ sự lấy làm tiếc về vụ việc đã xảy ra”, trích nội dung bức thư của ông Gholamali Khoshroo.
Đồng thời, Bộ trưởng Ngoại giao Iran Mohammad Javad Zarif cũng gửi thư lên Tổng thư ký Liên Hợp Quốc với nội dung khẳng định rằng Tehran “không muốn leo thang căng thẳng với các nước láng giềng”.
“Tất cả chúng ta cần đoàn kết trước mối đe dọa từ phía các phần tử cực đoan. Trên thực tế, từ những ngày đầu tiên sau khi đắc cử, Tổng thống Rouhani và tôi (Javad Zarif) đã gửi một thông điệp tới Ả-rập Xê-út về việc chúng tôi sẵn sàng tham gia vào các cuộc đối thoại để thúc đẩy an ninh khu vực”, hãng Fars (Iran) trích câu nói của ông Zarif.
Bình luận về vấn đề này, học giả Mclnnis nhấn mạnh rằng, vụ xử tử giáo sĩ Sheikh al-Nimr không có nghĩa là đặt ra mối đe dọa an ninh trực tiếp đối với Tehran.
“Nếu Ả-rập Xê-út tấn công người Iran, các lợi ích kinh tế hay lãnh thổ Iran thì Tehran có thể đã sử dụng biện pháp quân sự”, Mclnnis giải thích.
“Tehran rất khó để khơi màu một cuộc xung đột trực tiếp với quốc gia Vùng Vịnh, họ sẽ cố hạn chế bất kỳ hành động leo thang nào nữa. Iran biết rằng họ đã mắc sai lầm sau cái chết của giáo sĩ al-Nimr và sẽ không mạo hiểm gây tổn hại mối quan hệ ngoại giao trước phản ứng của Ả-rập trong khu vực”, vị học giả Mỹ bình luận tiếp.
Mặt khác, nhà báo Ả-rập Jamal Khashoggi chỉ ra rằng, Riyadh không muốn đối đầu với Iran vì nhận thấy cái giá của một cuộc chiến tranh như vậy.
Đáng chú ý, Washington vẫn chưa “ngả về bên nào” trong cuộc xung đột Ả-rập Xê-út – Iran. Nhà Trắng không lên án vụ hành quyết giáo sĩ al-Nimr nhưng cũng không chỉ trích Tehran. Thay vào đó, Mỹ chỉ hối thúc thúc hai bên kiềm chế để giảm căng thẳng.
“Chúng tôi đang kêu gọi hai bên (Ả-rập Xê-út và Iran) kiềm chế và không làm gia tăng căng thẳng thêm nữa”, Thư ký báo chí Nhà Trắng Joshua Ryan Henry Earnest nhấn mạnh trong một tuyên bố chính thức.
Tuy nhiên, dư luận hoài nghi về việc Riyadh có thể đẩy leo thang căng thẳng với Tehran vào một cuộc đối đầu công khai mà không cần sự ủng hộ của Washington.