Ngày 3/1, Ả-rập Xê-út tuyên bố cắt đứt mối quan hệ ngoại giao với Iran sau khi đại sứ quán nước này tại Tehran bị người biểu tình tấn công. Đây được coi là căng thẳng khá nghiêm trọng giữa hai nước, tuy nhiên trong vòng 20 năm trở lại đây, mối quan hệ giữa Iran-Ả-rập Xê-út đã có nhiều thăng trầm, khi hòa hoãn, khi lại căng thẳng.
|
Hoàng Thái tử Saudi Arabia Abdullah đón tiếp Tổng thống Iran Khatami năm 1999. |
Vụ tấn công Đại sứ quán Saudi Arabia bắt nguồn từ sự bất bình của một bộ phận người dân Iran trước quyết định xử tử Giáo sĩ theo dòng Hồi giáo Shi’ite Nimr al-Nimr, nhân vật chủ chốt trong làn sóng biểu tình năm 2011 ở Saudi Arabia.
1987 – Bất đồng
Mối quan hệ giữa Saudi Arabia và Iran đã chạm mức căng thẳng đỉnh điểm vào tháng 7/1987 khi 402 người hành hương trong đó có 275 công dân Iran thiệt mạng tại thánh địa Mecca.
Sau vụ việc trên, người biểu tình tràn qua các con phố của Tehran rồi ập vào Đại sứ quán Saudi. Sau khi Mousa'ad al-Ghamdi, một nhân viên ngoại giao người Saudi Arabia thiệt mạng bởi vết thương nặng do ngã từ cửa sổ đại sứ quán, Riyadh cáo buộc Tehran đã làm ngơ và trì hoãn đưa ông al-Ghamdi tới bệnh viện để cấp cứu kịp thời.
Từ tháng 4/1988, mối căng thẳng giữa hai nước được làm dịu bớt.
1999 - Thân thiện
Nhà vua Fahd đánh giá cao và chức mừng chiến thắng của Tổng thống Iran Mohammad Khatami trong cuộc bầu cử năm 2001. Ông Khatami là giáo sĩ Hồi giáo theo dòng Shi'ite, ông đã nỗ lực làm tan băng mối quan hệ với Saudi Arabia sau thời gian dài không mấy mặn nồng kể từ Cách mạng Hồi giáo Iran năm 1979.
Trước đó, vào năm 1999, ông Khatami là Tổng thống Iran đầu tiên tới thăm Saudi Arabia kể từ cuộc cách mạng năm 1979. Bên cạnh đó, hai nước còn thông qua hiệp ước an ninh chung vào tháng 4/2001.
2003 - Đối thủ
Việc lật đổ ông Saddam Hussein tại Iraq đã tạo điều kiện để người Hồi giáo theo dòng Shi'ite nắm giữ vai trò quan trọng hơn trong chính phủ nước này. Chính vì vậy, mối quan hệ giữa Iraq và Iran bắt đầu có nhiều thay đổi, điều này dường như không phải là tín hiệu tốt đối với Saudi Arabia.
Ngoài ra, chương trình hạt nhân của Iran lại càng khiến Saudi Arabia quan ngại sâu sắc rằng Tehran dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad đang hướng tới việc vươn lên trở thành cường quốc ở Vùng Vịnh đồng thời nâng tầm vị thế của người Shi'ite thiểu số.
Saudi Arabia từng thẳng thừng tuyên bố với một phái đoàn của Iran vào tháng 1/2007 rằng Tehran đang đặt khu vực Vùng Vịnh vào vòng nguy hiểm do sự đối đầu của nước này với Mỹ cũng như chương trình hạt nhân của nước này.
2011 - Mùa xuân Arập
Saudi Arabia từng cử quân đội tới hỗ trợ Bahrain trấn áp người biểu tình chỉ vì lo ngại rằng hầu hết người Hồi giáo theo dòng Shi'ite tại đây sẽ liên minh với Iran.
WikiLeaks tung tài liệu bí mật của Mỹ cho thấy các lãnh đạo của Saudi Arabia, bao gồm Nhà vua Abdullah từng kêu gọi Mỹ có hành động cứng rắn hơn với chương trình hạt nhân của Iran, thậm chí có thể sử dụng cả vũ lực quân sự.
2012 - Cáo buộc lẫn nhau
Saudi Arabia ra sức ủng hộ lực lượng nổi dậy chống lại Tổng thống Bashar al-Assad ở Syria trong khi Iran luôn thể hiện lập trường ủng hộ nhà lãnh đạo này. Chính vì vậy Tehran lên tiếng cáo buộc Riyadh đang chống lưng cho “khủng bố”.
Đến tháng 3/2015, Saudi Arabia triển khai chiến dịch quân sự tại Yemen để ngăn chặn phiến quân Houthi tại đây đồng thời cáo buộc Iran đứng đằng sau Houthi. Còn Tehran lại lên tiếng cho rằng các cuộc không kích của Saudi Arabia tại Yemen đã gây thiệt hại nhiều mạng sống của người dân vô tội.