BRICS và “giấc mộng toàn cầu”

Google News

(Kiến Thức) – Tại Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 5 ở thành phố Durban (Cộng hòa Nam Phi), nhóm BRICS bắt đầu từng bước hiện thực hóa “giấc mộng toàn cầu”.

 Thủ tướng Ấn Độ Mohaman Singh (bên trái) và 4 vị nguyên thủ quốc gia của BRICS.

Cách đây 12 năm, Jim O’Neil, nhà kinh tế trưởng của Goldman Sachs dự đoán tới năm 2050 thế giới có 6 thực thể kinh tế đơn lẻ lớn gồm Mỹ, Nhật, Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc. Ông viết tắt 4 nước đang trỗi dậy thành chữ “BRIC” (Brazil, Rusia, India, China) và gọi là “bốn viên gạch vàng”. Tiếp đó, tháng 10/2003, trong “Báo cáo tình hình kinh tế toàn cầu”, Jim O’Neil dự đoán BRIC đang trỗi dậy và có thể thực hiện “giấc mộng toàn cầu”.

Không ngờ, sự đánh giá của Jim O’Neil đã trở thành hiện thực. Nhóm BRICS hiện có 5 thành viên (thêm Cộng hòa Nam Phi) và 5 cuộc họp thượng đỉnh, đồng thời đang trở thành thực thể kinh tế lớn thách thức Mỹ, Quĩ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) trong việc hiện thực hóa “giấc mộng toàn cầu”.

Do tác động của khủng hoảng kinh tế tài chính thế giới, bốn nước Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc đã xích lại gần nhau hơn. Tháng 5/2008, các vị ngoại trưởng của bốn nước lần đầu tiên đã gặp nhau tại Yekaterinburg (Nga), ra thông cáo báo chí nhấn mạnh BRIC sẽ “tăng cường đối thoại trên cơ sở tôn trọng và tin cậy lẫn nhau vì lợi ích chung về giải quyết vấn đề toàn cầu”. Tiếp đó, ngày 14/3/2009 trước thềm G20 họp tại Anh, Bộ trưởng tài chính 4 nước họp tại Horsham (Anh) đòi cải cách hệ thống tiền tệ quốc tế và quyền phát ngôn lớn hơn trên thế giới. Tháng 5/2009, Người phụ trách Cơ quan an ninh bốn nước lần đầu tiên đã gặp nhau tại Moscow thảo luận hợp tác an ninh. Đây là cơ sở cho Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của BRIC ngày 16/6/2009 tại Yekaterinburg (Nga).

Tổng diện tích lãnh thổ của BRICS chiếm 26% tổng diện tích lục địa thế giới, dân số chiếm trên 43% dân số thế giới và  GDP chiếm trên 16% GDP thế giới. Từ năm 2006-2008, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hàng năm của Trung Quốc trên 9%, Nga, Ấn Độ từ 6% - 8%, Brazil từ 3% tới 4,9%, đều cao hơn các nước phát triển. Kể từ năm 2003 tới nay, kim ngạch buôn bán trao đổi nội khối tăng tới 500%. Dự trữ ngoại tệ của BRICS hiện tới trên 4.000 tỷ USD, trong đó của Trung Quốc chiếm gần 3.400 tỷ USD, Brazil 260 tỷ USD, Nga 525 tỷ USD và Ấn Độ 300 tỷ USD.

“Tuyên bố chung Tam Á” của Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ ba ngày 14/4/2011 tại thành phố Tam Á, Hải Nam (Trung Quốc) kiến nghị “phi đô la hóa” hệ thống thanh toán và dự trữ tiền tệ quốc tế hiện nay, đồng thời 5 nước BRICS ký “Hiệp định khung hợp tác tiền tệ” để áp dụng các phương thức thanh toán bằng đồng tiền nội khối giữa 5 nước.

Dư luận cho rằng tuy dân số chiếm trên 40% dân số thế giới, nhưng chỉ chiếm 16% GDP và 13% khối lượng thương mại thế giới, nên BRICS vẫn chưa đủ mạnh để gạt đồng USD ra rìa. Việc BRICS muốn làm suy yếu địa vị dự trữ và thanh toán quốc tế của đồng USD nhằm “phi đô la hóa” trong thanh toán quốc tế chỉ là ý tưởng, trong khi đồng tiền của BRICS chưa phải là đồng tiền mạnh, tự do chuyển đổi.

Ngay Tổng giám đốc Ngân hàng phát triển Brazil Luciano Coutinho cũng cho rằng: “Hợp tác tiền tệ chỉ nhằm mục đích nghiên cứu khả năng sử dụng có hiệu quả đồng tiền bản địa, tăng cường hợp tác buôn bán, thúc đẩy mậu dịch giữa các nước, cải thiện mối quan hệ kinh tế thương mại với nhau”.

Chính vì vậy, Hội nghị thượng đỉnh BRICS ở Nam Phi chỉ mới lập ra Quỹ dự trữ ngoại tệ, và Ủy ban điều phối mậu dịch. Quỹ tiền tệ này có vốn ban đầu 100 tỷ USD, trong đó Trung Quốc góp 41 tỷ USD, Brazil, Nga và Ấn Độ mỗi nước góp 18 tỷ USD, còn Nam Phi góp 5 tỷ USD. Năm nước cũng đồng ý lập đường dây thông tin liên lạc nội khối.

Tuy nhiên, “Tuyên bố Durban” ngày 27/3/2013 cũng nhấn mạnh tuy các nước  BRICS không có ý định làm đối trọng với IMF, WB và không có ý định thách thức phương Tây, nhưng muốn hệ thống tiền tệ quốc tế hiện nay tôn trọng vai trò của các nước đang phát triển, đồng thời phải tăng thêm quyền phát ngôn của BRICS. Tuyên bố cũng nhấn mạnh BRICS coi trọng quan hệ với Mỹ trong hợp tác tiền tệ và không có ý đồ “phi đô la hóa”.

Ngoài vấn đề kinh tế, tiền tệ, Hội nghị thượng đỉnh BRICS còn đề cập đến những vấn đề chính trị thế giới, như vấn đề thành viên LHQ của Nhà nước Palestine, vấn đề hạt nhân Iran, cuộc nội chiến Syria và các cuộc chiến ở Afghanistan, Trung Phi, Tây Phi...

Dư luận nói chung cho rằng với Trung Quốc hiện là thực thể kinh tế lớn thứ 2 thế giới, Nga đang vươn lên thành thực thể kinh tế thứ 5 thế giới, Brazil và Ấn Đô cũng là thực thể kinh tế lớn thế giới, giấc mộng một ngày nào đó BRICS sẽ trở thành nhóm nước mang tính chi phối toàn cầu không phải là mơ ước viển vông. Đây là quả là một thách thức to lớn đối với Mỹ và các nước phương Tây.

TIN LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU:




Kiều Tỉnh

Bình luận(0)