Nguyên nhân trỗi dậy của IS ở Iraq và Syria
Các thể chế và các đường biên giới ranh giới ở Trung Đông do các cường quốc thực dân Châu Âu áp đặt sau khi Đế quốc Ottoman sụp đổ vào cuối Chiến tranh thế giới thứ nhất đang bị tan rã. Điều này đã tạo ra lực ly tâm mạnh mẽ phá vỡ chất keo kết dính các cộng đồng tôn giáo và sắc tộc ngày càng đối kháng với nhau.
|
Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel: Chiến thắng quân sự đè bẹp IS sẽ không kết thúc tình trạng hỗn loạn ở Trung Đông.
|
Sự pha trộn giữa những người Hồi giáo - người Sunni, Shiite, Alawites – người Thiên Chúa giáo và các cộng đồng người Kurd lớn ở phía bắc Syria và Iraq đã tạo ra sự bất bình, thất vọng, vấn nạn bè phái và bất công trắng trợn.
Những quả bom xã hội đã được kích nổ bởi những biến động do cuộc chiến của Mỹ tại Iraq và cuộc nội chiến ở Syria gây ra.
Tại Iraq, Mỹ đã lật đổ Saddam Hussein và thủ tiêu các cấu trúc đảng Baath của ông ta, đặc biệt là quân đội. Sau đó, Washington giám sát việc thành lập một chính phủ mới mà về cơ bản được đặt dưới sự kiểm soát của người Shiite. Thể chế này đã chà đạp lên nhu cầu và quyền lợi của người Sunni thiểu số.
Chính vì vậy mà những người Sunni cực đoan đã tập hợp dưới ngọn cờ của al-Qaeda tại Iraq, dàn trận chống lại các lực lượng Mỹ, người Sunni ôn hòa và đa số người Shiite. Lực lượng dân quân Shiite được thành lập để đánh lại và thế là một cuộc nội chiến đã nổ ra.
Khi quân đội Mỹ rút khỏi Iraq trong năm 2011, al-Qaeda tái hợp ở khu vực Sunni của Iraq và trở thành nhóm Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và Cận Đông (ISIL), một tổ chức cực đoan nhanh chóng lấp đầy khoảng trống quyền lực được tạo ra ở nước láng giềng Syria. Ước tính, cái gọi là Nhà nước Hồi giáo (IS) hiện đang kiểm soát 1/3 lãnh thổ Iraq và Syria. Đặc biệt nghiêm trọng là việc tổ chức khủng bố IS chiếm quyền kiểm soát các thành phố lớn như Raqqa ở Syria và Mosul ở Iraq.
Trong nhiều tháng qua, Mỹ đã ném bom các vị trí của IS ở Iraq và Syria. Bây giờ, Pháp và Nga cũng tham gia chiến dịch ném bom phiến quân IS ở Syria. Nga đã chuyển sang tấn công phiến quân IS, sau khi nhóm Nhà nước Hồi giáo tuyên bố nhận trách nhiệm đánh bom một máy bay Nga trên bầu trời Ai Cập. Người Pháp cũng đã tăng cường không kích IS, sau các vụ tấn công khủng bố ở Paris.
Một số nhà phân tích cho rằng chiến dịch không kích của Nga là một nỗ lực để cứu chế độ Assad. Syria là một tiền đồn cuối cùng chịu ảnh hưởng của Moscow ở Trung Đông, nơi có căn cứ Hải quân Nga ở Địa Trung Hải và là khách hàng lớn mua vũ khí Nga.
Sự trỗi dậy của nhóm Nhà nước Hồi giáo IS ở Syria cũng xuất phát từ nguyên nhân giống như ở Iraq và đó là sự thống trị của người Hồi giáo Alawite thiểu số đối với người Hồi giáo Sunni vốn chiếm đa số.
Nhân tố người Kurd
Tình hình càng trở nên phức tạp hợp khi người Kurd ở cả Iraq lẫn Syria đều không muốn sống trong cảnh tha hương và muốn có một mảnh đất riêng để thực hiện giấc mơ phục quốc. Đa số người Kurd sinh sống ở miền bắc Iraq, Syria và Iran. Và họ đã chiến đấu với Thổ Nhĩ Kỳ ở mạn đông nam nước này, nơi có đa số người Kurd sinh sống.
Các lực lượng dân quân Kurd được coi là đối tác mạnh nhất của Mỹ trong cuộc chiến chống IS. Các lực lượng này đã nhiều lần đánh bại phiến quân IS ở cả Iraq lẫn Syria và được coi là lực lượng mặt đất của Mỹ trong cuộc chiến chống IS.
Người Kurd cũng đã tạo ra một khu vực bán tự trị ở Iraq và kiểm soát trữ lượng dầu đáng kể. Việc Mỹ ủng hộ người Kurd đã làm mếch lòng đồng minh NATO Thổ Nhĩ Kỳ, nước vốn coi chế độ Assad ở Syria và chính phủ Iraq do người Shiite chiếm ưu thế là kẻ thù.
Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel nói với CNN hôm Chủ Nhật (22/11) rằng một chiến thắng quân sự đè bẹp IS sẽ không kết thúc tình trạng hỗn loạn ở Trung Đông - trừ khi Mỹ, các nước khác trong khu vực, Nga, Châu Âu và Iran cùng nhau tạo ra một "nền tảng cho sự ổn định chính trị”.
Nhưng làm thế nào để tạo ra “một nền tảng cho sự ổn định chính trị” trong một khu vực không thể vượt qua 1.300 năm xung đột giữa các giáo phái, tham vọng phục quốc của người Kurd và các biến chứng phức tạp mang đậm tính chất tôn giáo và sắc tộc. Sự thất bại của IS, nếu điều đó xảy ra, sẽ không giải quyết được những bất đồng sâu sắc và tiềm ẩn ở Trung Đông.