“Hậu Brexit”: Cả Liên hiệp Anh lẫn EU đều “hối hận”

Google News

(Kiến Thức) - Cả Liên hiệp Anh lẫn EU đều hối hận trong thời kỳ “hậu Brexit”, sau khi cả hai đều nếm trải những tác động tức thời của cơn địa chấn này.

Báo chí Anh đã dùng từ mới “Regrexit” (hối tiếc) và trích lời những người bỏ phiếu cho Brexit nói rằng giờ đây họ hối hận sau khi nếm trải những tác động ngay tức thời.
Scotland, Bắc Ireland tính chuyện rời Liên hiệp Anh
Theo VOA, trong vòng 24 giờ sau khi kết quả trưng cầu dân ý về Brexit được loan báo, các thị trường sụt giá mạnh, tỉ giá đồng bảng Anh giảm tới mức thấp nhất trong vòng 30 năm, thứ hạng tín dụng của nước này bị đánh thấp tới mức âm, và những mối đe dọa mới về sự giải thể của chính Liên hiệp Anh đã xuất hiện.
“Hau Brexit”: Ca Lien hiep Anh lan EU deu “hoi han”
Thủ hiến Nicola Sturgeon  nói rằng một cuộc trưng cầu dân ý mới về vấn đề Scotland độc lập đang được xem xét. Ảnh Telegraph
Tại Scotland, Thủ hiến Nicola Sturgeon đã triệu tập một phiên họp nội các để bàn về phản ứng của chính phủ bà đối với cuộc bỏ phiếu rời EU. Bà Nicola Sturgeon từng tuyên bố rằng Scotland bị buộc phải ở ngoài Liên minh Châu Âu (EU) trong khi đa số cử tri xứ này chọn giải pháp ở lại là một việc “không thể chấp nhận được”. Bà Sturgeon nói thêm rằng một cuộc trưng cầu dân ý mới về vấn đề Scotland độc lập đang được xem xét.
Sau cuộc họp hôm 25/6, bà Sturgeon nói với báo chí rằng Scotland sẽ họp với các giới chức Liên minh Châu Âu để thảo luận về những sự lựa chọn “để bảo vệ chỗ đứng của Scotland trong EU”.
Quyết định rời EU cũng khơi dậy tinh thần đòi ly khai ở Bắc Ireland, phần duy nhất của Liên hiệp Anh có ranh giới trên bộ với Liên minh Châu Âu. Lãnh đạo tổ chức Sinn Fein, ông Martin McGuiness, đã lặp lại yêu cầu của ông đòi tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về việc Bắc Ireland tách khỏi Liên hiệp Anh và tái thống nhất với Cộng hoà Ireland, một nước thành viên của Liên minh Châu Âu.
Vì đâu nên nỗi?
Báo Pháp Le Nouvel Observateur đi ngược về quá khứ để phân tích “những khuyết tật nghiêm trọng” khiến dự án xây dựng một Châu Âu hòa bình và thịnh vượng bị mất phương hướng. Theo cựu Thủ tướng Bỉ Guy Verhostadt, giấc mơ về một Liên bang Châu Âu đã trệch đường ngay từ năm 1955, do lỗi của nước Pháp.
Vào thời điểm đó, Quốc hội Pháp đã bỏ phiếu chống lại một “liên minh chính trị, một cộng đồng quốc phòng và một chính phủ Châu Âu”. Thay vào đó là một “liên minh thuế quan”. Sự thiếu nhất quán của Liên minh Châu Âu bắt nguồn từ đây: một khu vực đồng tiền chung không được điều hành thống nhất về kinh tế, một vùng tự do đi lại không có biên giới chung… Châu Âu đã phản ứng hết sức chậm chạp trước các cuộc khủng hoảng.
Trong năm 2005, một lần nữa Châu Âu lại lỡ tàu. Cơ hội thông qua một Hiến pháp chung để lục địa già cỗi này hợp nhất thành một liên bang như Mỹ đã không thành, đặc biệt do cản trở từ phía Liên hiệp Anh. Thay vì một thỏa ước cô đọng, mang tính nguyên tắc, ủy ban dự thảo đã đưa ra cho cử tri xem xét và bỏ phiếu một thỏa thuận dày đến “191 trang, với 448 điều khoản và 50 tuyên bố”. Kết quả là dự thảo này đã bị bác bỏ.
Ban lãnh đạo EU cũng đã không đánh giá đúng những hệ quả nghiêm trọng của việc các nước Đông Âu tan rã năm 1989, cũng như không dự đoán trước được khủng hoảng Hy Lạp 2009. Trong năm 2014, họ bất ngờ đối mặt với làn sóng nghị sĩ cực hữu lọt vào Nghị viện Châu Âu, với mục tiêu duy nhất là giải thể EU.
Trong khi kêu gọi “đừng phá bỏ cái vốn liếng chính trị được tích lũy trong suốt quá trình hội nhập hơn 60 năm của Châu Âu lục địa”, tuần báo Pháp Le Point cho rằng việc chạy theo giấc mơ Liên bang châu Âu – được xây dựng trên sự suy tàn của các quốc gia thành viên – là hành động “tự sát”.
Tuần báo Le Point cho rằng Châu Âu cần chấm dứt việc mở rộng không ngừng, “cần đầu tư mạnh vào giáo dục và hạ tầng cơ sở” và “tăng cường kiểm soát biên giới chung”. Theo Le Point, Khu vực đồng euro cần được củng cố thông qua việc phối hợp các chính sách kinh tế và sự thống nhất trong các chính sách thuế khóa, xã hội. Để làm được điều này, cần tính đến việc lập ra một nghị viện chung của các nước tham gia Khu vực đồng euro, dựa trên nghị viện của toàn Liên minh Châu Âu.
Minh Châu (TH)

Bình luận(0)