Hàng xóm EU giúp Ukraine có được bao nhiêu khí đốt?

Google News

(Kiến Thức) - Do giá gas nhập khẩu từ Nga tăng vọt, Ukraine đang trông vào phương Tây để kiểm soát an ninh năng lượng.

Ukraine cố gắng kiểm soát an ninh năng lượng
Quyền Thủ tướng Ukraine Arseny Yatseniuk cho biết nước này đang có cuộc thương thảo khẩn cấp với các hàng xóm EU để nhập khẩu khí đốt tự nhiên từ phương Tây sau khi giá gas nhập khẩu từ Nga tăng vọt.
Việc đảm bảo nguồn cung cấp gas giá rẻ của Ukraine ngày càng trở nên cấp bách sau khi Moscow hủy bỏ hỗ trợ giá gas nhập khẩu cho Kiev khiến giá gas tăng gấp 2 chỉ sau 3 ngày.
Ông Yatseniuk trả lời báo chí cho biết, các nước phương Tây có thể gửi gas cho Ukraine theo đường ống được các nhà cung cấp Nga vận chuyển qua phương Tây.
 Đường ống dẫn gas của Nga đi qua Ukraine.
“Chúng tôi đang thực hiện các cuộc thương thảo khẩn cấp với các đối tác phương Tây. Một cách để giải quyết vấn đề là nhập ngược khí gas từ các nước EU như Slovakia, Hungary và Ba Lan”, ông Yatsenuik cho hay.
Khí gas nhập khẩu từ Nga cung cấp được 50% nhu cầu khí gas của Ukraine – đất nước vốn chìm sâu trong khủng hoảng kinh tế. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa 2 nước đã xấu đi kể từ khi chính quyền Tổng thống Viktor Yanukovich bị lập đổ và đặc biệt là việc Nga sát nhập Crimea.
Theo ông Yatseniuk, nếu có thể mua ngược gas từ các nước phương Tây, giá gas nhập khẩu của Ukraine sẽ thấp hơn khoảng 150 USD so với giá mà Nga đưa ra.
Nga đã tăng giá gas cho Ukraine lên tới 485 USD cho 1.000 mét khối gas – điều này đồng nghĩa với việc hãng xuất khẩu khí đốt Gazprom của Nga đã tính giá khí gas cho Kiev ngang với các khách hàng ở Trung Âu. Ukraine sẽ nhanh chóng nhận được tiền từ quỹ tiền tệ IMF theo các khoản vay nhưng nước này cũng phải đương đầu với các khoản nợ lớn trong nền kinh tế vẫn rất hỗn loạn.
Trước đó, giá gas thấp là một cách để Moscow gây ảnh hưởng chính trị lên Ukraine cũng như ngăn nước này có mối quan hệ thân thiết với EU. Việc cựu Tổng thống Yanukovich từ chối giao thương và hợp tác với EU là một trong những nguyên nhân dẫn tới các cuộc biểu tình.
Washington cho biết, Phó tổng thống Mỹ Joe Biden đã có cuộc điện đàm với quyền Thủ tướng Ukraine Yatseniuk vào ngày 4/4/2014. Theo thông báo của Nhà Trắng, ông Biden nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo an ninh năng lượng của Ukraine cũng như cam kết sẽ làm việc chặt chẽ với Ukraine và các nước châu Âu để đảm bảo không nước nào có thể dùng năng lượng như vũ khí chính trị.
Nhà phân tích năng lượng độc lập Valentin Zemlyansky cho hay: “Với giá gas hiện nay, Ukraine sẽ vẫn phải tiếp tục nhập khẩu từ Nga và sẽ chìm trong nợ nần. Việc này sẽ xảy ra cho đến khi 2 bên đưa nhau ra trọng tài kinh tế hoặc Nga quyết định cắt xuất khẩu gas tới Ukraine”.
“Nếu 2 nước đưa nhau ra tòa, chúng ta sẽ phải chứng kiến các phiên xét cử dài nhưng nếu Gazprom cắt nguồn cung, Ukraine sẽ phải nhập khẩu gas từ các nước châu Âu”, ông Valentin nhận định.
Một nguồn tin khác cho biết Ukraine cần ngay lập tức đưa vấn đề khí gas ra "trọng tài" vì Nga nâng khí gas do Crimea gia nhập nước này và nước này không cần thuê lại căn cứ cho hạm đội Biển Đen. Nhưng vấn đề ở đây là Kiev không tình nguyên giao trả Crimea cho Moscow.
Nguồn cung hạn hẹp
Khí đốt của Nga cung cấp tới 1/3 lượng khí đốt cần thiết của EU. Khoảng 40% lượng khí đốt này được cung cấp qua Ukraine và phần còn lại được gửi tới Đức qua đường ống dẫn Nord Stream dưới biển Baltic hoặc đường ống dẫn Yamal Europe qua Belarus và Ba Lan.
Bản đồ đường dẫn gas sang châu Âu của Nga.
Ba Lan vừa mở đường dẫn gas Tây-Đông vào ngày 1/4/2014 như một phần để EU đảm bảo nguồn gas cung cấp.
Nhà phân tích Valery Nesterov của ngân hàng Sberbank CIB cho biết, nguồn khí gas có thể bơm ngược không thể vượt qua 5 tỷ mét khối gas trong năm 2014. Con số này chỉ vào khoảng 8% nhu cầu của Ukraine.
Ba Lan có khả năng cung cấp 1,5 tỷ mét khối gas cho Ukraine. Con số này đối với Hungary là 3,5 tỷ còn Romania là 1,8 tỷ. Tuy nhiên vẫn chưa có hãng nào đồng ý.
Nhà tư vấn năng lượng Wood Mackenzie cũng cho biết các trở ngại về luật pháp cũng phải được vượt qua.
Quyền Bộ trưởng Năng lượng Yuri Prodan của Ukraine cho biết, Kiev muốn mua gas từ láng giềng Slovakia nhưng công ty gas Eustream của Slovakia từ chối cho Ukraine kiểm tra các cơ sở vận chuyển gas của hãng này.
Tuy vậy, Eustream cho biết đã chuẩn bị hợp tác với các đối tác Ukraina về việc bơm ngược khí gas. Tập đoàn này sẽ có cuộc họp với Ukraine trong vài ngày sắp tới.
Slovakia có khả năng cung cấp 20 tỷ mét khối gas cho Ukraine, tương đương với hơn 33% nhu cầu gas của nước này. Các nhà phân tích cho biết có thể sẽ cần 6 tháng để gas có thể bắt đầu được chuyển đến Ukraine và khó có thể đạt được công suất tối đa.
Ngô Trang

Bình luận(0)