Tuy Trung Quốc là thị trường khổng lồ và là động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế Hàn Quốc phát triển nhưng Seoul cũng không thể "giữ bụng ăn chè" đứng ngoài tranh chấp Biển Đông mà không phản đối việc Bắc Kinh mưu toan biến vùng biển quốc tế này thành "ao nhà" và tiến hành các biện pháp "ngăn sông, cấm chợ".
|
Biển Đông là tuyến đường vận chuyển dầu mỏ Trung Đông có ý nghĩa sống còn đối với Hàn Quốc. Trong sơ đồ là số lượng dầu đi qua Biển Đông đến Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc trong năm 2011. (Đơn vị tính: 1 triệu thùng/ngày).
|
Hàn Quốc có lợi ích, cơ hội và nghĩa vụ trong việc duy trì môi trường xung quanh ổn định. Điều đó có nghĩa là
Hàn Quốc cần phản đối cách tiếp cận cưỡng chế đối với các tranh chấp khu vực, đặc biệt ở
Biển Đông.
Hàn Quốc ngày nay không thể đứng ngoài những diễn biến địa chính trị ở Châu Á. Do không có yêu sách chủ quyền đối với Biển Đông, Hàn Quốc có thể đóng vai trò là một nhà môi giới thực thụ.
Lựa chọn chiến lược của Hàn Quốc được coi là một chỉ số hàng đầu về định hướng tương lai của trật tự khu vực. Khi Hàn Quốc vẫn đứng ngoài các vấn đề khu vực, sự đồng thuận trong khu vực thiếu đi một mắt xích quan trọng.
Vai trò Hàn Quốc ở Biển Đông không chỉ là do trách nhiệm hay do quy chế của nước này. Đó cũng là do nhận thức được lợi ích riêng. Hàn Quốc chưa bao giờ hưởng lợi từ một trật tự khu vực mà trong đó “kẻ mạnh luôn luôn đúng”, một thứ trật tự mà cưỡng chế đôi khi lại là phương tiện để giải quyết tranh chấp. Tuy nhiên, nếu các quốc gia hữu quan không đoàn kết lại để chống hành vi cưỡng chế ở Biển Đông và lên án hành động này, trật tự “kẻ mạnh luôn đúng” chắc chắn sẽ xuất hiện. Đó là thứ trật tự khu vực mà Trung Quốc tự cho phép mình đe dọa nước khác. Cuối cùng, thứ trật tự này sẽ rất bất lợi đối với Hàn Quốc, nước cũng có tranh chấp lãnh thổ tiềm ẩn với Trung Quốc.
|
Trung Quốc đang tranh chấp bãi đá ngầm Ieodo trên Biển Hoa Đông với Hàn Quốc.
|
Không một quốc gia nào trong khu vực muốn Hàn Quốc xung đột với Trung Quốc vì một vấn đề mà nước này không liên quan trực tiếp. Kể từ khi lập quan hệ ngoại giao năm 1992, Hàn Quốc đã coi trọng phát triển quan hệ kinh tế với Trung Quốc vì đây là thị trường khổng lồ và là động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế Hàn Quốc phát triển. Năm 1992, kim ngạch thương mại Trung-Hàn mới chỉ có 5 tỷ USD, nhưng tới năm 2012 đã lên tới 253 tỷ USD. Theo dự kiến, kim ngạch thương mại song phương có thể lên đến 300 tỷ USD trong năm 2015.
Nhưng có ba điều mà Hàn Quốc có thể làm trên cương vị thành viên cộng đồng khu vực để duy trì ổn định và xứng đáng với qui chế “cường quốc cỡ vừa” của nước này.
Thứ nhất, Hàn Quốc có thể tham gia hoặc tổ chức diễn tập song phương và đa phương giúp nâng cao năng lực phòng thủ bờ biển của quân đội các nước ASEAN vì lực lượng tuần duyên ít có khả năng tấn công quân sự hơn so với các lực lượng khác. Hầu hết quân đội các nước ASEAN thiếu khả năng tự vệ ngay cả trong vùng biển thuộc chủ quyền của nước họ.
Thứ hai, Hàn Quốc có thể phối hợp cùng các cường quốc bên ngoài khu vực khác như Australia, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ bán, chuyển nhượng, cho thuê các phương tiện quân sự như tàu tuần tra, các thiết bị tình báo, giám sát và trinh sát (ISR) và các hệ thống radar. Hàn Quốc và nhiều nước khác vốn coi Đông Nam Á là một thị trường để xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp quốc phòng.
Thứ ba, Hàn Quốc cần góp thêm tiếng nói trong giàn hợp xướng lên án đa phương, khi Trung Quốc có hành động xâm lược ở Biển Đông. Hàn Quốc thường xuyên tham gia các hội nghị đa phương trong khu vực ASEAN, nhưng hầu như im hơi lặng tiếng. Trong khi đó, Mỹ, Australia và những nước khác lại công khai bày lập trường của mình về Biển Đông. Bộ Ngoại giao Hàn Quốc đã công khai hỗ trợ việc ký kết và thực thi Bộ qui tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Khi COC bị vi phạm, Hàn Quốc cần cùng với các nước hữu quan lên tiếng phản đối.
Biển Đông nằm ở trung tâm mô hình an ninh mới đang nổi lên ở Châu Á-Thái Bình Dương và những rủi ro khu vực sẽ đi theo hướng bất lợi đối với Hàn Quốc, nếu nước này chỉ “mãi mãi ngồi trên băng ghế dự bị”.