Chuyên gia Nga: Tranh chấp Biển Đông đã mang tính toàn cầu

Google News

(Kiến Thức) - Tranh chấp Biển Đông đã mang tính toàn cầu và mọi cuộc xung đột quân sự ở Biển Đông đều dẫn đến hậu quả chính trị-kinh tế tầm cỡ thế giới.

Đó là nhận định của chuyên gia Vasily Kashin của Trung tâm Phân tích Chiến lược và Công nghệ (Nga) trong một bài biết đăng trên Lenta.ru.
Chuyen gia Nga: Tranh chap Bien Dong da mang tinh toan cau
Chuyên gia Nga: Tranh chấp Biển Đông đã mang tính toàn cầu 
Theo chuyên gia Vasily Kashin, diễn biến của Đối thoại Shangri-La 14 cho thấy tranh chấp Biển Đông đã mang tính toàn cầu. Đây không chỉ là vấn đề giữa Trung Quốc với các nước láng giềng, mà còn thu hút sự chú ý của các thế lực quốc tế, trước hết là Mỹ.
Trên thực tế, Biển Đông đã trở thành một trong những tâm điểm căng thẳng toàn cầu và có thể so sánh với Vịnh Ba Tư. Hành động của Trung Quốc ở Biển Đông đã chiếm vị trí trung tâm trong các cuộc trò chuyện hậu trường tại Đối thoại Schangri-La.
Tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông ít liên quan đến dự trữ dầu khí. Các khu vực tranh chấp trên Biển Đông không giàu về tài nguyên khoáng sản. Các nguồn tài nguyên khoáng sản chính ở  Biển Đông tập trung vào khu vực gần bờ và cách xa các khu vực  tranh chấp. Quần đảo Hoàng Sa không có nguồn tài nguyên hữu ích, còn Quần đảo Trường Sa thì có rất ít. Một lý do khác là chủ nghĩa  dân tộc và lòng tự hào dân tộc bị tổn thương cũng không thể hoàn toàn lý giải những gì đang xảy ra.
Chuyen gia Nga: Tranh chap Bien Dong da mang tinh toan cau-Hinh-2
Khối lượng dầu đi qua Biển Đông mỗi ngày (đơn vị tính: triệu tấn).
Giá trị đích thực của Biển Đông là vai trò của quan trọng nó trong thế giới thương mại. Đó là tuyến đường biển huyết mạch vận chuyển phần lớn năng lượng nhập khẩu của các nền kinh tế Châu Á và hầu hết các hàng hóa xuất khẩu sang Châu Âu. Biển Đông giữ vị trí trọng yếu đối với việc di chuyển các lực lượng hải quân ở khu vực Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Như vậy, ưu thế quân sự của bất kỳ một cường quốc nào trong khu vực này đều mang lại hậu quả toàn cầu.
Trung Quốc giải thích rằng mặc dù Vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý không giới hạn hoạt động thương thuyền, song hoạt động quân sự của nước ngoài phải được sự đồng ý của nước chủ sở hữu. Quan điểm này vấp phải sự kháng cự quyết liệt của Mỹ vốn coi đó là một sự vi phạm quyền tự do hàng hải.
Về mặt lý thuyết, Trung Quốc có thể đóng cửa hoạt động trên Biển Đông của Hải quân Mỹ, tước đi khả năng cơ động của nó giữa hai khu vực chủ chốt là Trung Đông và Tây Thái Bình Dương. Nếu không chế được Biển Đông, thay đổi trong cán cân lực lượng ở khu vực sẽ là rất lớn và nghiêng về phía Trung Quốc.
Những thay đổi gần đây trong việc tập hợp lực lượng khu vực  bắt nguồn từ việc Trung Quốc ráo riết bồi đắp và mở rộng “đảo nhân tạo”. Kết quả là tại quần đảo Trường Sa đã xuất hiện các “hòn đảo nhân tạo” của Trung Quốc với tổng diện tích hơn 4 km2, có sân bay và cơ sở hạ tầng cho phép hạm đội hải quân hoạt động. Theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), “đảo nhân tạo” nằm trong vùng nước nông không thể có lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế. Tuy nhiên, Trung Quốc lập luận rằng việc mở rộng các “hòn đảo tự nhiên” (?) của họ là hợp pháp. Việc Mỹ đem máy bay tàu chiến qua lại xung quanh các “đảo nhân tạo” cho thấy Mỹ không công nhận yêu sách này của Trung Quốc.

Minh Châu (TH)

Bình luận(0)