Giới tướng lĩnh Mỹ không muốn đánh nhau ở Syria

Google News

(Kiến Thức) - Các loại vũ khí mà Washington sắp trao cho các chiến binh nổi dậy Syria, chẳng sớm thì muộn cũng sẽ được sử dụng để chống Mỹ.

Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ Martin Dempsey nói can thiệp quân sự vào Syria sẽ là tốn kém và khó đạt được hiệu quả mong muốn.  
Như từng xảy ra trong quá khứ, quân Mỹ rồi sẽ phải giao tranh với những kẻ mà cách đó chưa lâu họ còn ủng hộ. Những cảnh báo như vậy ngày càng vang lên thường xuyên hơn ở Washington.
Khi về hưu, Phó Giám đốc CIA Michael Morell đã lập ra bản danh sách liệt kê những thách thức cơ bản đối với an ninh của Mỹ. Trong danh sách này có những mối đe dọa xuất phát từ Iran và Triều Tiên, tổ chức khủng bố al-Qaeda và nguy cơ bùng nổ cuộc chiến tranh mạng toàn diện. Nhưng còn về mối đe dọa chính thì ông Morrell đã nêu ra khả năng chế độ Bashar al-Assad sụp đổ. Nếu điều đó xảy ra, như ông Morell cảnh báo, Syria sẽ trở thành sào huyệt và bàn đạp dành cho các phần tử khủng bố.
Chuyên gia nổi tiếng Gumer Isaev - lãnh đạo Trung tâm Saint-Peterburg nghiên cứu Trung Đông hiện đại - cũng tán đồng với dự báo này. Ông Isaev nói: “Bất kỳ cuộc nội chiến nào cũng đều sản sinh bạo lực. Và sau khi kết thúc nội chiến, người ta rất khó tránh việc tiếp tục sử dụng bạo lực. Hơn nữa, trong trường hợp chế độ Bashar al-Assad sụp đổ, tiếp theo sẽ là giai đoạn phức tạp để chia chác quyền lực giữa những người chiến thắng. Đó là quá trình có thể đưa những kẻ cực đoan lên nắm chính quyền”.
Theo quan điểm của Tham mưu trưởng lục quân Mỹ, tướng Ray Odierno, thậm chí chỉ "can thiệp hạn chế" cũng đủ dẫn đến tổn thất hết sức to lớn. Trước đó, lên tiếng phản đối khả năng can thiệp quân sự vào cuộc xung đột Syria còn có cả Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ Martin Dempsey. Ông Dempsey lý giải rằng can thiệp quân sự sẽ quá tốn kém và khó đạt được hiệu quả mong muốn. Giới quân sự Mỹ biết rõ chiến tranh là cái gì và do đó, không ngạc nhiên, khi họ chống lại viễn cảnh nước Mỹ bị lôi kéo một cuộc phiêu lưu khác.
Nhà phân tích chính trị Boris Mezhuev nhận xét: “Có vẻ kỳ lạ là những nhân vật yêu hòa bình nhất lại ngồi ở chỗ chúng ta ít ngờ nhất và đó là trong ban lãnh đạo quân sự của Lầu Năm Góc. Cánh nhà binh không thích chiến đấu, chỉ đơn giản là do họ hiểu rõ cái giá của chiến tranh”.
Hỗ trợ quân nổi dậy Syria, Mỹ đang lặp lại sai lầm mà họ từng mắc không chỉ một lần trong quá khứ. Năm 1980, người Mỹ đã giúp các chiến binh thánh chiến Afghanistan chống quân đội Liên Xô. Chính khi đó đã nảy sinh ra al-Qaeda và theo giả thiết của các chuyên gia, sự nảy sinh này không phải là không có sự gây dựng kích động của đặc nhiệm Mỹ.
Tuy nhiên, không phải chỉ riêng Washington có lối hành xử thiếu cân nhắc như vậy, mà còn có cả các đối tác phương Tây của Mỹ. Bộ trưởng Ngoại giao Nga đã nhiều lần chỉ ra điều đó. Trong một bài phát biểu, ông Sergei Lavrov đã nói thẳng rằng ở địa bàn Mali những người lính Pháp phải đối mặt với các phần tử mà Paris đã cung cấp trang bị ở Libya. Trong đó, các chiến binh từ Libya cũng tham chiến cả ở Syria.
Bộ trưởng Ngoại giao Sergei Lavrov khái quát: “ Hóa ra là ở Mali, các đồng nghiệp Pháp của chúng ta đang đanhý nhau với thứ sản phẩm được sinh ra trong cuộc khủng hoảng Libya. Thế nhưng, họ vẫn hỗ trợ cho các chiến binh nổi dậy Syria có xuất xứ từ Libya”. Ông Lavrov nói đó quả là một thứ logic vô cùng khó hiểu.
Văn Bình (theo VOR)

Bình luận(0)