Giáo sư Australia: không thể có đại chiến vì tranh chấp lãnh thổ ở CA-TBD

Google News

(Kiến Thức) - Giáo sư Australia lý giải lý do không thể xảy ra thế chiến do các tranh chấp lãnh thổ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Dưới đây là bài viết của giáo sư Paul Dibb – giáo sư danh dự về nghiên cứu chiến lược tại Đại học Quốc gia Australia:
Lịch sử chiến tranh thế giới lặp lại?
Một số lời tiên tri cho rằng sẽ có một cuộc chiến giữa các quyền lực lớn ở châu Á như chiến tranh thế giới thứ 1 (CTTG 1) từng xảy ra ở châu Âu vào năm 1914. Nguyên nhân cho cuộc chiến này được cho rằng quyền lực mới Trung Quốc sẽ gây chiến với Mỹ trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua Nhật Bản.
Các nhà bình luận còn cho rằng sự cố Sarajevo – nguyên nhân gây ra CTTG 1 sẽ lặp lại giữa Trung Quốc và Nhật đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư tại biển Hoa Đông. Cựu thủ tướng Australia Kevin Rudd từng so sánh tình trạng hiện nay với tình trạng hàng hải ở biển Balkan vào đầu thế kỷ 20. Giáo sư chuyên nghiên cứu chiến lược Hugh White tại ĐH Quốc gia Australia cũng cho rằng nguy cơ xảy ra chiến tranh giữa Trung Quốc và Nhật ngày càng rõ ràng.
Có thể chắc chắn rằng các hành vi khiêu khích của Trung Quốc ở biển Hoa Đông hoặc Biển Đông do tranh chấp lãnh thổ sẽ dẫn tới cuộc đối đầu quân sự, có thể là do tính toán sai lầm hoặc cũng có thể do các toan tính trừ trước. Nhưng không có nghĩa việc tàu chìm hoặc máy bay bị bắn rơi sẽ dẫn đến cuộc chiến tổng lực. Nhiều sự kiện đã xảy ra như vụ chìm tàu chiến của Hàn Quốc năm 2010 hay vụ va chạm giữa máy bay chiến đấu của Trung Quốc và máy bay do thám của Mỹ năm 2001. Nhưng những sự kiện này đều đã kết thúc mà không có cuộc chiến nào xảy ra. Tuy vậy, sự cố quân sự giữa Trung Quốc và Nhật sẽ nghiêm trọng hơn.
 Vùng Nhận diện phòng không của Trung Quốc trên biển Hoa Đông là một hành vi khiêu khích.
Chỉ huy lực lượng Không quân Mỹ ở Thái Bình Dương, tướng Herbert “Hawk” Carlisle từng đề cập rằng sự tương đồng được các nhà lãnh đạo Nhật và Philippines nhắc đến về các hành vi của Trung Quốc trong khu vực châu Á và tình trạng của châu Âu trước chiến tranh là không hữu ích. Tuy nhiên, vị tướng này cũng cho biết các hành động gần đây của Trung Quốc trong việc mở rộng vùng nhận dạng phòng không trên biển Hoa Đông là một hành động rất khiêu khích.
Rõ ràng cuộc chiến trên toàn châu lục giống như châu Âu sẽ khó trở thành hiện thực ở châu Á khi không có các yếu tố tất yếu dẫn đến chiến tranh như ở châu Âu. Đức đã phải tiến hành cuộc chiến ở châu Âu vì lo ngại về nước Nga đang lên ở phía Đông, cường quốc hùng mạnh Pháp và Anh ở phía Đông cũng như tình trạng không ổn định trong nước. Đối với tình trạng của Bắc Kinh hiện nay, họ có nhiều thuận lợi hơn khi xét đến các mối tương quan chiến lược về lực lượng. Hơn nữa, chính phủ Trung Quốc cần ưu tiên phát triển kinh tế để tránh các biến động trong nước.
Các nguyên nhân chính khiến chiến tranh không xảy ra được ở châu Á
Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier vừa nhấn mạnh về việc ngoại giao thất bại dẫn tới cuộc CTTG 1 nổ ra cướp đi sinh mạng của 17 triệu người. Việc ngoại giao ở châu Á sẽ gặp rất nhiều khó khăn do sự phức tạp chính trị trong khu vực này. Sẽ cần rất nhiều thảo luận và các cuộc họp để thông qua việc kiểm soát vũ khí, tránh các cuộc chạy đua vũ trang cũng như các tai nạn hành hải trong khu vực.
Tiêm kích J-15 cất cánh từ tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc.
Kể cả khi có nhiều khó khăn trong ngoại giao, vẫn sẽ có 2 lý do lớn dẫn đến việc sẽ không có cuộc chiến lớn trong khu vực châu Á.
Thứ nhất, răn đe hạt nhân vẫn là một bức tường thép ngăn chặn chiến tranh trong vòng gần 70 năm qua kể cả trong giai đoạn căng thẳng nhất của Chiến tranh Lạnh. Một cuộc chiến hạt nhân tổng lực giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ gây ra cái chết cho hàng trăm triệu người ở cả 2 bên chỉ trong vài giờ. Điều này sẽ khó trở thành hiện thực vì đây không phải là điều cả 2 bên muốn.
Lý do thứ 2 là sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế, công nghệ của các nền kinh tế trong khu vực. Chuỗi cung ứng toàn cầu xảy ra đối với hầu hết các sản phẩm hiện nay ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương khiến các nước rất dễ bị tổn thương nghiêm trọng khi chiến tranh xảy ra. Điều này đúng với Trung Quốc và các nước khác. Kinh tế Trung Quốc hiện nay vẫn phụ thuộc rất nhiều vào việc nhập khẩu khiến nước này khó có thể tự bảo đảm an ninh kinh tế.
Như vậy, như giáo sư Joseph Nye của ĐH Harvard lập luận, các nước cần đề phòng với các lâp luận của các nhà suy luận lịch sử. Chiến tranh là không thể hoàn toàn tránh khỏi, nhất là khi niềm tin về việc có thể xảy ra chiến tranh là một phần nguyên nhân.
Ngô Trang

Bình luận(0)