Người dân Tunisia vẫn đối mặt với nhiều vấn đề
Cuộc cách mạng "Mùa xuân Arập" ở Tunisia diễn ra thành công cách đây 5 năm nhưng quốc gia Bắc Phi này vẫn đối mặt với nhiều vấn đề như tình trạng bất ổn kinh tế, sự tha hóa và nỗi tuyệt vọng của giới trẻ.
“Tình trạng thiếu việc làm, an ninh và nghèo đói khiến nhiều nam giới Tunisia phải rời Sra Ouertane đến những thành phố lớn để tìm việc. Hầu hết các gia đình đều bỏ lại nhà cửa với hy vọng có một cuộc sống tốt đẹp hơn”, cư dân Khadidja chia sẻ.
|
Tunisia đối mặt với nhiều vấn đề sau "Mùa xuân Ả-rập".
|
Năm 2010, một người bán hàng trẻ là Mohamed Bouazizi đã tự thiêu để phản đối tình trạng thất nghiệp và sự lạm quyền của cảnh sát.
Năm năm sau "Mùa xuân Arập", Ridha Yahyaoui đã tự vẫn trong nỗi tuyệt vọng vì không xin được việc, làm dấy lên cuộc biểu tình khắp các thị trấn nghèo.
“Con tôi tự sát vì mất hết hy vọng. Mặc dù mất con trai, nhưng tôi cảnh báo chính quyền rằng, cái chết của con tôi sẽ thổi bùng nhiều cuộc biểu tình hơn về công việc và nhân phẩm”, cha của Ridha, ông Hathmane, chia sẻ.
|
Nhiều người trẻ Tunisia không muốn sống trong tuyệt vọng.
|
Tại Kasserine, nơi cuộc biểu tình gần đây bắt đầu nổ ra, ngày càng nhiều thanh niên cảm thấy bất mãn và muốn "kết liễu cuộc đời". Mới đây, vì không có việc làm, hai người nhảy từ tòa nhà cao tầng xuống đất. May mắn là họ chỉ bị thương.
Nhiều người khác, trong đó có Yosri Adjli, tham gia cuộc biểu tình phản đối nạn đói đang hoành hành tại quốc gia này.
Trong khi đó, Thủ tướng Tunisia tuyên bố, nền dân chủ non trẻ của nước này sẽ "được bảo vệ bằng mọi giá" và việc đáp ứng các yêu cầu kinh tế của giới trẻ cần có thời gian.
|
Rất nhiều người Tunisia không có việc làm.
|
Một hiến pháp mới, một sự thỏa hiệp giữa các bên và các cuộc bầu cử tự do được ngợi ca là hình mẫu cho quá trình chuyển tiếp trong một khu vực, nơi vũ khí “chế ngự” việc bỏ phiếu. Tuy nhiên, sự tiến bộ về chính trị đã không đi liền với sự phát triển về kinh tế.
|
"Tình hình chính trị và kinh tế ở Tunisia ngày càng tồi tệ".
|
“Tình hình chính trị và kinh tế ở Tunisia đang trở nên ngày càng tồi tệ. Tôi không nhận thấy bất kỳ sự cải thiện nào kể từ sau cuộc cách mạng năm 2011”, Nurddine Nasseri chia sẻ.
"Tôi muốn lạc quan hơn nhưng thật khó vào thời điểm này. Cuộc sống của tôi là một thảm kịch. Tôi đã kết hôn nhưng không thể mua một căn hộ cho gia đình nhỏ của mình", Nasseri nói tiếp.
|
Rất nhiều sinh viên đại học ở Tunisia thất nghiệp sau khi ra trường.
|
Không giống như các quốc gia láng giềng giàu dầu mỏ như Libya và Algeria, Tunisia hầu như không có nguồn tài nguyên thiên nhiên. Trong khi đó, tình hình đất nước bất ổn nhiều năm ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư.
Ba vụ tấn công lớn nhằm vào một viện bảo tàng ở Tunis và các du khách ở khu nghỉ dưỡng bãi biển Sousse cùng vụ đánh bom tự sát ở thủ đô do phiến quân Hồi giáo gây ra hồi năm 2015 đã tác động nghiêm trọng đến ngành công nghiệp du lịch nước này. Đây vốn là nguồn cung cấp việc làm và thu nhập chủ chốt.
“Các vụ tấn công khủng bố vẫn chưa dừng lại. Lo ngại về an ninh, du khách và các nhà đầu tư kéo nhau rời khỏi Tunisia. Đất nước chúng tôi chỉ đầu tư vào ngành du lịch. Tôi nghĩ đó là một sai lầm ngay từ đầu vì Tunisia còn có những nguồn tài nguyên tiềm năng khác”, Hamza Nasri, một cử nhân thất nghiệp, bày tỏ.
Lớp trẻ Tunisia có đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng?
Được biết, 1/3 số sinh viên đại học ở Tunisia thất nghiệp sau khi ra trường. Mohamed Bouazizi là một trong những cử nhân đại học phải bán hoa quả để kiếm sống.
Tình trạng này là một phần lý do tại sao, ngay cả tầng lớp trung lưu và những người có học tại Tunisia, trở thành “con mồi” của những kẻ tuyển mộ đang tìm kiếm chiến binh thánh chiến tại Syria, Iraq và Libya. Hơn 3.000 người Tunisia được cho là đang chiến đấu cho các nhóm khủng bố Hồi giáo tại Iraq và Syria.
|
Nhiều người Tunisia gia nhập các tổ chức khủng bố.
|
“Chính phủ Tunisia cần đưa ra giải pháp giải quyết các vấn đề hiện nay. Chúng tôi đã mất nhiều năm học hành với hy vọng sẽ giúp ích cho đất nước nhưng kết quả chúng tôi lại bị thất nghiệp. Điều đó là không thể chấp nhận được”, Nasser Abaidi, 34 tuổi, bức xúc.
“Lớp trẻ đang tuyệt vọng. Một số người muốn rời khỏi đất nước, số khác định gia nhập các tổ chức khủng bố. Thực trạng này cũng không thể chấp nhận được. Tôi cảm thấy những ngày bình yên ngày càng xa vời”, Abaidi nói tiếp.
Maroua Airchaoui, 26 tuổi, một cử nhân thất nghiệp khác, cũng thừa nhận về tình hình chính trị và kinh tế của Tunisia hiện giờ rất tồi tệ.
“Tôi hy vọng chính phủ sẽ tạo điều kiện để thế hệ trẻ Tunisia có thể đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng”, Aichaoui chia sẻ.