Cuộc khủng hoảng Triều Tiên: Tại cả đôi bên

Google News

(Kiến Thức) - Tờ Pressian tại Seoul nhận định tình hình xấu đi trên bán đảo Triều Tiên không chỉ do một mình Triều Tiên gây ra, mà còn có cả Mỹ và Hàn Quốc.

 Tình trạng căng thẳng ở Hàn Quốc.

Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên không phải là chuyện mới mẻ gì, thế nhưng trong quá khứ, căng thẳng đều được kết thúc bằng việc đàm phán có hoặc không có trung gian. Lần này thì khác, hình như không có chỗ cho đàm phán mà chỉ thấy đối đầu. Và cũng chẳng hề có trung gian bởi Trung Quốc cũng đã bắt đầu cảm thấy khó chịu với những động thái khiêu khích của Triều Tiên.

Tờ Pressian nhấn mạnh các bên đều thiếu tinh thần ngoại giao. Triều Tiên  không muốn đàm phán về vấn đề giải trừ hạt nhân và có ý buộc Mỹ và Trung Quốc phải chọn một trong hai con đường: chiến tranh hoặc hòa bình. Chính quyền Obama thì có thông điệp không rõ ràng, khi mà vừa tuyên bố mở cửa cho khả năng ngoại giao, vừa đặt điều kiện tiên quyết để nối lại ngoại giao. Điều kiện mà Mỹ đặt ra là Triều Tiên phải chấm dứt hành động khiêu khích và phải tỏ thiện chí giải trừ hạt nhân. Tờ báo nhận định, Mỹ đã biến “mục tiêu” đàm phán thành “điều kiện tiên quyết” để nối lại đàm phán và đó là nguyên nhân góp phần gây căng thẳng. Về phần mình, tân Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye tỏ ra đồng tình với Mỹ.

Hai miền Triều Tiên vẫn chưa ký kết được hiệp ước hòa bình chính thức, tức là trên nguyên tắc hai bên vẫn đang trong tình trạng chiến tranh. Theo kết quả của cuộc đàm phán 6 bên hồi tháng 9/2005, các bên dự định xúc tiến một hội nghị để biến đổi hiệp ước đình chiến 1953 thành hiệp ước hòa bình chính thức. Thế nhưng, theo Pressian, đến nay hội nghị này vẫn chưa thấy đâu. Tờ báo cho biết, Triều Tiên đã từng lên tiếng yêu cầu đàm phán về vấn đề này, nhưng Hàn Quốc và Mỹ đã phớt lờ.

Liên quan đến việc đàm phán 6 bên bị đình chỉ kể từ năm 2008, tờ báo cho rằng, từ 5 năm nay, vấn đề Triều Tiên không phải là ưu tiên của Hàn Quốc và Mỹ. Và chính trong giai đoạn này, tiềm lực hạt nhân của Bắc Triều Tiên lại có thêm thời gian để phát triển. Hồi năm 2008, sau khi nhà lãnh đạo Kim Jong-il của miền Bắc bị tai biến mạch máu não, chính quyền miền Nam cho rằng miền Bắc sẽ nhanh chóng sụp đổ. Mỹ cũng nuôi hy vọng tương tự và lập tức tỏ thái độ cứng rắn hơn với Triều Tiên.

Thêm vào đó, thay vì theo đuổi con đường ngoại giao, Seoul và Washington mấy năm qua cứ lao vào giải pháp tăng sức ép bằng các lệnh trừng phạt. Tờ báo Hàn Quốc kết luận : Thế là, Hàn Quốc và Mỹ thì lao vào các biện pháp trừng phạt còn Triều Tiên thì lại tăng cường động thái khiêu khích.

TIN LIÊN QUAN:








ĐANG ĐỌC NHIỀU:


Văn Bình (theo Pressian)

Bình luận(0)