Vì sao Chiến tranh Triều Tiên “tập hai” khó xảy ra?

Google News

(Kiến Thức) – Do những tổn thất vô cùng to lớn về “người và của” và do tương quan lực lượng, Chiến tranh Triều Tiên “tập hai” xem ra khó có thể xảy ra.

 Ảnh minh họa.

Theo nhiều nhà phân tích, trong trường hợp xung đột vũ trang trên bán đảo Triều Tiên xảy ra, CHDCND Triều Tiên sẽ bị không quân Mỹ tấn công, phá hủy hệ thống phòng không, làm tê liệt hệ thống giao thông và hệ thống quản lý, phá hủy dần dần của các đơn vị cơ giới… và cuối cùng, Bình Nhưỡng thất bại là điều không thể tránh khỏi.

Đồng thời, Bắc Triều Tiên cũng sẽ có thể gây thiệt hại đáng kể cho nền kinh tế và gây tổn thất đáng kể cho Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản.

Triều Tiên có số lượng lớn pháo tự hành và pháo kéo, hầu hết trong số đó tập trung ở khu phi quân sự và các vị trí có thể tấn công Seoul. Đó là những loại vũ thô sơ nhưng rất mạnh. Pháo tự hành 170-mm "Koksan" có thể giáng đòn mạnh mẽ vào các khu vực đông dân cư của Hàn Quốc, trước khi bị không quân đối phương tiêu diệt.

Nước này cũng có hàng trăm tên lửa “Rodong” và "Scud” có tầm bắn từ vài trăm đến 1.500 km cũng như vô số tên lửa có tầm bắn khoảng 120 km, sao chép từ tên lửa “Point” của Liên Xô. Nhiều khả năng, những tên lửa này có độ chính xác thấp và không hiệu quả về mặt quân sự. Tuy nhiên, trong trường hợp tấn công vào các khu dân cư ở Hàn Quốc và Nhật Bản, chúng có thể gây tổn thất lớn về người. Trong trường hợp bắn trúng các cơ sở hạt nhân hoặc công nghiệp hóa chất, chúng  hoàn toàn có khả năng gây ra thảm họa sinh thái.

Cuối cùng, các chiến dịch không kích tự nó cũng không thể dẫn đến sự hủy diệt CHDCND Triều Tiên. Đất nước này có một mạng lưới các cấu trúc ngầm, bao gồm các xí nghiệp ngầm, kho cung cấp, hầm tạm trú cho quân đội và công chúng. Một phần đáng kể lực lượng vũ trang Triều Tiên là bộ binh gọn nhẹ, phù hợp với hoạt động ở địa hình miền núi chống lại đối phương công nghệ cao. Với địa hình phức tạp, quân Mỹ tiến vào lãnh thổ Triều Tiên có thể gặp nhiều khó khăn và kèm theo những tổn thất lớn, ngay cả khi hệ thống chỉ huy quân đội Triều Tiên bị vô hiệu hóa.

Một yếu tố vô hình khác là tinh thần chiến đấu của các lực lượng Triều Tiên. Vào thời điểm này, không có lý do nào để mong đợi sự đào ngũ đông đảo và suy giảm tinh thần yêu nước của quân đội Triều Tiên trong trường hợp xảy ra chiến tranh.

Vì vậy, cuộc Chiến tranh Triều Tiên “tập hai”, nếu xảy ra,  sẽ khiến cho miền Bắc bị tàn phá. Còn đối với Mỹ và đồng minh, chiến tranh sẽ khiến cho hàng trăm nghìn dân thường bị thiệt mạng, gây thiệt hại hàng trăm tỷ USD cho nền kinh tế. Đây sẽ là một chiến dịch “hao người, tốn của”, tốn kém về kinh tế và tổn thất về chính trị.

Một chiến dịch tấn công Triều Tiên chắc chắn sẽ gây căng thẳng giữa Mỹ và các đồng minh ở một bên và giữa Trung Quốc và Nga ở bên kia. Nga và Trung Quốc không thể để cho miền Bắc Triều Tiên bị biến thành khu vực chịu ảnh hưởng của Mỹ và sẵn sàng sử dụng các công cụ chính trị để ngăn chặn điều đó.

Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu và những vấn đề nghiêm trọng về thâm hụt ngân sách của Mỹ, tình hình như vậy trở nên đặc biệt nguy hiểm đối với nền kinh tế toàn cầu và sự ổn định kinh tế vĩ mô của Mỹ. Vì vậy, cuộc Chiến tranh Triều Tiên “tập hai” dường như khó xảy ra.

Một số động thái gần đây của Trung Quốc, Nga, Mỹ, Hàn Quốc và Triều Tiên đều cho thấy không bên nào muốn xảy ra chiến tranh. Vấn đề quan trọng là làm thế nào để các bên xuống thang mà không bị mất thể diện.

TIN LIÊN QUAN:



Văn Bình (theo VOR)

Bình luận(0)