Bầu cử Tổng thống Venezuela: Lựa chọn giữa hai con đường

Google News

(Kiến Thức) - Ngày 14/4, cử tri Venezuela bỏ phiều bầu tổng thống để lựa chọn giữa hai ứng cử viên: Quyền Tổng thống Nicolas Maduro và thủ lĩnh đối lập Henrique Capriles.


 Hai ứng cử viên tổng thống hàng đầu: Nicolas Maduro (trái) và Henrique Capriles.

Theo Tân Hoa Xã, có khoảng 39.322 thùng phiếu được đặt tại 13.810 địa điểm bỏ phiếu.  Khoảng 3.000 quan sát viên trong nước và 240 quan sát viên quốc tế theo dõi cuộc bầu cử tổng thống Venezuela lần này.

Cuộc bầu cử bắt đầu vào lúc 6 giờ sáng ngày 14/4 (giờ địa phương, 10h30 GMT) và kết thúc vào lúc 18h00 ( 22h30 GMT). Kết quả bầu cử dự kiến sẽ được công bố vào đêm Chủ Nhật.

Theo Hiến pháp Venezuela, ứng cử viên nào giành được nhiều phiếu bầu nhất sẽ thắng cử ngay trong vòng đầu và tổng thống đắc cử sẽ có nhiệm kỳ 6 năm.

Tiến trình bỏ phiếu ở Venezuela nói chung được xem là công bằng và vô tự. Quan chức phụ trách bầu cử Juan Martinez quan sát viên của mỗi đảng có mặt tại phòng phiếu để bảo đảm không có gian lận và cử tri trình giấy tờ chứng minh chính thức, không phải là bản sao hay giấy tờ nào khác. Gần 19 triều người trên cả nước hội đủ điều kiện bỏ phiếu.
 
Ứng cử viên nào thắng trong cuộc bầu cử cũng sẽ thừa hưởng một đất nước trong tình trạng phân cực chính trị, nhưng đồng thời cũng sẽ kiểm soát trữ lượng dầu lớn nhất trong khối các nước OPEC.

Các chính phủ thiên tả ở Mỹ châu Latinh từ Cuba cho đến Bolivia đang theo dõi sát cuộc bầu cử để xem liệu viện trợ kinh tế hào phóng của tổng thống Chavez sẽ còn tiếp tục.

Sau đây là thân thế và sự nghiệp của hai ứng cử viên chính:

Nicolas Maduro

Ứng cử viên Nicolas Maduro, người kế thừa cố Tổng thống Hugo Chavez, đang trông cậy đông đảo cử tri nghèo đi bỏ phiếu để Đảng Xã hội tiếp tục cầm quyền  ở Venezuela.
 
Là một nhà lãnh đạo nghiệp đoàn từng lái tàu điện ngầm ở Caracas, ông Nicolas Maduro đảm nhận chức quyền tổng thống sau khi Tổng thống Hugo Chavez qua đời đầu tháng 3/2013.

Là người được Tổng thống Chavez đích thân lựa chọn, Maduro có lợi thế hơn các ứng cử viên tổng thống khác trong cuộc bầu cử Tổng thống Venezuela ngày Chủ Nhật.

Ông Maduro được bầu vào Quốc hội Venezuela trong năm 2000, tái đắc ử trong năm 2005 và được bầu làm Chủ tịch Quốc hội.Từ năm 2006 đến năm 2012, ông Nicolas Manduro giữ chức Bộ trưởng Ngoại giao và được Tổng thống Hugo Chavez bổ nhiệm làm Phó Tổng thống hồi tháng 10/2012.

Trong tháng 12/2012, ông  Maduro được tuyên bố là người kế nhiệm Tổng thống Chavez, người đã sang Cuba điều trị căn bệnh ung thư. Kể từ đó đến cuộc bầu cử ngày 14/4, ông Maduro liên tục lãnh đạo đất nước Venezuela.

Một trong những khẩu hiệu của ông Maduro là “Chavez chỉ đường,  Maduro cầm lái”, ngụ ý rằng bỏ phiếu cho Maduro là bỏ phiếu ủng hộ việc tiếp tục chính sách cải cách của cố Tổng thống Chavez.

Ông Maduro đã cam kết tiếp tục các sứ mạng của cố Tổng thống Chavez, cam kết giải quyết tình trạng lạm phát cao, thiếu lương thực và tỷ lệ tội phạm cao ở Venezuela.

Trong suốt cuộc vận động quyền Tổng thống Maduro hứa tiếp tục các chính sách được tài trợ bằng dầu hỏa, đã giảm tỷ lệ nghèo từ 50 xuống còn 29% với các chương y tế, giáo dục và thực phẩm cho người dân. 

Tuy nhiên, không ít cử tri cảm thấy nản lòng vì tình hình kinh tế đình trệ, lạm phát cao, mất điện thường xuyên, cộng thêm với tình trạng khan hiếm thực phẩm, thuốc men. Tỷ lệ tội phạm tăng vọt cũng là một trong những vấn đề chính đối với cử tri. Venezuela nằm trong số những nước có tỷ lệ giết người và bắt cóc cao nhất thế giới.
 
Cuộc thăm dò mới nhất của tổ chức thăm dò dư luận GIS 21 cho thấy ứng cử viên Maduro dẫn trước đối thủ chính Henrique Capriles với tỷ lệ 55,3% trên 44,7%.

Henrique Capriles

Henrique Capriles là ứng cử viên tổng thống của Liên minh Dân chủ Thống nhất.

Ông từng giữ chức thống đốc của bang Miranda đông dân từ năm 2008 đến năm 2012, cho đến khi từ chức để ra tranh cử với Tổng thống Chavez trong cuộc bầu cử tổn thống Venezuela hồi tháng 10/2012.

Trước đó, ông Capriles từng là Phó Chủ tịch trẻ nhất của Quốc hội Venezueal đã bị giải thể và từng giữ chức Chủ tịch Quốc hội trong hai năm 1999-2000. Ông cũng từng là thị trưởng Baruta liên tục hai nhiệm kỳ (2000-2008). Ông Capriles là người sáng lập và lãnh đạo Đảng Công lý trên hết.

Trong chiến dịch tranh cử tổng thống 2012, ông Capriles cam kết tiến hành thay đổi quan trọng trong đường lối đối ngoại của Venezuela, nếu đắc cử, trong đó có việc hủy bỏ các hợp đồng mua vũ khí Nga và xa lánh Iran, Belarus.  

Capriles cam kết giúp đỡ người nghèo, trong khi dành nhiều cơ hội cho cho khu vực tư nhân cũng như tầng lớp trung và thượng lưu. Ông cũng cam kết đưa tỷ lệ lạm phát xuống mức 1 con số, tăng sản lượng khai thác dầu lên tới 6 triệu thùng/ngày, hòa giải với khu vực tư nhân cũng như thúc đẩy sản xuất nông nghiệp.

Ông cam kết đấu tranh với tình trạng tội phạm bằng cách tạo ra 100.000 việc làm mỗi năm và mang lại cơ hội cho tầng lớp trẻ cũng như những người trên 45 tuổi.

Trong cuộc bầu cử tổng thống Venezuela hồi tháng 10/2012, Henrique Capriles đã thất cử trước đương kim Tổng thống Hugo Chavez, với tỷ lệ phiếu bầu 44,31% trên 55,07%.

Trong cuộc bầu cử khu vực hồi tháng 12/2012, ông Capriles tái đắc cử chức Thống đốc bang Miranda và củng cố vị thế là thủ lĩnh phe đối lập Venezuela.

TIN LIÊN QUAN:


Lê Chân (tổng hợp)

Bình luận(0)