Bất chấp giao tranh giữa quân ly khai và Quân đội Ukraine, những tuyến xe buýt giữa thành phố Donetsk và thành phố cảng bị bao vây Mariupol vẫn chạy. Cuộc chiến vẫn chưa hề hủy hoại những mối quan hệ giữa gia đình, bạn bè, công việc làm ăn ở 2 thành phố chỉ cách nhau 2 giờ lái xe mà chỉ làm cho điều này khó khăn hơn. Chuyến xe 2 chiều từ Mariupol đến Donetsk tốn dưới 10 USD và trễ hơn bình thường khoảng 30 phút vì trên đường có tới 5 trạm kiểm soát của cả 2 phe.
Tài xế xe buýt Victor Pavlov nói: “Việc những người canh gác kiểm tra căn cước tốn rất nhiều thời gian”.
|
Chuyến xe buýt qua điểm kiểm soát của Quân đội Ukraine. |
Khi có những cuộc pháo kích thì xe buýt không được phép hoạt động, và hậu quả của chúng là tình trạng tồi tệ của đường sá. “Trên đường đầy những hố đạn pháo và phương tiện quân sự bi phá hủy”, ông Pavlov nói. Một tài xế khác cũng cho biết anh chỉ nghỉ mất 2 ngày vì những cuộc giao tranh nhưng cũng vì chúng mà nhiều hôm phải đi vòng và mất thêm 3 giờ đồng hồ.
Giống như nhiều chuyến xe khác đến Donetsk, chiếc xe của Pavlov luôn đầy ứ khách. Mọi người muốn trở về thủ đô công nghiệp của miền đông Ukraine bởi họ nghĩ trận chiến tiếp theo sẽ xảy ra tại Mariupol và ở lại là nguy hiểm, hoặc cũng có thể là họ đã hết tiền. Ông Ruslan, làm nghề kinh doanh vải, nói rằng gánh nặng lo cho các con buộc anh phải trở lại Donetsk để làm việc. Anh cho biết mình đang đi nghỉ ở Crimea trước khi đến Mariupol và muốn tránh khỏi nơi đó cho tới khi cuộc chiến kết thúc nhưng nó vẫn cứ mãi tiếp diễn.
Ở nơi chiến sự đang leo đến đỉnh điểm như Mariupol - thành phố thê thảm nằm trên tuyến đường nối liền Crimea và Nga, xe buýt vẫn chạy đều đặn 30 phút/chuyến.
Và có vẻ ngay cả dịch vụ bưu điện cũng như người dân cũng thờ ơ với cuộc chiến. Một dịch vụ bưu chính không chính thức hình thành từ rất lâu trước chiến tranh nhờ khoang chứa hành lí của xe buýt. Người gửi và người nhận trả cho tài xế 1 vài hryvnia- đơn vị tiền tệ của Ukraine, và có vẻ như những bưu kiện không bị những chốt kiểm soát của cr 2 bên kiểm tra. Bà Liudmyla Liashova giao bưu kiện đầy những món đồ trẻ con cho tài xế xe buýt để gửi tới bạn mình, người có đứa con 2 tuổi và không thể kiếm được những món như vậy trong thời kì thiếu thốn bởi chiến tranh.
Vào sáng thứ 7, chưa đầy 24 giờ sau khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực, hành khách đã chen lấn rất đông tại bến xe của Mariupol để mua vé đi Donetsk và vài nơi khác. Chuyến xe lúc 9h45 có 30 chỗ ngồi, 3 người đã phải đứng trong cả chuyến đi, hành lý chất đầy lối đi.
Trạm kiểm soát đầu tiên là của Quân đội
Ukraine và nằm trong của thành phố Mariupol, với những người lính được trang bị AK quanh bức tường bê tông và lều trại với những chiếc xe bọc thép. Một anh lính tuổi còn trẻ miệng ngậm điều thuốc đang cháy bước lên xe và bảo tất cả đàn ông đi xuống. Sau khi tra hỏi từng người, anh ta yêu cầu nhà báo cho xem chứng nhận là phóng viên tác nghiệp tại vùng chống khủng bố. Nhưng thực tế là không có chứng nhận nào như vậy. Sau đó anh ta đòi kiểm tra ảnh trong camera của phóng viên để xem có hình ảnh về vị trí của họ hay không. Rồi một người giám sát đến và lấy hộ chiếu cũng như thẻ nhà báo, biến mất trong vài phút để kiểm tra. Sau đó mọi chuyện đều ổn và chiếc xe tiếp tục đi.
Xe qua những cánh đồng hướng dương, những ruộng dưa hấu, những chiếc xe tải chở than…cho đến khi tới một trạm kiểm soát khác. 12 dặm tiếp theo là vùng đất không người, trạm kiểm soát của quân ly khai được dựng lên vào thứ 2 tuần trước đến thứ 7 đã không còn thấy đâu nữa. Và ngay trước làng Olenivka, những tay súng với đồng phục khác nhau chặn xe lại. Một anh lính bước lên xe và hỏi “Tất cả đều từ Mariupol?”. Tài xế trả lời phải và chiếc xe được cho qua. Một vài dặm nữa, cảnh tượng thảm khốc của chiến tranh xuất hiện với những ụ pháo 2 nòng và xe tăng cháy đen.
|
Một đoàn xe quân sự đi qua chuyến xe buýt. |
Trạm tiếp theo giống như phiên bản đặc biệt của trạm ở Mariupol, với ít tường bê tông hơn, bao cát và những người lính mặc áo cộc tay. Một người lính gọi đàn ông ra xe nhưng chỉ có một nửa làm theo, người lính cũng chả bận tâm đến chuyện này. Chiếc xe lại tiếp tục được cho qua trạm này và trạm kế tiếp.
Đến Donetsk, đây là một thành phố chết. Rộng lớn hơn Mariupol, Donetsk có nhà hát opera và rạp chiếu phim nhưng phần lớn cửa hàng đều đóng và rất ít người qua lại. Nếu như không thỉnh thoảng bắt gặp một người lính có vũ khí trong bộ quân phục, Donetsk dễ bị nhầm là thành phố đẹp rơi vào thời kỳ khó khăn kinh tế, không có nhiều dấu tích chiến tranh bị tàn phá. Lá cờ của Ukraine đã được thay bằng lá cờ của Nhà nước Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DNR).
Katya Milevski 18 tuổi, sống tại Donetsk, lên chuyến xe đi Mariupol để đem cho mẹ cô một con chó. Đây là lần thứ 2 cô đi tuyến xe 2 chiều kể từ khi chiến tranh bắt đầu. Cô nói: “Chuyện đi lại giữa 2 thành phố với tôi rất bình thường”. Katya cũng cho biết không có ý định rời Donetsk bất chấp nguy cơ chiến tranh tiếp diễn bởi lẽ “nhà tôi ở đây”.
Rời Donetsk, chiếc xe dừng lại tại một trạm kiểm soát bên trong thành phố. Một người lính khoảng 25 tuổi với quần quân đội, áo cộc, đeo khẩu AK sau lưng lên xe và nói “Giấy tờ ?” bằng tiếng Nga, có lẽ vì vùng này có nhiều người nói tiếng
Nga. Sau khi kiểm tra vài thẻ căn cước, anh ta xuống xe. Một người đàn ông ngồi cạnh tài xế còn đưa cho anh lính chai nước; anh ta vui vẻ nhận lấy nó mà không quên cảm ơn.
Chiếc xe đi qua trạm kiểm soát mà không có sự cố nào, mặc dù có vài sự việc không thường thấy, như việc chiếc xe bọc thép theo sau là 2 chiếc xe tăng xuất hiện trên đường từ cánh đồng hướng dương, hay 2 người lính ly khai đi nhờ xe tới trạm kiểm soát tiếp theo, hay một đoàn xe tải chở hàng cứu trợ và xe bọc thép đỗ bên lề đường.
Quay trở lại trạm ở Mariupol, binh lính Ukraine đã gây khó dễ cho một người đàn ông có hộ chiếu “cũ”. Anh ta van nài họ trong khi vợ anh bế đứa con nhỏ đứng trên thềm cửa xe buýt. Cuối cùng một người lính cho anh lên xe và chiếc xe lại trở về Mariupol.