Cộng đồng kinh tế ASEAN: Nền tảng tiến tới thịnh vượng

Google News

(Kiến Thức) - Địa chính trị có thể là lý do thành lập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á cách đây 50 năm, nhưng Cộng đồng kinh tế mới quyết định tương lai ASAEN.

Đó là nhận định của Tiến sĩ Tham Siew Yean, thành viên cao cấp của Viện Iseas-Yusof Ishak, trong bài viết đăng trên TODAYonline ngày 8/8/2017.
Cong dong kinh te ASEAN: Nen tang tien toi thinh vuong
Không có gì thúc đẩy hợp tác khu vực bằng Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC). Ảnh: ASIA-LATAM Connection 
Theo Tiến sĩ Tham Siew Yean, không có gì thúc đẩy hợp tác khu vực bằng Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC).
Bằng cách thúc đẩy tăng trưởng khu vực thông qua tăng cường thương mại và cơ hội đầu tư cho 10 quốc gia thành viên, AEC đã đặt ASEAN lên con đường chia sẻ sự thịnh vượng, tạo ra một tương lai mà sự phục hồi kinh tế của mỗi nước sẽ phụ thuộc vào các nước láng giềng gần nhất.
Mặc dù không phải tất cả các sáng kiến được đưa ra trong chương trình nghị sự của AEC đều được thực hiện vào năm 2015, khu vực Đông Nam Á đã nhận được nhiều lợi ích từ những sáng kiến được thực hiện từ thời điểm đó.
Việc giảm thuế quan đã làm tăng tính hấp dẫn của khu vực ASEAN đối với đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vốn là một trong những mục tiêu chính của AEC.
Trong khi các làn sóng FDI trước đây chủ yếu là do các lực lượng thị trường thúc đẩy, việc giảm thuế trong khu vực đã khuyến khích các tập đoàn đa quốc gia tái cấu trúc mạng lưới sản xuất của họ ở ASEAN.
Các nhà sản xuất ô tô toàn cầu như Toyota đã sử dụng việc cắt giảm thuế trong khu vực để tổ chức và phân chia qui trình sản xuất các bộ phận và linh kiện trên khắp ASEAN, dựa trên lợi thế cạnh tranh của các quốc gia thành viên.
Sự gia tăng FDI đã tạo ra nhiều việc làm hơn trong các nền kinh tế chủ nhà và cải thiện năng suất lao động, qua đó đóng góp vào tăng trưởng kinh tế.
Các doanh nghiệp nội địa cũng lợi dụng thị trường ASEAN đang phát triển để mở rộng kinh doanh trong khu vực Đông Nam Á. Tập đoàn Super của Singapore đã thành lập cơ sở sản xuất tại 5 quốc gia thành viên ASEAN.
Các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) cũng được hưởng lợi từ mức thuế thấp hơn nhờ việc thành lập AEC.
Di chuyển hàng hoá qua biên giới đang được cải thiện nhờ những nỗ lực liên tục nhằm đơn giản hóa các thủ tục và quy trình thương mại quốc tế. Cũng có sự minh bạch ngày càng tăng về các quy tắc và quy định về thương mại qua biên giới.
Nhận thức được tầm quan trọng của các thị trường bên ngoài của ASEAN, AEC cũng có mối liên kết toàn cầu với một số nước không phải là thành viên như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia-New Zealand và Ấn Độ thông qua các Hiệp định thương mại tự do song phương (FTA) giữa ASEAN và các nước này.
Năm FTA nói trên đang là những thành tố quan trọng để tiến tới Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Toàn diện (RCEP), hiện đang được đàm phán. Một khi được ký kết, RCEP sẽ có 16 quốc gia thành viên, chiếm khoảng một nửa dân số thế giới, 30% GDP toàn cầu và 25% xuất khẩu của thế giới.
Nhiều lợi ích sẽ đến từ AEC, nếu ASEAN có thể vượt qua những thách thức trong khâu thực thi và thu hẹp khoảng cách giữa các mục tiêu mong muốn và các thành tựu đã đạt được. Điều này đặc biệt quan trọng trong việc loại bỏ các rào cản phi thuế quan vốn đang thay thế các hàng rào thuế quan cản trở thương mại khu vực.
Hài hòa các quy định và xóa bỏ các rào cản quy chế là rất quan trọng để thúc đẩy thương mại dịch vụ, khi các nước thành viên ASEAN đang dần chuyển từ sản xuất sang cung cấp dịch vụ.
Cải thiện kết nối vật lý thông qua cơ sở hạ tầng và phát triển cơ cấu thông tin cũng không kém phần quan trọng để thúc đẩy giao lưu hàng hoá và dịch vụ giữa các nước thành viên ASEAN.
ASEAN cần phải làm tốt các cam kết để khu vực Đông Nam Á có thể trở thành một cộng đồng kinh tế hoàn chỉnh và hoạt động hữu hiệu vào năm 2025. Điều này sẽ đòi hỏi các quốc gia thành viên phải đầu tư vốn chính trị để thực hiện các cải cách kinh tế cần thiết nhằm gặt hái những lợi ích mà AEC hứa hẹn mang lại.
Minh Châu (Theo TODAYonline)

>> xem thêm

Bình luận(0)