Nguyệt san Chengming nhận định, “Con đường tơ lụa mới” (tên chính thức là sáng kiến “Một vành đai, một con đường”) là công trường xây dựng cơ sở hạ tầng quy mô nhất trong lịch sử nhân loại, thu hút nhiều nước phương Tây như Anh, Pháp, Đức, Australia tham gia vào Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng Châu Á (AIIB) do Trung Quốc thành lập. Trên thực tế, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình muốn để lại dấu ấn trong lịch sử, muốn qua dự án “Một vành đai, một con đường” để mở rộng ảnh hưởng, hất cẳng Mỹ càng sớm càng tốt để trở thành lãnh đạo thế giới, đồng thời giảm căng thẳng trong nước.
|
Dự án "Một vành đai, một con đường" đầy tham vọng của Trung Quốc. (Nguồn: Xinhua) |
Dự án “Một vành đai, một con đường” (OBOR) thường được coi là một loại “kế hoạch Marshall của Trung Quốc”, vì đây là chương trình duy nhất có thể đem ra so sánh. Tuy nhiên, sức mạnh và ảnh hưởng của Trung Quốc hiện nay thua xa Mỹ thời hậu Thế chiến II. Hơn nữa, OBOR phức tạp hơn kế hoạch Marshall rất nhiều và cần đầu tư đến 890 tỉ USD so với 130 tỷ USD của kế hoạch Marshall, nếu tính theo giá trị bây giờ.
Các nước được hưởng kế hoạch Marshall nằm tập trung trong một khu vực địa lý, sở hữu một nền công nghiệp phát triển, một hệ thống an sinh và an ninh công cộng tốt, cũng như môi trường văn hóa có chất lượng, bên cạnh đó là khả năng trả nợ. Còn Trung Quốc thì ngược lại, cho đến nay vẫn chưa dám nói về khả năng sinh lợi, chẳng hạn như hàng mấy chục tỷ USD đổ vào Venezuela chẳng mang lại lợi lộc gì.
Financial Times có đăng ý kiến cá nhân của một số quan chức cao cấp Trung Quốc coi OBOR là một chiếc bẫy mà Bắc Kinh có nguy cơ sa vào : tranh chấp quốc tế, mất vốn đầu tư, xung đột khu vực. Trong số những quốc gia mà “Con đường tơ lụa mới” chạy qua, có nhiều nước nghèo, cơ sở hạ tầng tồi tàn, căng thẳng chủng tộc và tín ngưỡng.
Chẳng hạn như hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan, một trong những công trường quan trọng nhất của OBOR được Bắc Kinh tài trợ 62 tỉ USD, đã gây phẫn nộ cho Ấn Độ vì chạy qua vùng Kashmir tranh chấp giữa Ấn Độ và Pakistan. Trong diễn đàn « Con đường tơ lụa mới » gần đây, Trung Quốc đã ký thỏa thuận xây dựng hai nhà máy thủy điện lớn nằm trên thượng nguồn sông Indus tại Kashmir trị giá 27 tỉ USD, và thế là Bắc Kinh rơi vào trung tâm xung đột Ấn Độ -Pakistan. Cùng với nhịp độ phát triển của OBOR, những khó khăn loại này sẽ xuất hiện ngày càng nhiều. Liệu Trung Quốc đã có chuẩn bị?
Theo trang Chinadialogue có trụ sở ở London, không có gì bảo đảm rằng ngân hàng AIIB được thành lập để tài trợ cho « Con đường tơ lụa mới » thực sự là « xanh ». Trong hội nghị thường niên lần thứ hai từ 16-18/6 vừa qua, AIIB vẫn nêu ra khả năng tài trợ cho các nhà máy nhiệt điện dùng than đá với một số điều kiện, gây lo ngại cho các tổ chức bảo vệ môi trường.
Trung Quốc muốn trở thành bá chủ thế giới hay nước lãnh đạo toàn cầu hóa ? Nhà phê bình Xu Zigan trên tờ Minh Báo của Hong Kong cho rằng đây là hai việc khác nhau. Theo chỉ số KOF về toàn cầu hóa của Trung tâm nghiên cứu trạng huống ở Thụy Sĩ, Trung Quốc đứng thứ 71/187 nước trong năm 2017, tức là chỉ ở mức trung bình.