Chính sách Đông Nam Á của Nhật Bản

Google News

(Kiến Thức) - Chính sách Đông Nam Á của Nhật Bản là củng cố chặt chẽ hơn quan hệ với khu vực, với thành tố quốc phòng ngày càng nổi bật, bên cạnh kinh tế-thương mại.

Tổng thống Philippines Bennigno Aquino III cùng Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe duyệt đội ngũ.
Về chiến lược mới của Nhật Bản, hãng tin Mỹ Bloomberg ngày 3/10 nhận xét: Chính quyền Shinzo Abe dựa trên các liên kết kinh tế sẵn có và quan trọng của Nhật Bản với khu vực Đông Nam Á để phát triển quan hệ an ninh, quốc phòng, đặc biệt với các nước quanh Biển Đông.
Nhật sẵn sàng giúp Đông Nam Á về quốc phòng
Chuyên gia Mỹ Michael Green, từng làm việc tại Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, hiện là Phó Chủ tịch phụ trách châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington ghi nhận : "Thế lực của Nhật Bản đang bị Trung Quốc lấn lướt, do đó Tokyo cần thêm bạn bè và đồng minh khác ngoài nước Mỹ... Yếu tố mới là ông Abe sẵn sàng giúp các nước Đông Nam Á trong lĩnh vực quốc phòng", chứ không chỉ tập trung vào quan hệ kinh tế như trước đây.
Tháng Bảy vừa qua, nhân dịp ghé Manila, Thủ tướng Abe đã xác nhận cam kết giúp Philippines 10 tàu tuần tra để bảo vệ vùng biển.
Philippines đang bị Trung Quốc tranh chấp chủ quyền biển đảo ở Biển Đông dồi dào nguồn cá và có nhiều tiềm năng dầu khí. Trong khi đó, Nhật Bản có cùng cảnh ngộ, khi bị Trung Quốc lấn lướt tại Biển Hoa Đông, với đòi hỏi chủ quyền đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư hiện do Tokyo quản lý.
Tiến sĩ Lâm Peng Er thuộc Viện Đông Á, Đại học Quốc gia Singapore, tác giả một công trình nghiên cứu về quan hệ của Nhật Bản với khu vực, phân tích : "Chiến lược (của Nhật Bản) là nếu Trung Quốc gây áp lực lên Nhật Bản ở Biển Hoa Đông, Nhật Bản có thể cố tìm cách giảm bớt sức ép đó bằng cách gây áp lực lên Trung Quốc trong vùng Biển Đông bằng cách hậu thuẫn…Philippines".
Lẽ dĩ nhiên, Mỹ rất hoan nghênh nỗ lực mới của Nhật Bản, dấn thân sâu hơn vào lãnh vực an ninh trên biển tại khu vực Đông Nam Á. Phát biểu với các phóng viên tại Seoul ngày 1/10, Đô đốc Samuel Locklear, đứng đầu Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ, tỏ ý rất tán đồng các cố gắng của Nhật Bản : "Tôi nghĩ rằng việc Nhật Bản dấn thân rất hữu ích. Họ dẫu sao cũng là một cường quốc, có một năng lực phòng thủ quân sự rất đáng tin cậy, lại hiểu rõ khu vực thông qua mọi khía cạnh kinh tế và văn hóa".
Coi trọng quan hệ Nhật-Việt
Vị trí của Việt Nam trong chính sách Đông Nam Á của Thủ tướng Shinzo Abe đã được thể hiện rõ nét một lần nữa, với cuộc tiếp xúc song phương Nhật-Việt ngày 7/10 bên lề Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC) ở Bali, Indonesia.
Theo hãng tin Kyodo, hai bên đã nhất trí tăng cường quan hệ hợp tác trong lãnh vực an ninh trên biển, chống lại các hành vi đe dọa ở Biển Đông. Một quan chức trong phái đoàn Nhật Bản cho biết là trong cuộc hội đàm, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã bày tỏ quan ngại trước những hành động đơn phương nhằm “thay đổi hiện trạng bằng vũ lực”. Cũng theo nguồn tin trên, Chủ tịch Trương Tấn Sang cho rằng tranh chấp phải được giải quyết đúng theo quy định của luật pháp quốc tế.
Lĩnh vực kinh tế cũng được hai nhà lãnh đạo Nhật-Việt quan tâm. Hai bên cùng chia sẻ mục tiêu khuyến khích nhiều công ty Nhật Bản hơn đầu tư vào Việt Nam. Ông Abe cam kết là Nhật Bản sẽ tiếp tục hợp tác với Việt Nam trong việc cải thiện môi trường kinh doanh trong nước và thúc đẩy các công ty Nhật Bản đầu tư thêm. Ông cũng hứa rằng Nhật Bản sẽ giúp Việt Nam phát triển nguồn nhân lực.
Văn Bình

Bình luận(0)