Về nguy cơ xảy ra Chiến tranh Triều Tiên 2.0, Giáo sư Georgy Toloraya – một nhà ngoại giao Nga và là chuyên gia nghiên cứu châu Á - nói với RT.com rằng nếu tình hình hiện nay ở Đông Á không được giải quyết, một số quốc gia sẽ "sống dưới sự đe dọa của một vụ phun trào núi lửa hạt nhân".
|
Nếu xảy ra, Chiến tranh Triều Tiên 2.0 có thể biến Hàn Quốc thành sa mạc. Ảnh: The Duran |
Giáo sư Toloraya cho biết: "Mọi người đều hiểu rõ rằng nếu Bắc Triều Tiên phát động một cuộc tấn công, thì một cuộc xung đột quân sự đồng nghĩa với việc nước này bị tàn phá hoàn toàn và ngay lập tức, bởi vì không ai có thể phủ nhận sức mạnh quân sự của Mỹ. Tuy nhiên, đối với Mỹ, những nỗ lực giải quyết vấn đề này bằng biện pháp quân sự cũng sẽ dẫn đến cuộc tấn công trả đũa của Triều Tiên và biến Hàn Quốc thành sa mạc". Ông Toloraya cảnh báo rằng thậm chí, Triều Tiên không cần sử dụng vũ khí hạt nhân.
Trong khi pháo binh của Triều Tiên có thể hủy diệt thủ đô Seoul, toàn bộ lãnh thổ của Hàn Quốc cũng sẽ "khó có thể sống nổi”, khi các tên lửa của Bình Nhưỡng - thậm chí không có đầu đạn hạt nhân - tàn phá các cơ sở hạt nhân ở miền Nam. Ông nói có khoảng 30 địa điểm như vậy gần ranh giới liên Triều.
Giáo sư Georgy Toloraya nói thêm: "Nhật Bản cũng sẽ bị thiệt hại, cũng như các căn cứ quân sự của Mỹ ở đó". Ông nhấn mạnh rằng "ngoại giao và đàm phán" là cách duy nhất thoát khỏi cuộc khủng hoảng Triều Tiên.
Giáo sư Georgy Toloraya nói tiếp: "Tất cả các loại hình gây áp lực (đối với Bình Nhưỡng) đã được thực thi nhiều năm qua, bao gồm cả các biện pháp trừng phạt. Nhưng không một biện pháp nào có thể thay đổi trong lập trường của Bắc Triều Tiên. Không một người có đầu óc tỉnh táo nào lại có thể thực sự nghĩ đến kịch bản ngày tận thế”.
Viện dẫn việc Moscow từ lâu đã nhấn mạnh đến các kênh ngoại giao để giảm bớt căng thẳng trong khu vực, giáo sư Toloraya khẳng định rằng " lợi ích của tất cả mọi người nằm trong sự giảm thiểu mối đe dọa này" vì người ta không bao giờ có thể loại trừ khả năng xảy ra sai lầm ngẫu nhiên và dẫn đến tình thế không thể đảo ngược.
Một chuyên gia về lịch sử quân sự, quan hệ quốc tế và nghiên cứu giải quyết mâu thuẫn nữa là Thượng tướng Leonid Ivashov cũng nói về nguy cơ của các tình huống "ngẫu nhiên” như vậy.
Thượng tướng Ivashov nói với RT.com: "Luôn luôn có nguy cơ, đặc biệt khi các tên lửa không hoàn hảo như những tên lửa mà Bắc Triều Tiên đang sử dụng. Có nguy cơ tên lửa có thể chệch hướng, không đến được cái đích mà nó nhắm vào".
Theo ông, một cuộc xung đột quân sự trong khu vực sẽ ảnh hưởng không chỉ Triều Tiên, Hàn Quốc và Nhật Bản, mà còn cả Nga và Trung Quốc. Ông cho rằng Bắc Kinh "có thể không bị tổn thất về quân sự, nhưng sẽ phải hứng chịu nhiều tổn hại khác”.
Thượng tướng Ivasov khẳng định: "Một số thế lực ở Mỹ đang muốn gây mất ổn định tình hình trong khu vực (Đông Bắc Á), giống như cách họ đã làm ở Trung Đông". Ivashov đề nghị rằng các sáng kiến ngoại giao nên nhắm vào Washington và Bình Nhưỡng để Mỹ “không tiến hành các cuộc tập trận” và Tiều Tiên “ngừng các cuộc thử nghiệm” tên lửa-hạt nhân.
Từ lâu, Nga và Trung Quốc đã ủng hộ một chiến lược "cùng đóng băng”, có nghĩa là Triều Tiên ngừng thử tên lửa-hạt nhân để đổi lấy việc chấm dứt các cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn gần biên giới nước này. Đề xuất nói trên đã bị Washington bác bỏ, với việc Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố một cách dứt khoát rằng Mỹ-Hàn Quốc có quyền tập trận chung và sẽ tiếp tục các cuộc tập trận này.