|
Hạm đội tàu chiến của Hải quân Mỹ.
|
Tầm quan trọng cũng như sự phục hồi sức mạnh và quyền hạn ngày càng lớn của các lực lượng Hải quân có thể được cảm nhận ở khắp mọi nơi, từ các hành lang ở Washington, hoạt động chống cướp biển ở Châu Phi cho tới các xưởng đóng tàu ở Châu Á.
“Mọi người sẽ chứng kiến hiện tượng các lực lượng Hải quân ngày càng được tăng cường triển khai. Mọi người có thể thấy điều đó ở Địa Trung Hải trong trường hợp khủng hoảng Syria. Mọi người cũng có thể kiểm chứng điều này ở Thái Bình Dương và Trung Đông ”, Đô đốc Gary Roughead, cựu Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ, bình luận.
Tháng trước, Ấn Độ ra mắt tàu sân bay tự chế đầu tiên và hàng tá tàu như vậy sẽ được đóng và đưa vào biên chế chính thức của các lực lượng Hải quân trên toàn thế giới trong thập kỷ tới. Trong số đó có 2 “gã khổng lồ” – siêu tàu sân bay lớp Gerald R.Ford của Mỹ, 2 tàu sân bay của Anh và tàu sân bay của Nga tân trang cho Ấn Độ và một hoặc nhiều hơn các tàu sân bay phiên bản nội địa mà Trung Quốc có thể chế tạo.
Theo các ước tính, toàn cầu sẽ chi tiêu khoảng 800 tỷ USD cho các chương trình Hải quân trong 2 thập kỷ tới. Trong đó, châu Á sẽ bỏ ra 1/4 số tiền trên.
Về phía Mỹ, Lầu Năm góc rót 155 tỷ USD (gần 30% ngân sách quốc phòng 527 tỷ USD) cho lực lượng Hải quân.
“Khả năng hải quân ngày càng trở nên quan trọng. Các nhu cầu của chúng tôi ngày càng tăng”, Chuẩn Đô đốc Mỹ Robert Kamensky, chỉ huy lực lượng tàu ngầm của NATO nhấn mạnh trong một bài thuyết trình thay mặt Hải quân Mỹ ở London.
Washington đang chuyển các nguồn lực từ Đại Tây Dương tới Thái Bình Dương với một trong các mục đích quan trọng là để đối phó với Hải quân Trung Quốc – lực lượng được ưu tiên trong ngân sách quốc phòng tăng trưởng 2 con số trong những năm gần đây.
Các quốc gia đầu tư cho Hải quân
Hải quân Trung Quốc hiện đã được biên chế tàu sân bay đầu tiên mang tên Liêu Ninh được tân trang từ tàu sân bay cũ của Liên Xô cuối năm ngoái. Ngoài ra, Bắc Kinh còn nỗ lực đóng tàu ngầm, tàu tuần tra và nhiều loại tàu chiến khác.
Tháng trước, ngành công nghiệp đóng tàu Trung Quốc thông báo kế hoạch huy động 1,4 tỷ USD thông qua bán cổ phiếu để có tiền mua sắm trang thiết bị đóng tàu chiến cần thiết. Thông báo này đánh dấu lần đầu tiên Bắc Kinh bắt tay khai thác thị trường vốn để có tiền mở rộng khả năng quân sự.
Sự mở rộng và tăng cường sức mạnh quốc phòng của Trung Quốc không chỉ khiến Mỹ quan ngại mà còn làm các nước láng giềng châu Á, đặc biệt là những nước có tranh chấp lãnh thổ hàng hải với nước này thấp thỏm lo âu.
Do đó, các nước này đang đổ nhiều nguồn lực nỗ lực cải thiện khả năng quân sự, đặc biệt là tiềm lực Hải quân với việc bổ sung, tăng cường trang bị từ radar, tên lửa cho tới ngư lôi.
Năm tới, Nhật Bản – một đại gia châu Á cũng là láng giềng đang vướng vào tranh chấp lãnh thổ trên biển Hoa Đông với Trung Quốc – sẽ có mức chi tiêu quốc phòng cao nhất trong suốt 22 năm qua với mục đích mua sắm thêm tàu tuần tra, trực thăng và xây dựng lực lượng thủy quân lục chiến.
Australia cũng củng cố và tăng cường Hải quân bao gồm mua sắm thêm tàu chiến mới. Philippines thì dồn toàn lực vào việc vũ trang cho Lực lượng Hải quân bằng cách gồng mình mua sắm tàu chiến. Philippines đã tậu thêm 2 tàu chiến cũ của Mỹ, một tàu Hải quân Pháp và đón thêm các tàu tuần tra của Nhật.
Thái Lan đang hợp tác với BAE Systems - tập đoàn sản xuất vũ khí hàng đầu thế giới với thương vụ đóng tàu tuần tra ngoài khơi. Các công ty quốc phòng phương Tây khác cũng đang ra sức thúc đẩy doanh số bán hàng bao gồm các thiết bị điện tử và vũ khí.
Khả năng tấn công từ biển của Mỹ vẫn duy trì vị trí số 1 thế giới, với ưu thế từ hạm đội 10 tàu sân bay khổng lồ của họ, chiếm hơn một nửa tổng số chiến hạm loại này trên toàn cầu.
Tuy nhiên, nếu vẫn tiếp tục bị cắt giảm ngân sách, Hải quân Mỹ có thể phải cắt giảm số lượng tàu chiến cũng như tàu sân bay, chỉ có khả năng giữ lại 8 hoặc 9 hàng không mẫu hạm.
Các nguồn tin tiết lộ, cắt giảm ngân sách đã tác động tới công ty đóng tàu lớn nhất của Mỹ là Huntington Ingalls. Các dự án của công ty này đã bị trì hoãn, trong đó có dự án đóng tàu sân bay hạt nhân lớn nhất USS John F. Kennedy.
Ở vùng Vịnh, Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arập (UAE) buộc phải tăng cường mua sắm tàu tuần tra để đối phó với hạm đội của Hải quân Iran trong bối cảnh sự hiện diện của tàu sân bay Mỹ bắt đầu giảm sút.
Hồi tháng 7, Saudi Arabia mua sắm thêm 30 tàu tuần tra Mark V trị giá 1,2 tỷ USD của công ty đóng tàu Halter Marine của Mỹ.
Trong khi đó, lực lượng Hải quân châu Âu vẫn còn khá mạnh. Tây Ban Nha, Pháp và Italy đã đóng các tàu sân bay mới kể từ năm 2000. Hai hàng không mẫu hạm mới nhất được triển khai trong suốt cuộc chiến tranh Libya năm 2011.