Chiến lược đối đầu với Nga của Mỹ ở Syria

Google News

(Kiến Thức) - Chính quyền của Tổng thống Obama đang theo đuổi một chiến lược đối đầu với Nga ở Syria, một chiến lược vừa bộc lộ yếu kém vừa mang tính bảo thủ.

Đó là nhận định của hai nhà phân tích cao cấp Dimitri K. Simes, giám đốc điều hành tạp chí The National Interest, và  Paul J. Saunders, giám đốc điều hành Center for the National Interest  và từng là cố vấn cao cấp của Bộ Ngoại giao Mỹ trong chính quyền George W. Bush.
Chien luoc nguy hiem cua My o Syria
Nhà phân tích người Mỹ Paul J. Saunders hiện là giám đốc điều hành Center for the National Interest và từng là cố vấn cao cấp của Bộ Ngoại giao Mỹ trong chính quyền George W. Bush. 
Theo hai nhà phân tích Dimitri K. Simes và Paul J. Saunders , Tổng thống Obama sắp ghi thêm một chương ảm đạm nữa về chính sách đối ngoại. Ông đang theo đuổi chính sách  "không chiến tranh, không hòa bình" để đối phó sự can thiệp của Nga ở Syria, với hy vọng tránh cho nước Mỹ phải lựa chọn giữa “vỏ dưa và vỏ dừa”. Thật không may, chiến lược đối đầu với Nga ở Syria này cũng bộc lộ nhiều  nhược điểm và tính bảo thủ của Mỹ trước các đồng minh.
Mỹ chọn phương án đối đầu với Nga ở Syria
Trước khi Nga can thiệp quân sự vào Syria, Mỹ đã  không có những sự lựa chọn tốt. Bây giờ, sau hơn hai tuần Nga  không kích và  tấn công bằng tên lửa hành trình ở Syria, Washington chọn cách đối đầu với Moscow để bảo vệ các mục tiêu của Mỹ ở Syria. Nhưng đây lại là một chính sách đối ngoại tiêu cực, không dựa trên lợi ích của nước Mỹ mà chỉ nhằm chống phá điện Kremlin.
Liệu chính quyền Obama có suy nghĩ kỹ về việc làm thế nào để Mỹ có thể đạt được mục tiêu ở  Syria hoặc những hậu quả mà chính sách đối đầu mang lại?
Thật không may, giới chức hoạnh định chính sách đối ngoại và tầng lớp thượng lưu ở Mỹ vẫn chọn phương án  đối đầu với Nga về Syria.
Nếu xét đến mục tiêu chiến lược của Mỹ ở Syria và trên thế giới, đối đầu với Tổng thống Putin là thiếu khôn ngoan. Mục tiêu chính của Mỹ ở Syria là ngăn chặn nhóm cực đoan Nhà nước Hồi giáo thống trị hoặc thành lập các cặn cứ ở Syria và Iraq. Mục tiêu thứ hai của Washington là lật đổ Tổng thống Assad, người đã tạo ra những kẻ bạo lực cực đoan nhiều hơn những kẻ mà ông ta đã loại bỏ.
Bất chấp nhiều năm hao công tổn sức và tiêu tốn hàng tỷ USD, Mỹ và các đối tác đã thất bại trong việc thành lập một lực lượng quân sự đáng tin cậy để lật đổ Tổng thống Assad. Nếu không có IS  hoặc Mặt trận al-Nusra có liên hệ với tổ chức khủng bố al-Qaeda, lực lượng chống Assad ở Syria chỉ là “một con số không tròn trĩnh”. Trên thực tế, chỉ có Mặt trận al-Nusra đủ sức chống lại cả quân chính phủ Syria và Nhà nước Hồi giáo IS, nhưng Tổng thống Obama có lý do hoàn toàn chính đáng để không hậu thuẫn lực lượng này.
Trong khi đó, không mấy ai lại coi Tổng thống Syria Bashar al-Assad là một mối đe dọa đối với nước Mỹ và ông ta cũng không chịu trách nhiệm về các vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001 giết chết 3.000 công dân Hoa Kỳ. Hơn nữa, đối với Israel, chế độ Assad có thể là một “người hàng xóm khó chịu nhưng an toàn hơn” so với Mặt trận  al-Nusra.
Cho đến nay, sự cần thiết phải chống lại cả IS lẫn al-Nusra là một trong những lý do khiến chính quyền Obama và hầu hết các chuyên gia chính sách đối ngoại tránh lật đổ chính phủ và quân đội Syria.
Xét theo khía cạnh này, ứng viên tổng thống Donald Trump là hoàn toàn có lý khi cho rằng việc Tổng thống Putin tấn công al-Nusra, IS và giúp đỡ lực lượng Assad là không trái với lợi ích của Mỹ ở Syria, mặc dù tuyên bố táo bạo này có hai điều cần bàn bạc.
Thứ nhất, việc Nga không kích các lực lượng được CIA đào tạo hoặc được hỗ trợ là một đòn mạnh giáng vào Mỹ và trực tiếp làm suy yếu chính sách của Mỹ. Cho phép Tổng thống Putin trở thành kiến trúc sư của một Syria mới và đẩy Mỹ vào “băng ghế dự bị” là một điều bất lợi. Thứ hai, việc duy trì sự thống trị vô thời hạn của Tổng thống Assad cũng là một trở ngại không thể vượt qua đối với mọi giải pháp chính trị lâu dài ở Syria.
Bỏ lỡ cơ hội đối thoại với Nga về giải pháp chính trị
Tuy nhiên, cả hai điều nêu trên đều không loại bỏ sự can dự của Nga vào một cuộc đối thoại có ý nghĩa về tiêu diệt Nhà nước Hồi giáo IS và dần dần loại bỏ quyền lực của Tổng thống Assad.
Tổng thống Putin từng nói rằng Nga hoan nghênh việc Mỹ đề xuất các mục tiêu tấn công và cung cấp thông tin về các lực lượng bạn bè của Washington để tránh bị không kích. Chính quyền Obama nên cung cấp những thông tin mà Nga và Tổng thống Assad đã có trong tay, nhưng không cung cấp thông tin tình báo cho Damascus.
Chính ông Putin đã công khai nói rằng chiến lược chống IS của ông không thể thành công nếu không hợp tác với liên minh do Mỹ dẫn đầu.
Cả Tổng thống Putin lẫn Ngoại trưởng Sergei Lavrov đã tuyên bố Nga cam kết ủng hộ chính phủ Syria, chứ không phải cá nhân Tổng thống Bashar al-Assad. Tân phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cũng nhiều lần nhắc lại quan điểm này. Tổng thống Putin cũng nhiều lần nói rằng đối thoại và thỏa hiệp là cần thiết cho một giải pháp lâu dài ở Syria.
Thậm chí, Tổng thống Assad cũng đã nói rằng ông có thể từ chức nếu người dân Syria mong muốn. Tổng thống Syria từ chức có thể là một phần của một thỏa thuận quốc tế, trong đó có sự tham gia của Nga và Iran.  
Sự hiện diện quân sự của Nga ở  Syria và sự phụ thuộc ngày càng nhiều của Tổng thống Assad có thể mang lại cho Moscow một đòn bẩy chưa từng có  đối với chính phủ Syria trong việc tìm kiếm một chính thể chuyển tiếp thông qua đàm phán. Điều này có thể phù hợp với mong muốn và lợi ích của Mỹ, trong khi không hy sinh bất cứ ưu tiên cơ bản của Washington.
Với việc từ chối tiếp nhận một phái đoàn do Thủ tướng Dmitry Medvedev ở Washington, Nhà Trắng xem ra đã bỏ qua một cơ hội để thúc đẩy mục tiêu chiến lược của Mỹ ở Syria, chủ yếu là để bày tỏ sự không sẵn sàng nói chuyện với Nga. Điều này là có thể hiểu được, nhưng rất đáng tiếc.
Cuộc chiến Syria là sự kết hợp giữa một cuộc khủng hoảng lớn trong khu vực và một cuộc đối đầu giữa hai quốc gia vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới. Trong hoàn cảnh như vậy, yêu cầu đầu tiên của một chính sách đúng đắn là phải trung thực với chính mình. Nếu Mỹ  chối làm việc với các chính phủ có chương trình nghị sự riêng ở Syria, danh sách các đối tác của Mỹ sẽ bị cụt lủn và chắc chắn sẽ loại trừ cả Ả-rập Xê-út, Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar.
Nói tóm lại, các nhà lãnh đạo Mỹ phải ứng phó với Moscow thông qua việc kết hợp giữa sức mạnh và tính thực dụng hơn là sự kết hợp giữa yếu kém và tính bảo thủ.
Minh Châu (Theo The National Interest)

Bình luận(0)