Theo Đài Phát thanh quốc tế Pháp, sau phán quyết Biển Đông ngày 12/7 của Tòa Trọng tài ở La Haye bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên hầu như toàn bộ diện tích Biển Đông là không có cơ sở pháp lý, Bắc Kinh đã liên tục có những hành vi hù dọa và thị uy, cả bằng lời lẽ lẫn hành động thực tế.
Về các hành vi hù dọa của Trung Quốc, giới quan sát đã ghi nhận những cuộc tập trận liên tiếp của Hải quân Trung Quốc ở Biển Đông, đặc biệt hai phi vụ diễn tập “tuần tra tác chiến” trên không phận quần đảo Trường Sa và bãi cạn Scarborough, hai nơi được nhắc đến trong phán quyết Tòa Trọng tài phủ nhận cái gọi là “chủ quyền lịch sử” của Trung Quốc.
Trên phương diện ngoại giao, Bắc Kinh dùng mọi thủ đoạn để ép các nước khác không đòi Trung Quốc tôn trọng phán quyết của Tòa Trọng tài La Haye, thậm chí không nhắc đến văn kiện quan trọng này.
Mỹ: Mềm về ngoại giao, cứng về quân sự
Trước những hành vi nói trên của Bắc Kinh, Mỹ đã có những phản ứng mềm mỏng khác thường, nhất là trên bình diện ngoại giao. Mỹ không can thiệp nhiều tại các diễn đàn ASEAN - khi Trung Quốc gia tăng sức ép đối với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á về phán quyết Biển Đông - hoặc liên tiếp cử phái viên cao cấp đến Bắc Kinh như Cố vấn An ninh Quốc gia Susan Rice hay Tư lệnh Hải quân John Richardson.
Tuy nhiên, các giới chức quân sự Mỹ vẫn năng nổ hành động ở Châu Á-Thái Bình Dương, với những tuyên bố cứng rắn của giới lãnh đạo hải quân và nổi bật nhất là việc điều hai loại máy bay ném bom chiến lược tối tân nhất của Không quân Mỹ hiện nay là B-1 Lancer và máy bay ném bom chiến lược tàng hình B-2 Spirit đến đảo Guam, cách Philippines không xa.
|
Mỹ đã triển khai bộ ba máy bay ném bom chiến lược B-52 Stratofortress, B-1 Lancer và B-2 Spirit tại căn cứ không quân trên đảo Guam cách Philippines không xa. Ảnh alpha.wallhaven.cc |
Giới chức Không quân Mỹ viện dẫn tình hình Bán đảo Triều Tiên và các mối đe dọa đến từ Bình Nhưỡng, nhưng các nhà quan sát đều ghi nhận thực tế các máy bay ném bom chiến lược hiện đại này được bố trí sát cạnh Biển Đông, nơi Không quân Trung Quốc đang diễu võ giương oai.
Để hiểu rõ thêm về chiến lược Biển Đông của Mỹ sau khi Trung Quốc bị trúng một đòn pháp lý cực mạnh của Tòa Trọng tài ở La Haye, Đài Phát thanh quốc tế Pháp (RFI) đã phỏng vấn giáo sư chính trị học Nguyễn Mạnh Hùng thuộc trường Đại Học George Mason, tiểu bang Virginia (Mỹ), một quan sát viên kỳ cựu về quan hệ Mỹ-Châu Á và Biển Đông.
Trước hết, giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng ghi nhận tính chất thị uy mạnh mẽ của việc Mỹ quyết định điều các loại máy bay ném bom chiến lược tối tân nhất đến đảo Guam. Một trong những mục tiêu hiển nhiên là răn đe Trung Quốc, cảnh cáo nước này chớ có thiết lập một Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông như từng làm trên Biển Hoa Đông.
Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng giải thích: “Đó là hành động biểu dương lực lượng và cũng nằm trong khuôn khổ chính sách tái phối trí lực lượng của Mỹ hướng về Châu Á-Thái Bình Dương. Mỹ đã khuyến cáo tất cả các quốc gia (hữu quan) đừng có thêm hành động leo thang và phải tuân thủ luật quốc tế, nhất là tuân thủ phán quyết của tòa án (Tòa Trọng tài La Haye). Điểm quan trọng thứ hai là Mỹ rất quan tâm đến việc Trung Quốc có khả năng lập ra một Vùng nhận dạng phòng không. Mỹ cũng đã cảnh cáo Trung Quốc chớ có tuyên bố một Vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông”.
Tuy nhiên, theo giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, các động thái của quân đội và đường lối ngoại giao mềm dẻo của Washington hiện nay không hề mâu thuẫn với nhau. Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng nhận xét:
“Nhà Trắng phải thận trọng hơn trong tuyên bố vì phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) đã là một thất bại pháp lý và ngoại giao của Trung Quốc. Một học giả thuộc Council on Foreign Relations (Hội đồng Quan hệ Đối ngoại) nói là hinej thời Trung Quốc thua rồi nên họ có thể hung hăng và nguy hiểm hơn. Thành ra, chính quyền Mỹ không muốn làm cho Trung Quốc mất mặt công khai, khiến họ phải phản ứng mạnh. Nhưng điều này không có nghĩa là chính quyền Mỹ hòa hoãn. Qua đường lối ngoại giao kín đáo, chính quyền Obama đã có những tín hiệu rất rõ cho Trung Quốc là không nên đi quá mức, nhất là trong việc xây dựng và quân sự hóa bãi cạn Scarborough vì hai lý do: (1) Phán quyết của Tòa Trọng Tài nói rõ rằng Scarborough nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines; (2) Bãi Scarborough có ý nghĩa chiến lược rất quan trọng vì rất gần Vịnh Subic - chỉ cách khoảng 130 hay 140 hải lý - tức là gần căn cứ quân sự quan trọng của Mỹ ở đó. Chính vì tầm quan trọng này mà Tổng thống Obama đã nói thẳng với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhân cuộc họp thượng đỉnh về an ninh nguyên tử tháng 3/2016 rằng việc xây cất trên bãi cạn Scarborough sẽ có ‘hậu quả nghiêm trọng’. Tóm lại, Mỹ không hề hòa hoãn mà đã có thái độ rất rõ ràng”.
Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng chính quyền Mỹ không muốn để xảy ra đụng độ không cần thiết với Trung Quốc và khuyến khích Trung Quốc trở thành một cường quốc có trách nhiệm. Mỹ đang thực hiện chính sách ngoại giao mềm dẻo để đạt mục đích này.
Chiến lược Biển Đông 6 điểm của Mỹ
Theo giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, chiến lược Biển Đông của Mỹ sau khi yêu sách chủ quyền quá đáng của Trung Quốc tại Biển Đông bị Tòa Trọng tài La Haye bác bỏ, có thể được tóm gọn trong những điểm sau:
“1/ Trước hết phát động một chiến dịch tuyên truyền ủng hộ phán quyết của Tòa Trọng tài, gây áp lực buộc Trung Quốc phải tuân thủ và giải quyết tranh chấp trên căn bản luật quốc tế và nhượng bộ lẫn nhau. Người ta gọi cách hành động này là shamefare, tức là làm cho Trung Quốc phải xấu hổ, và lawfare, tức là dùng luật buộc Trung Quốc phải thi hành nghĩa vụ của họ.
2/ Đó là về tâm lý và tuyên truyền. Còn trên khía cạnh thực tiễn, thì Mỹ tiếp tục tăng cường hiện diện quân sự, phát triển quan hệ quốc phòng với đồng minh và đối tác... ‘tạo một cán cân lực lượng thuận lợi ở Châu Á-Thái Bình Dương’.
3/ Điểm thứ ba là đã có đề nghị tăng cường số lượng và mức độ của các cuộc tuần tra bảo vệ an ninh hàng hải và hàng không, căn cứ một phần nào vào kết quả của phán quyết. Nhưng hành động này phải được tiến hành một cách kín đáo, không làm lộ liễu hay tuyên bố ‘tùm lum’, sao cho công việc ngày càng có hiệu quả hơn.
4/ Một điểm nữa là tất cả mọi người, tất cả các think-tank (cơ quan tư vấn) đều khuyến cáo là phải phối hợp với các đồng minh, để chuẩn bị đối đầu với các hành động lấn lướt có thể có của Trung Quốc. Chuyện này Mỹ đang làm.
5/ Một điểm khác là cương quyết không cho Trung Quốc quân sự hóa bãi cạn Scarborough. Điều này vẫn chưa xảy ra.
6/ Cuối cùng thì có rất nhiều khuyến cáo là Mỹ phải bằng mọi cách thông báo rõ rệt cho Trung Quốc biết đâu là quyền lợi và phản ứng của mình trước khi Trung Quốc hành động, tức là trước khi xảy ra sự đã rồi”.