Hàn Quốc một lần nữa bất đắc dĩ rơi vào thế kẹt giữa một bên là đồng minh chiến lược (Mỹ) với một bên là đối tác kinh tế hàng đầu (Trung Quốc). Đặc biệt Hàn Quốc đang trong bối cảnh khủng hoảng chính trị tạo khoảng trống lãnh đạo, khiến Seoul ở trong tình thế nhạy cảm và dễ bị tổn thương hơn.
|
Triều Tiên phóng đồng loạt 4 tên lửa đạn đạo ngày 7/3/2017. Ảnh: KCNA |
Chuyển động mới tại Đông Bắc Á
Đông Bắc Á đang chứng kiến một loạt chuyển biến mới, báo hiệu những thay đổi lớn về tương quan lực lượng trong khu vực. Nền chính trị ở đây đang rất dễ bị tổn thương khi đối mặt với những ảnh hưởng từ bên ngoài như việc tân Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn chưa định hình chính sách đối với khu vực, trong khi Trung Quốc và Nhật Bản đang vật lộn với những tranh chấp lịch sử và lãnh thổ, quan hệ Nhật–Hàn cũng rơi vào tình trạng “lạnh nhạt” do vấn đề phụ nữ mua vui. Tại Hàn Quốc, vụ bê bối chính trị nghiêm trọng đang tạo ra khoảng trống lãnh đạo nguy hiểm, đồng thời gây chia rẽ nội bộ sâu sắc và ảnh hưởng đến các chính sách đối ngoại của nước này.
Trong khi đó, Triều Tiên đã tranh thủ những biến động và xáo trộn chính trị ở cả Hàn Quốc và Mỹ để phát triển hạt nhân và tên lửa bằng mọi giá. Bất chấp sức ép quốc tế, trong vòng chưa đầy một tháng qua, nước này đã liên tiếp phóng thử một loạt tên lửa đạn đạo mới. Trước mối đe dọa của Triều Tiên, chính quyền Hàn Quốc dưới sự lãnh đạo của quyền Tổng thống Hwang Kyo-ahn đã thúc đẩy kế hoạch bố trí Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ trên lãnh thổ Hàn Quốc vào cuối năm 2017 theo đúng kế hoạch. Việc này đẩy quan hệ Trung - Hàn vào tình thế căng như dây đàn.
Kể từ khi quyết định triển khai THAAD được công bố, Bắc Kinh đã áp dụng nhiều biện pháp, trong lĩnh vực kinh tế, văn hóa và cả quân sự, nhằm gây áp lực buộc Seoul từ bỏ kế hoạch. Nhiều nghệ sĩ hàng đầu của Hàn Quốc bị cấm xuất hiện trên các chương trình của truyền hình Trung Quốc. Tổng cục Du lịch Trung Quốc đã chỉ thị cho các công ty du lịch Trung Quốc cắt giảm các tour đến Hàn Quốc, khiến nước này mất đi hàng ngàn du khách tiềm năng. Ngày 9/1 vừa qua, khoảng 10 chiếc máy bay quân sự của Trung Quốc đã bay vào Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của Hàn Quốc mà không thông báo trước - hành động báo hiệu sự bắt đầu của các biện pháp trả đũa bằng quân sự sắp tới.
Sau chuyến thăm của tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tới Hàn Quốc, khẳng định quan hệ đồng minh và xúc tiến kế hoạch triển khai THAAD, Trung Quốc đã tăng cường các nỗ lực trả đũa. Nước này từ chối nhập khẩu một lượng lớn mỹ phẩm Hàn Quốc với lý do “không đáp ứng được yêu cầu thương mại của Bắc Kinh”. Ngày 2/3, Bắc Kinh yêu cầu các công ty du lịch nước này dừng cung cấp dịch vụ du lịch tới Hàn Quốc – được dự báo là sẽ khiến ngành du lịch Hàn Quốc điêu đứng. Mới đây nhất, Trung Quốc đã buộc 4 cửa hàng của tập đoàn Lotte Hàn Quốc đóng cửa do tập đoàn này ký thỏa thuận đổi đất để chính phủ bố trí THAAD. Giới chuyên gia cảnh báo, Trung Quốc sẽ còn tăng cường áp lực trong thời gian tới.
Trong bối cảnh Seoul đang lúng túng xác định cách ứng xử với chính quyền mới ở Mỹ cũng như phải đối mặt với khoảng trống lãnh đạo do Tổng thống Park Geun-hye bị luận tội, các biện pháp trả đũa liên tiếp và mạnh tay của Trung Quốc đặt chính quyền Seoul vào một thế “tiến thoái lưỡng nan”: giữa sự cần thiết phải tăng cường liên kết với đồng minh chiến lược Mỹ nhằm chống lại mối đe dọa Triều Tiên, với một nhu cầu không kém phần quan trọng là phải cân đối quan hệ với Trung Quốc – đối tác kinh tế lớn và cũng có vai trò quan trọng trong nỗ lực kiềm chế Triều Tiên.
Thế kẹt của Hàn Quốc
Không thể phủ nhận rằng vấn đề hạt nhân Triều Tiên đã trở thành mối đe dọa mang tính sống còn đối với Hàn Quốc. Xét tới những tiến bộ gần đây, Triều Tiên dường như đang gần hơn tới mục tiêu phát triển đầu đạn hạt nhân thu nhỏ để có thể phóng tới Seoul. Trong bối cảnh này, liên minh truyền thống Mỹ – Hàn đóng vai trò đặc biệt quan trọng, và việc triển khai THAAD tại Hàn Quốc là minh chứng cho sự củng cố quan hệ đồng minh không thể thiếu này. Cả Mỹ và Hàn Quốc đều khẳng định việc triển khai THAAD là nhằm đối phó với mối đe dọa ngày càng lớn từ Triều Tiên. Tuy nhiên, Trung Quốc lại cho rằng đây là một sự leo thang quân sự mang tính khiêu khích và không cần thiết, đặt ra mối đe dọa tiềm ẩn với Trung Quốc, vì vậy, Bắc Kinh tìm mọi cách để ngăn chặn nỗ lực này.
Về kinh tế, những tác động trước mắt và hậu quả lâu dài có thể dự đoán đối với Hàn Quốc do những biện pháp trả đũa của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là khá rõ. Theo Văn phòng Hiệp hội thương mại quốc tế Hàn Quốc (KITA), trong quý IV/2016, Hàn Quốc đã lần đầu tiên vượt qua Nhật Bản đứng vị trí thứ hai sau Mỹ về giá trị thương mại với Trung Quốc. Đây là lần đầu tiên quy mô xuất nhập khẩu Hàn-Trung vượt qua quy mô thương mại Nhật-Trung, và cái đà này được cho là sẽ được thúc đẩy nhờ Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương có hiệu lực từ cuối năm 2016. Nếu Bắc Kinh muốn dùng “quân bài” kinh tế để trả đũa, Seoul sẽ “lĩnh đủ”, nhất là khi Chính quyền Trump có ý định đàm phán lại Hiệp định thương mại tự do Mỹ - Hàn (USKFTA) và “đưa việc làm bị Hàn Quốc đánh cắp trở lại Mỹ”.
Về an ninh, không thể phủ nhận vai trò của Trung Quốc trong nỗ lực kiềm chế Triều Tiên. Bắc Kinh lâu nay vẫn được biết đến là một đồng minh và nhà bảo trợ cho Bình Nhưỡng. Mọi bước đột phá đều cần có sự hợp tác giữa Mỹ và Trung Quốc. Seoul rõ ràng cần tranh thủ Bắc Kinh nếu muốn đạt mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Nói tóm lại, Hàn Quốc đang đứng trước một thế kẹt khá nhạy cảm. Seoul ít có khả năng khôi phục mối quan hệ đang xấu đi với Trung Quốc, khi mà hủy bỏ kế hoạch THAAD là việc làm bất khả thi. Nhưng trong số các ứng cử viên tổng thống sắp tới, chỉ một người có lập trường chỉ trích việc triển khai hệ thống này. Vì vậy, nếu chính quyền tiếp theo tại Seoul triển khai THAAD, họ sẽ phải sẵn sàng đối mặt với những xích mích trong quan hệ với Trung Quốc.
Hàn Quốc đang bước vào một kỷ nguyên thách thức nhất trong quan hệ đồng minh với Mỹ, khi Chính quyền Trump bắt đầu định hình chính sách của mình đối với bán đảo Triều Tiên. Cho dù chính quyền tiếp theo ở Seoul thực hiện một cách tiếp cận theo hướng “diều hâu” hay “bồ câu” đối với Triều Tiên, sự phối hợp chính sách với Mỹ và các đối tác khu vực – bao gồm Trung Quốc – vẫn là điều then chốt để Seoul có một chính sách hiệu quả trong vấn đề Triều Tiên. Khi kỳ bầu cử tổng thống tới gần, các cuộc tranh luận tổng thống và đường lối chính sách tại Hàn Quốc nên tập trung nhiều hơn vào các giải pháp cho sự bế tắc chính trị và ngoại giao của nước này.