|
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gặp nhau hai lần trong năm tháng qua.
|
Trong bài phát biểu tại Hội nghị cấp cao Á-Phi ở Indonesia, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi phát huy Tinh thần Bandung trong thế kỷ 21.
Ông đề nghị thúc đẩy hợp tác Á-Phi thông qua liên kết chiến lược và hỗ trợ lẫn nhau để trở thành động lực cho sự phát triển chung. Đây cũng là mục tiêu của “Con đường tơ lụa trên biển” mà Trung Quốc đang theo đuổi.
Chủ tịch Tập Cận Bình kêu gọi các nước châu Á và châu Phi thúc đẩy "hợp tác Nam-Nam" trên cơ sở "bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau". Ông Tập tuyên bố rằng viện trợ cho các nước đang phát triển không được kèm theo “những điều kiện ràng buộc về chính trị”.
Chủ tịch Tập Cận Bình cho biết Trung Quốc sẽ cung cấp 100.000 suất học bổng cho các nước đang phát triển ở châu Á và châu Phi, trong vòng năm năm tới.
Nhìn bề ngoài, kế hoạch của Chủ tịch Tập Cận Bình cũng không khác gì kế hoạch của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.
Trả lời phỏng vấn của báo The Jakarta Post, Thủ tướng Abe nhấn mạnh vai trò của Nhật Bản trong việc thúc đẩy "Tinh thần Bandung” nói riêng và "hòa bình, ổn định và thịnh vượng của cộng đồng quốc tế" nói chung.
Thủ tướng Shinzo Abe cam kết Nhật Bản "sẽ tiếp tục đóng góp vào sự phát triển của cả châu Á lẫn châu Phi thông qua viện trợ phát triển chính thức ODA, xúc tiến thương mại-đầu tư… cũng như phát triển nguồn nhân lực".
Trong bài phát biểu tại Hội nghị cấp cao Á-Phi, Abe hứa sẽ "giúp đỡ 350.000 người trong hai châu lục tiếp thu công nghệ và kiến thức công nghiệp (Nhật Bản) " trong vòng năm năm tới.
Trong khi chiến lược của Nhật Bản và Trung Quốc về hợp tác Á-Phi khá giống nhau, nhưng sự hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực này lại vô cùng ít ỏi.
Trung Quốc theo đuổi chính sách can dự với châu Á và châu Phi thông qua chiến lược “"Một vành đai, một con đường", trong khi Nhật Bản khó có thể liên kết kế hoạch riêng của nước này với kế hoạch do Trung Quốc cầm đầu.
Thủ tướng Abe ngỏ ý không tán thành cách tiếp cận của Trung Quốc. Trong bài phát biểu tại Hội nghị cấp cao Á-Phi ở Jakarta, ông Abe tuyên bố: “Chúng tôi không bao giờ cho phép nước mạnh dùng vũ lực bắt nạt nước yếu. Sự khôn ngoan của cha ông chúng ta ở Bandung là bảo vệ phẩm giá của các quốc gia có chủ quyền, bất kể lớn hay nhỏ”. Ông Abe gián tiếp nói đến việc Trung Quốc quyết đoán theo đuổi tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, điều mà Nhật Bản cho là nguyên nhân gây bất ổn.
Bài phát biểu của Thủ tướng Abe cũng không nói đến "thống nhất Nam-Nam” mà Trung Quốc nhấn mạnh và cũng không hề đả động đến ý kiến cho rằng "các nước phát triển phải có trách nhiệm đạo đức giúp thế giới đang phát triển thoát khỏi đói nghèo và chia sẻ quyền quyết định các vấn đề quốc tế với các nước đang phát triển".
Thủ tướng Abe và Chủ tịch Tập Cận Bình đã gặp nhau bên lề Hội nghị cấp cao Á-Phi, lần gặp thứ hai trong vòng năm tháng qua.
Việc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tham dự Hội nghị cấp cao Á-Phi Jakarta cho thấy hai nước lớn này rất quan tâm đến việc tăng cường quan hệ với các nước châu Á và châu Phi.
Và có lẽ, đây cũng là bằng chứng cho thấy cạnh tranh Trung-Nhật và không nước nào muốn bỏ lỡ cơ hội định hình sự hợp tác Á-Phi trong 60 năm tiếp theo.