Theo các chuyên gia, vụ công dân Triều Tiên Kim Chol (được cho là anh trai Kim Jong-nam cùng cha khác mẹ của nhà lãnh đạo Kim Jong-un) bị chết ở sân bay Kuala Lumper đã khiến cho quan hệ Triều Tiên-Malaysia xấu đi nghiêm trọng và khiến cho CHDCND Triều Tiên vốn bị cô lập lại càng ít có lựa chọn hơn cho sự tồn tại về tài chính.
|
Cảnh sát Malaysia bao vây Đại sứ quán Triều Tiên tại thủ đô Kuala Lumper. Ảnh: Reuters |
Giới chuyên gia cho rằng quan hệ Triều Tiên-Malaysia trở nên tồi tệ hơn sẽ buộc Bình Nhưỡng phải phụ thuộc nhiều hơn vào sự hỗ trợ kinh tế của Bắc Kinh, ngay cả khi Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) công khai đả kích Trung Quốc “theo đuôi” Mỹ sau lệnh cấm nhập khẩu than.
Mối quan hệ Triều Tiên-Malaysia nhanh chóng xấu đi trong ngày 7/3, với việc mỗi bên cấm công dân của nước kia rời khỏi đất nước mình. Các đòn “ăn miếng trả miếng” giữa Triều Tiên và Malaysia ngày càng dữ dội hơn, sau cái chết bí ẩn của Kim Chol (người được cho là anh trai Kim Jong-nam cùng cha khác mẹ của nhà lãnh đạo Jong-un) tại sân bay Kuala Lumpur hồi tháng trước.
Đại sứ Triều Tiên Kang Chol, người bị chính phủ Malaysia tuyên bố là "nhân vật không được ưa chuộng”, đã bị trục xuất và đi qua Bắc Kinh hôm 7/3 trên đường trở về Bình Nhưỡng.
Các chuyên gia khu vực cho hay, bóng ma của vụ Kim Chol có thể sẽ phủ bóng đen lên quan hệ giữa Triều Tiên và các quốc gia Đông Nam Á khác, đặc biệt là với Indonesia và Việt Nam.
Tiến sĩ Hoo Chiew-ping, một chuyên gia về vấn đề Triều Tiên tại Đại học Quốc gia Malaysia, nói các nước Đông Nam Á có quan hệ thân thiện với Bình Nhưỡng "nên suy nghĩ lại”, đặc biệt khi Triều Tiên trở nên thất thường dưới thời nhà lãnh đạo Kim Jong-un.
Tiến sĩ Geetha Govindasamy, một chuyên gia về Đông Á thuộc Đại học Malaya, nói các hoạt động hợp pháp hoặc bất hợp pháp của Triều Tiên tại các quốc gia Đông Nam Á "sẽ bị chững lại vào lúc này”, khi phần lớn các chính phủ khu vực “cảnh giác hơn bao giờ hết đối với hoạt động của Bình Nhưỡng”.
Bình Nhưỡng vốn có quan hệ khá thân thiện với một số quốc gia Đông Nam Á và các đời Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên thường xuyên tham dự Hội nghị thượng đỉnh khu vực của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) từ năm 2010, tạo điều kiện cho Bình Nhưỡng hợp tác với cộng đồng quốc tế. Đổi lại, một số công ty của các nước Đông Nam Á được hoạt động ở Triều Tiên.
Tiến sĩ Lee Jaehyon của Viện nghiên cứu chính sách ASEAN cho biết, mặc dù khối lượng thương mại giữa Triều Tiên và các nước ASEAN chẳng thấm vào đâu so với Trung Quốc, nhưng mọi sự trả đũa về kinh tế – dù là nhỏ nhất – đều khiến cho Bình Nhưỡng cảm thấy đau đớn.
Chuyên gia Lee Jaehyon dự đoán các chính phủ khu vực Đông Nam Á sẽ kiểm soát chặt chẽ hơn các mối quan hệ kinh tế với Triều Tiên. Thậm chí, một vài chính phủ như Malaysia có thể cắt đứt mối quan hệ này do nói làm xấu đi hình ảnh của nước họ.
Trước khi xa lánh Malaysia và mất đi một liên kết quan trọng với thế giới bên ngoài, Bình Nhưỡng đã phải chịu áp lực kinh tế nặng nề do việc Trung Quốc ngừng nhập khẩu than của CHDCND Triều Tiên.
Theo dự kiến, CHDCND Triều Tiên sẽ trở nên phụ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc, nhất là khi không thể thiết lập quan hệ thương mại mới với một số nước ít ỏi ở Châu Phi và Nam Mỹ.
Mặc dù Bình Nhưỡng không công bố số liệu kinh tế, nhưng Trung Quốc được cho là chiếm tới 90% tổng kim ngạch thương mại của Triều Tiên, với xuất khẩu than chiếm 30-40%. Năm ngoái, xuất khẩu than của CHDCND Triều Tiên sang Trung Quốc đạt kim ngạch 1,2 tỷ USD.
Học giả Lu Chao, một chuyên gia tại Học viện Khoa học Xã hội Liêu Ninh, cho biết Bình Nhưỡng sẽ có ít lựa chọn hơn trong việc duy trì các mối quan hệ kinh tế ít ỏi và sẽ phụ thuộc ngày nhiều hơn vào Trung Quốc.
Ông Lu Chao nói: "Trung Quốc không dễ gì phản ứng trước sự kêu cứu của Bình Nhưỡng về trợ giúp kinh tế. Trong thời gian tới, Trung Quốc sẽ tỏ ra lạnh nhạt với Triều Tiên”.