Theo giới phân tích, việc phe nổi dậy thất thủ ở thành phố Aleppo, Syria đã đánh dấu một chiến thắng cho liên minh gồm cả Iran lẫn Nga, và là chiến thắng lớn nhất dành cho Tổng thống Syria Bashar al-Assad kể từ khi cuộc nội chiến nổ ra năm 2011.
Cho dù phương Tây muốn ông Assad phải từ bỏ quyền lực, song ông đã thách thức mọi dự đoán về sự sụp đổ của mình nhờ ý chí thép, đồng thời nhờ sự hỗ trợ của Nga và Iran. Trong gần 6 năm, ông Assad đã dựa vào lực lượng vũ trang trung thành, các cơ quan tình báo mạnh cũng như sự ủng hộ của nhiều người dân ở Syria, những người lo ngại về sự trỗi dậy của các lực lượng thánh chiến như nhóm khủng bố "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng. Trong khi đó, lực lượng đối lập Syria lại bị chia rẽ sâu sắc, thiếu tổ chức và nhận được sự hậu thuẫn dè dặt từ các đồng minh phương Tây và Vùng Vịnh, vốn không sẵn sàng sát cánh với họ về mặt quân sự.
|
Các tay súng nổi dậy Syria rời khỏi thành phố Aleppo ngày 22/12. |
Giới phân tích cho rằng ông Assad có khả năng trụ vững bởi ông chưa bao giờ ngừng tin tưởng sâu sắc rằng ông chẳng có lựa chọn nào ngoài việc phải chiến đấu. Mặc dù phương Tây và các nước Vùng Vịnh hỗ trợ vũ khí và huấn luyện cho phe đối lập, song những nỗ lực này không phá vỡ được niềm tin của ông Assad rằng ông sẽ giành chiến thắng trong cuộc chiến này. Joshua Landis, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung Đông thuộc Đại học Oklahoma, nói: “Các cố vấn của ông Assad ngay từ đầu đã khẳng định rằng họ tin sẽ thành công nếu Không quân Mỹ không ném bom Syria hay tham dự vào cuộc chiến. Họ luôn có một niềm tin mãnh liệt vào chiến thắng cuối cùng của mình”.
Theo Waddah Abed Rabbo, Tổng biên tập tờ Al-Watan có uy tín, và nhiều nhà phân tích khác, một chìa khóa nữa cho chiến thắng là sự hỗ trợ vững chắc của các đồng minh nước ngoài đối với ông Assad. Souhail Belhadj, nhà chính trị học thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế và Phát triển ở Geneva, nói: “Quan hệ của Syria với các đồng minh được tạo lập dựa trên những lợi ích mà ngày nay vẫn còn giá trị. Chính quyền Syria luôn thể hiện mình là một đồng minh quân sự, chiến lược, chính trị, tư tưởng và kinh tế trung thành chừng nào liên minh này còn tồn tại”.
Ngược lại, khi cuộc chiến ở Syria kéo dài, phe đối lập nhận được sự hỗ trợ ngày một giảm. Nhóm “Những người bạn của Syria”, được các nước phương Tây và Vùng Vịnh thành lập năm 2012 để hỗ trợ phe nổi dậy, hậu thuẫn cho Liên minh Quốc gia - được coi là đại diện phe đối lập ở Syria - và áp đặt các lệnh trừng phạt đối với chính quyền Syria. Song, theo giới phân tích, sự hậu thuẫn này chẳng bao giờ đủ. Cựu đại sứ Hà Lan Nikolaos Van Dam nói: “Các đối thủ của Assad bị suy yếu mạnh là do sự hậu thuẫn không đầy đủ từ ‘những người bạn’ của phe đối lập ở Syria”.
Năm 2013, hai năm sau khi cuộc nội chiến bùng nổ, Iran và các tay súng Hezbollah từ Liban tuyên bố đứng về phía chính phủ Syria và tham gia vào cuộc xung đột. Hai năm sau đó, Nga cũng tham gia cuộc chiến, đem lại lợi thế cho Assad.
Giới phân tích cho rằng việc phe nổi dậy thất thủ ở Aleppo đã đưa Thổ Nhĩ Kỳ - nước trong nhiều năm vẫn ủng hộ phe đối lập chống lại ông Assad nhưng sau đó lại giúp Nga tổ chức cuộc di tản người dân ở vùng quân nổi dậy nắm giữ thuộc thành phố này - bước vào liên minh với ông Assad. Giờ đây, Ankara ở cùng phe với Moskva, Tehran và Damascus để đặt ra những điều khoản cho việc dàn xếp chính trị ở Syria trong các cuộc đàm phán. Ai cũng có lợi ích của mình trong tương lai của Syria: với Thổ Nhĩ Kỳ, đó là một láng giềng yên ổn bên biên giới; với Iran - là đồng minh ngoại giao; và với Nga - là công cụ “hữu hiệu” để chống lại ảnh hưởng của Mỹ.
Được khuyến khích bởi chiến thắng ở Aleppo, ông Assad giờ chẳng có mấy lý do để phải thỏa hiệp với phe đối lập. Dù vậy, sau Aleppo, ông Assad vẫn còn chặng đường dài để giành lại các khu vực khác ở Syria đang nằm trong tay lực lượng đối lập, các tay súng người Kurd và nhóm thánh chiến IS.
>>> Xem thêm video về thành phố Aleppo đổ nát trong chiến tranh (Nguồn video Fars News Agency):