|
Ảnh minh họa.
|
Kinh tế suy thoái và thất nghiệp
Cơn chấn động tài chính từ Bộ Tài chính, Cục Dự trữ Liên bang (FED), hệ thống ngân hàng sẽ lan sang toàn bộ nền kinh tế, doanh nghiệp sẽ dừng hoạt động tuyển dụng nhân công và tỉ lệ thất nghiệp sẽ tăng lên nhanh chóng. 30 tháng trước tháng 12/2007, tỉ lệ thất nghiệp trung bình của Mỹ là 5%, sau khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008 tăng lên ngưỡng 9,5% và cao nhất là vào tháng 10/2009, chạm mức 10%.
Đồng USD mất giá, vật giá và lãi suất sẽ tăng cao
Một trong những ảnh hưởng lớn nhất là làn sóng bán tháo đồng USD, giáng đòn nặng nề vào vị trí đồng tiền dự trữ toàn cầu của đồng USD. Vật giá cũng tăng lên và sức mua của người tiêu dùng giảm xuống. Đồng thời, người mua nhà thế chấp và người có kế hoạch mua nhà sẽ bị ảnh hưởng bởi sự gia tăng của lãi suất.
Giá trị đầu tư bị thụt giảm
Trong thời gian cuộc khủng hoảng tài chính thế giới hoành hoành vào năm 2008, cổ phiếu Mỹ giảm mạnh. Rất nhiều người mang lương hưu đầu tư vào cổ phiếu đã bị tổn thất nặng nề. Các nhà phân tích dự đoán, nếu nước Mỹ vỡ nợ, giá cổ phiếu Mỹ có thể sẽ giảm từ 10% đến 20%.
An sinh xã hội bị đình trệ
Nhiều nhà kinh tế dự đoán vào ngày 17/10 tới nguồn tiền mặt để Chính phủ Mỹ chi trả cho các hóa đơn hàng ngày sẽ cạn kiệt, nhưng Bộ Tài chính nước này vẫn có thể trả được khoản chi an sinh xã hội trị giá 12 tỉ USD đáo hạn vào ngày 17/10 cùng một hóa đơn an sinh xã hội khác đáo hạn vào ngày 25/10. Tuy nhiên, Bộ Tài chính Mỹ sẽ không có khả năng chi trả một hóa đơn an sinh xã hội trị giá 25 tỉ USD đáo hạn vào ngày 1/11 và càng không thể nói tới hóa đơn trị giá 30 tỉ USD đáo hạn vào ngày 15/11.
Kinh doanh ngân hàng bị đóng băng
Công ty Thị trường vốn Rafferty ước tính tổng giá trị công trái mà ngành ngân hàng Mỹ đang nắm giữ là 1.850 tỉ USD. Một khi tình trạng vỡ nợ xảy ra, giá của các trái khoán này sẽ rớt thảm, làm bốc hơi lượng lớn tài sản ngành ngân hàng, buộc họ phải lập tức cắt giảm mạnh các khoản cho vay còn các khoản cho vay hiện nay cũng sẽ bị yêu cầu phải hoàn trả lập tức.
Các quỹ thị trường tiền tệ bị đổ vỡ
Cơ sở vận hành của MMF trị giá 2.700 tỉ USD ở Mỹ là những người góp vốn không bị lỗ. Tuy nhiên, khi cuộc khủng hoảng tài chính Trung Quốc bùng nổ năm 2008, một MMF đã tạm thời phá vỡ quy tắc này trong thời gian ngắn, làm tổn hại tới niềm tin của nhà đầu tư. Một khi nước Mỹ bị vỡ nợ, tình trạng nêu trên có thể sẽ tái diễn khiến hàng triệu nhà đầu tư tổn thất và tổng số tổn thất có thể lên tới hàng tỉ USD.
Thị trường tài chính toàn cầu bị đe dọa nghiêm trọng
Tổ chức Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo vỡ nợ không chỉ khiến nước Mỹ suy thoái trở lại, mà còn giáng đòn nặng nề vào kinh tế toàn cầu. Tuy các nhà đầu tư không có nhiều khả năng bán tháo nợ Mỹ, nhưng việc nước Mỹ vỡ nợ cũng dẫn tới sự hoảng sợ của thị trường, khiến dòng đầu tư cạn kiệt và cổ phiếu của các quỹ đầu tư nước ngoài cũng khó tránh được tình trạng rớt giá mạnh.