Nobel Hòa bình: Giải Nobel gây nhiều tranh cãi nhất

Google News

(Kiến Thức) - Giải Nobel Hòa bình sẽ được công bố trong ngày hôm nay (11/10), trong khi danh sách các ứng cử viên được giữ bí mật.

 
Danh sách đề cử nhận giải được giấu cho đến phút chót. Dư luận chỉ biết tên những người được các tổ chức đề cử công bố. Năm nay, danh sách có 259 người, trong đó là 50 tổ chức quốc tế và xã hội.
Trong số các ứng cử viên giải Nobel Hòa bình năm nay có nữ sinh Malala, 16 tuổi, người Pakistan. Năm 11 tuổi, cô gái bắt đầu viết nhật ký mạng, kể về cuộc sống của mình dưới chế độ Taliban và đấu tranh cho quyền đi học của các bé gái. Taliban đã tìm cách sát hại Malala. Một ứng viên nổi bật khác là Bradley Manning, người Mỹ đã cung cấp thông tin cho website WikiLeaks. Hồi tháng Tám năm nay, Manning đã bị kết án 35 năm tù giam. Ngoài ra, trong số các nhân vật được đề cử ít được biết đến có nữ tu sĩ Coptic Maggie Gobran, người đã giúp đỡ dân nghèo ở Ai Cập, bất kể họ theo tín ngưỡng nào.
Dựa trên kinh nghiệm của những năm trước, giới chuyên gia đưa ra giả định khác nhau. Các công ty cá cược cho rằng dẫn đầu danh sách là cô gái Pakistan Malala đã bị Taliban ám sát hụt và binh nhất Mỹ Bradley Manning, người cung cấp thông tin cho Wikileaks.
Giải Nobel Hòa bình là giải Nobel duy nhất không do Thụy Điển mà Ủy ban Nobel Na Uy bầu chọn. Ủy ban này gồm 5 thành viên, được Quốc hội Na Uy bầu chọn trong số các nhà hoạt động chính trị xã hội của đất nước.
Theo ý tưởng của Alfred Nobel, giải thưởng hòa bình nên được trao cho "người đã có đóng góp đáng kể vào sự đoàn kết các dân tộc, thủ tiêu chế độ nô lệ, giảm quân số quân đội và thúc đẩy hòa bình”. Nhưng với thời gian trôi qua, giải Nobel Hòa bình ngày càng mang tính ý thức hệ.
Nhiều giải Nobel Hòa bình đã gây tranh cãi và bê bối sau khi công bố. Tổng thống Obama khi nhận giải mới chỉ tuyên bố các nguyên tắc hòa bình, trong khi Ủy ban Nobel Na Uy đã không để ý đến Mahatma Gandhi - người chiến đấu cho nền độc lập Ấn Độ thông qua con đường hòa bình. Nói tóm lại, khi một vấn đề do con người quyết định, thì sự khách quan chỉ là tương đối.
Văn Bình (theo VOR)

Bình luận(0)