Ngày 9/5 tới, cử tri Philippines sẽ không chỉ bầu cử tổng thống mà còn đi bầu các hạ nghị sĩ, lãnh đạo tỉnh, thị trưởng, hội đồng địa phương và một số thượng nghị sĩ. Đây là một cuộc tổng tuyển cử có tầm quan trọng lớn, nhưng ở Philippines lúc này người ta chỉ nghe thấy bàn luận xung quanh ứng viên Rodrigo Duterte – người đang có nhiều triển vọng đắc cử.
Đôi nét về các ứng viên tổng thống Philippines
Vậy ông Rodrigo Duterte là ai? Theo Le Monde, Rodrigo Duterte từng là thị trưởng thành phố Davao trong 22 năm, được tạp chí Time đặt cho biệt danh là “nhà trừng phạt”, có lai lịch dính dáng với những “biệt đội tử thần” khét tiếng trong các vụ tàn sát thanh toán chính trị trên đảo Mindanao, đảo lớn thứ hai của Philippines, trong những năm 1990.
Vào thời kỳ đó, hàng nghìn người đã bị hành quyết vô cớ vì các “biệt đội tử thần” trong các cuộc thanh toán giữa các phe cánh chính trị. Thậm chí đến năm 2013 nhiều vụ sát hại đẫm máu vẫn xảy ra, trong đó có bàn tay của “biệt đội tử thần”.
|
Ứng viên tổng thống Rodrigo Duterte: Dẫn đầu nhưng gây nhiều tranh cãi. Ảnh sunstar.com.ph |
Ngay từ năm 2015, trước khi chính thức thông báo ra tranh cử tổng thống, ông Duterte đã từng lên truyền hình đưa ra những lời cảnh báo sặc mùi bạo lực: “Nếu Chúa muốn đặt tôi vào vị trí đó ( tổng thống), con số 1.000 người bị hành quyết sẽ là 100 nghìn. Các vị sẽ thấy những con cá trong vịnh Manila sẽ rất chóng lớn, bởi vì tôi đã vứt xác các vị xuống đó”.
Giờ đây trên cương vị ứng viên tổng thống, ông Duterte tiến hành chiến dịch tranh cử với chương trình chính: chống tham nhũng và nhất là chống tội phạm. Ông hứa sẽ xóa sổ các vấn nạn đó trong vòng 6 tháng. Rody, húy danh của Duterte, báo trước một nhiệm kỳ “đẫm máu”. Ông này còn dọa nếu Quốc hội chống lại, ông sẽ sử dụng xe tăng.
Thế nhưng những lời lẽ như vậy lại lọt tai dân nghèo, những người được cho là nạn nhân của tình trạng bất công trong hệ thống chính trị hiện nay, cũng như là một bộ phận tầng lớp khá giả hơn, đang lo ngại về tình trạng tội phạm tràn lan trên quần đảo Philippines.
Theo Le Monde, Tổng thống mãn nhiệm Benigno Aquino đang làm hết sức để ngăn cản nhân vật còn rắn hơn cả độc tài này lên nắm quyền. Thế nhưng ứng viên được ông Aquino ủng hộ hay những ứng viên khác đều ít nhiều mắc vào các vụ tai tiếng tham nhũng. Phe chống Duterte đến giờ vẫn không tập hợp được lực lượng.
Bởi vậy, bốn ngày trước cuộc bầu cử, các cuộc thăm dò dư luận cho thấy ông Duterte giành được 33% tổng số phiếu bầu, trong khi đối thủ gần nhất là Thượng nghị sĩ Grace Poe chỉ giành được có 22%. Ứng viên Grace Poe có cách tiếp cận thực dụng hơn trong vụ tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc.
|
Ứng viên tổng thống, Thượng nghị sĩ Poe từng du học ở Mỹ. Ảnh inquirer.net |
Thượng nghị sĩ Grace Poe, một người từng du học ở Mỹ, muốn dành nhiều sự hỗ trợ hơn cho Lực lượng Tuần duyên Philippines để tuần tra lãnh hải của đất nước tốt hơn và giúp bảo vệ ngư dân Philippines vốn bị Trung Quốc ngăn không cho đến gần Bãi cạn Scarborough.
Ứng cử viên được cho là sẽ duy trì chính sách đối ngoại hiện hành là Manuel Roxas, cựu thư ký nội các của chính quyền của Tổng thống Benigno Aquino. Ông này chỉ giành được khoảng 20% tổng số phiếu trong các cuộc tham dò dư luận gần đây.
|
Ứng viên tổng thống, cựu thư ký nội các Manuel Roxas được cho là sẽ duy trì chính sách của Tổng thống Aquino, nếu đắc cử. Ảnh filipinostarnews.net |
Ông Roxas, 58 tuổi, đã lãnh đạo nỗ lực ứng phó khẩn cấp của Philippines, sau khi siêu bão Haiyan đổ bộ vào miền trung nước này và làm thiệt mạng hơn 6.300 người vào năm 2013. Một phát ngôn viên cho biết nếu đắc cử tổng thống, ông Roxas sẽ tiếp tục với "chính sách cơ bản của chính quyền Aquino" là duy trì độc lập trong khi tuân thủ những cam kết liên minh với Washington.
|
Ứng viên Jejomar Binay đề xuất một dự án chung với Trung Quốc trên những bãi đá tranh chấp ở Biển Đông. Ảnh Coconuts Manila |
Ứng viên Jejomar Binay (Phó Tổng thống Philippines đang mãn nhiệm) cho biết ông sẽ đưa Phillippines tới một mối quan hệ gần gũi hơn với Trung Quốc, đề xuất một dự án chung ở những bãi đá tranh chấp ở Biển Đông giàu tài nguyên, trong khi cũng khẳng định chủ quyền lãnh thổ của Manila. Liên danh tranh cử của ông ta, Thượng nghị sĩ Gregorio Honasan, nói với phóng viên nước ngoài vào tháng trước rằng một chính quyền Binay sẽ cân nhắc khả năng cho Mỹ đặt căn cứ vĩnh viễn.
Yếu tố Trung Quốc trong cuộc bầu cử tổng thống Philippines
Nhật báo Le Monde đánh giá Duterte là “một ứng viên thực dụng trước Bắc Kinh”.
Theo Le Monde, cuộc tổng tuyển cử ngày 9/5 ở Philippines sẽ được cả Washington và Bắc Kinh theo dõi rất sát sao. Bời vì, vào thời điểm hiện nay, Philippines đang tìm kiếm sự hậu thuẫn của Mỹ để kiềm chế những tham vọng thâu tóm của Trung Quốc tại quần đảo Trường Sa, Biển Đông.
Trong khi đó Trung Quốc lại rất ác cảm với tổng thống Benigno Aquino, cũng như ngoại trưởng Alberto Del Rosario, coi đây là những kẻ đồng lõa với Mỹ. Một gương mặt mới lên lãnh đạo Philippines biết đâu lại mở ra cơ hội mới tích cực hơn cho Bắc Kinh ?
Trong chiến dịch vận động tranh cử, ứng viên Rodrigo Duterte cũng có ngỏ ý định tới cắm cờ ở Trường Sa. Nhưng đồng thời ông cũng gợi khả năng thảo luận song phương với Trung Quốc, nếu cách làm hiện nay về vấn đề tranh chấp biển đảo không có kết quả. Bên cạnh đó, những phát biểu gây sốc của ứng viên này đang là một thách thức với Washington. Không ai có thể lường trước được điều gì sẽ xảy ra trong quan hệ đồng minh Mỹ-Philippines nếu ông Duterte đắc cử tổng thống.