Thế nhưng, phe cực hữu Châu Âu vẫn trông đợi vào hai cuộc bầu cử có tính chất quyết định khác. Đó là bầu cử Tổng thống Pháp vào cuối tháng Tư và đầu tháng Năm cũng như bầu cử Quốc hội Đức vào cuối năm nay.
|
Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte trong quá trình vận động tranh cử. Ảnh: Reuters |
Với cách biệt đáng kể, đảng cánh hữu tự do VVD của đương kim Thủ tướng Mark Rutte đã thắng đậm đảng cực hữu của chính khách dân túy Geert Wilders trong cuộc bầu cử Quốc hội Hà Lan và lần thứ ba trở thành chính đảng mạnh nhất Hà Lan.
Cách đây vài tuần, thủ lĩnh cực hữu Geert Wilders vẫn còn dẫn điểm trong các cuộc thăm dò dư luận. Thế nhưng, đương kim Thủ tướng Mark Rutte đã bứt phá ngoạn mục với sự giúp đỡ của hai chính khác dân túy luôn chửi rủa ông. Đó là Geert Wilders và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan
Vì sao Thủ tướng Mark Rutte thắng cử?
Thủ tướng Mark Rutte giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Quốc hội Hà Lan một phần nhờ Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Ông Erdogan càng chửi rủa Hà Lan dữ dội bao nhiêu, thì cử tri càng tụ tập xung quanh Thủ tướng Mark Rutte bấy nhiêu. Trong khi đó, Thủ tướng Rutte đã xử lý cuộc khủng hoảng ngoại giao với Thổ Nhĩ Kỳ một cách khôn khéo và rất chuyên nghiệp. Ông không ngại giơ “thẻ đỏ” phạt các quan chức ở Ankara: trước hết không cho Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ nhập cảnh và sau đó đuổi nữ Bộ trưởng Gia đình của nước này khỏi Hà Lan một cách tế nhị nhưng rất kiên quyết.
Sau hai động thái quyết liệt nói trên, Thủ tướng Hà Lan Rutte mới tính chuyện dàn hòa.
Thay vì “ăn miếng trả miếng” đồng đẳng với Tổng thống nổi khùng Erdogan, ông Rutte đã mời Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ đi ăn và đã được chấp nhận.
Trong cuộc tranh luận cuối cùng với thủ lĩnh cực hữu Geert Wilders ngày 13/3, Thủ tướng Mark Rutte đã dồn đối thủ đến tận chân tường với thái độ rất điềm tĩnh nhưng rất sắc sảo thực tế. Các cử tri Hà Lan đã đánh giá cao phẩm chất lãnh đạo này và đua nhau dồn phiếu ủng hộ ông.
Trong mấy năm qua, Thủ tướng Rutte cũng đã không thực hiện được một số cam kết tranh cử của mình. Chính vì vậy mà đảng VVD của ông đã bị mất ¼ số ghế hiện có trong Quốc hội Hà Lan. Thế nhưng, Thủ tướng Rutte vẫn thực hiện được những cam kết chính: kinh tế Hà Lan đã tăng trưởng trở lại sau khủng hoảng ở mức đáng nể 2% và tỷ lệ thất nghiệp tụt xuống dưới mức 5%. Đất nước Hà Lan nhỏ bé với 17 triệu dân đã đạt được kim ngạch xuất khẩu cao hơn cả Vương quốc Anh và Italy.
Bây giờ là lúc Thủ tướng Rutte đứng ra thành lập chính phủ liên hiệp. Ông có thể liên minh với bốn đảng khác là đảng Dân chủ Cơ đốc giáo, đảng cánh tả tự do D66, đảng Xanh và đảng Xã hội Dân chủ...để thành lập chính phủ mới.
Phải chăng phong trào cực hữu đã bị đẩy lùi ở Châu Âu?
Mới đây, thủ lĩnh cực hữu Pháp Marine Le Pen đã tuyên bố năm 2017 là năm “các dân tộc ở Châu Âu lục địa thức tỉnh”. Quả thực, các cử tri Hà Lan đã tỉnh ngộ và quay lưng lại với phe cực hữu do thủ lĩnh Wilders cầm đầu. Cuộc bầu cử ở Cộng hòa Áo cho thấy kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ đã không thể tạo ra “hiệu ứng Domino” ở Châu Âu. Tuy nhiên, bà Marine Le Pen vẫn còn có cơ hội trở thành nữ Tổng thống Pháp trong cuộc bầu cử sắp tới. Đảng Mặt trận Quốc gia (FN) cực hữu đã “sâu rễ, bền gốc” trong xã hội Pháp, khôn khéo hơn về chính trị và được lòng số cử tri bất mãn với tầng lớp thượng lưu hơn “đảng chỉ dựa vào một người” của Geert Wilders.
Chỉ có điều, kết quả bầu cử Quốc hội Hà Lan là một đòn khá nặng giáng vào Marine Le Pen. Bây giờ, bà này chỉ còn cách hy vọng đối thủ chính là ứng viên tổng thống Emmanuel Macron “xảy chân, lỡ miệng” hoặc bới móc được bê bối mà ông này đã mắc phải.
Tuy nguy cơ "Nexit" (Hà Lan rời bỏ Liên minh Châu Âu) không còn nữa, nhưng nếu giới quan chức ở Brussels và ở các thủ đô của các nước thành viên EU khác không làm cho dân chúng thụ hưởng những lợi ích từ một Châu Âu thống nhất, thì Liên minh Châu Âu sẽ vẫn sẽ bị sa lầy trong cơn khủng hoảng và phong trào cực hữu dân túy ở lục địa già này vẫn còn cơ hội ngóc đầu trỗi dậy.