Tờ báo này viết: “Nhiều nhà phân tích cho rằng những ông lớn có chức vụ cao trong bộ máy nhà nước đang thúc đẩy ông Obama đưa Quân đội Mỹ vào Syria. Song Tổng thống Obama tỏ ra hoài nghi về thành công của chiến dịch trên bộ và tiếp tục chống lại các nhân vật “diều hâu” cả bên trong và bên ngoài chính quyền của mình. Những người ủng hộ gọi ông Obama là “nhà thực tiễn u sầu”, người đã học được bài học lịch sử: sức mạnh quân sự của Mỹ có vĩ đại đến bao nhiêu đi nữa, nó chỉ có thể giành được thành công hạn chế trong các cuộc xung đột mang bản chất chính trị hoặc tư tưởng.
Tờ báo dẫn lại các sự kiện trước đây nửa thế kỷ: khi đó tổng thống Mỹ Lyndon Johnson đã cho phép ném bom dữ dội Bắc Việt Nam, việc này đã dẫn đến xung đột leo thang mạnh ở Đông Nam Á, và mùa Hè năm 1965 Mỹ đã đưa lục quân vào khu vực này. Tháng 9/2014, ông Obama đã ra lệnh tăng cường ném bom các vị trí của các chiến binh hồi giáo ở Cận Đông, mở rộng vùng chiến sự ra ngoài Iraq và sang Syria.
|
Tên lửa hành trình bắn đi từ tàu chiến Mỹ nhằm vào các vị trí của IS ở Syria. |
The New York Times nhận định: “Lịch sử cho thấy, rằng thái độ phân tích tỉnh táo của Tổng thống, hoàn toàn không phụ thuộc vào việc nó thực tiễn đến mức nào, không nhất thiết là thuốc giải độc cho các hành động quân sự nông nổi. Quá trình can thiệp quân sự của nước ngoài có logic riêng của mình”.
Theo tờ báo này, ở giai đoạn đầu, ông Johson, cũng như ông Obama hiện nay, đánh giá một cách hoài nghi về triển vọng cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Tờ báo dẫn lời tổng thống thứ 36 của Mỹ nói trong cuộc nói chuyện riêng “Người ta có thể tranh đấu nếu thấy ánh sáng cuối đường đi. Ở Việt Nam không thấy ánh sáng nào”.
Ông Johnson đã quyết định leo thang trong cuộc chiến tranh Việt Nam dưới sức ép của tình thế. 15 năm Mỹ không ngừng gia tăng sự tham gia vào Đông Dương đòi hỏi phải có sự tiến triển nào đó, và những người thân cận tổng thống khoa trương sẽ chiến thắng, gieo cho ông lòng tin vào thắng lợi của hoạt động này.
Kết quả thì ai cũng rõ, tờ báo viết. Cuối năm 1965 quân số đội quân viễn chinh Mỹ ở Việt Nam tăng đến 180 nghìn người, về sau đạt tới nửa triệu quân. Ông Johnson đã đánh mất sự kiểm soát diễn biến tình hình, và tất cả các hành động tiếp theo của ông ta là sự đáp trả các chướng ngại không nhìn thấy trước, thất bại và sai lầm đã xuất hiện về sau.
Tổng thống Mỹ Lyndon Johnson đã kết thúc sự nghiệp chính trị của mình một cách nhục nhã: Ông đã không ra ứng cử trong bầu cử nhiệm kỳ tiếp theo và rút về trang trại ở Texas viết hồi ký. Còn nước Mỹ thì sa lầy vào cuộc chiến tranh Việt Nam thêm 8 năm nữa cũng như hứng chịu những thất bại nặng nề.
Tờ The New York Times cho rằng: “Hoàn toàn không có bất cứ lý do gì nghi ngờ là tất cả chuyện này có thể lặp lại trong năm 2014”.