ASEAN tiến tới thống nhất lập trường chung về Biển Đông

Google News

(Kiến Thức) - ASEAN đang tăng cường nỗ lực để thống nhất cơ chế quản lý tranh chấp ở Biển Đông.

 Quốc vương Brunei, Hassanal Bolkiah, đưa các vấn đề Biển Đông ra thảo luận trước tiên.

Ngày 25/4, các quốc gia Đông Nam Á đã tăng cường nỗ lực lôi kéo Trung Quốc tham gia đàm phán để giải quyết những căng thẳng trên biển, với việc Thái Lan kêu gọi các bộ trưởng ngoại giao ASEAN thống nhất một lập trường chung về Biển Đông, trước các cuộc thảo luận tại Bắc Kinh vào cuối năm nay.

Theo báo “Bưu điện Hoa Nam buổi sáng” (SCMP), sáng kiến của Thái Lan được đưa ra sau khi 10 nước thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã vượt qua những bất đồng năm ngoái, nhưng lại khá chật vật trong việc đạt được tiến bộ về kế hoạch nhằm thống nhất cơ chế quản lý tranh chấp.

Tại thủ đô Brunei, Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa cho biết: “Đáng chú ý nhất là kêu gọi tiếp tục can dự Trung Quốc”. Ông Natalegawa cho biết trên cương vị Điều phối viên quan hệ ASEAN-Trung Quốc, Thái Lan đã kêu gọi các nước ASEAN tiến hành đàm phán trước cuộc gặp ASEAN-Trung Quốc dự kiến vào tháng 8 tới để kỷ niệm 10 năm ngày  hai bên thiết lập quan hệ “đối tác chiến lược”.

Phía Trung Quốc đã cho biết họ sẽ chỉ tham gia các cuộc đàm phán vào thời điểm “chín muồi” và vẫn bám lấy lập trường giải quyết tranh chấp chủ quyền trên cơ sở song phương. Trong khi đó, Trung Quốc đã phô trương sức mạnh hải quân “viễn dương” bằng việc chiếm một số khu vực mà Philippines tuyên bố chủ quyền.

Hiện thời, toàn bộ khối ASEAN sẵn sàng thảo luận về Quy tắc ứng xử ở Biển Đông, thay vì dồn gánh nặng đối đầu lên vai Tổng thống Philippines Benigno Aquino.

Sau bữa ăn tối làm việc với các nhà lãnh đạo ASEAN ngày 24/4, Tổng thống Philippines Benigno Aquino đã ca ngợi việc Thủ tướng Chính phủ Brunei và Quốc vương Hassanal Bolkiah đưa các vấn đề Biển Đông ra thảo luận trước tiên. Ông Aquino nói: “Chúng tôi thực sự  biết ơn về việc toàn bộ khối ASEAN sẵn sàng thảo luận vấn đề này, thay vì gạt nó sang một bên”.

Nhưng triển vọng đạt được tiến bộ nhanh chóng về một bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông có tính ràng buộc pháp lý xem ra còn khá xa vời do sự khác biệt về khuôn khổ thỏa thuận.

Thông cáo kết thúc Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 22 ở Brunei cho biết các ngoại trưởng ASEAN đã được giao nhiệm vụ “tích cực làm việc với Trung Quốc” để “sớm có kết luận” về một thỏa thuận đã được đề xuất.

TIN LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU:



Lê Chân (theo SCMP)

Bình luận(0)