Đó là nhận định của tác giả Saikat Kumar Basu trong một bài viết đăng trên báo Jakarta Post của Indonesia.
Theo tác giả Saikat Kumar Basu, hành động hung hăng đe dọa của Trung Quốc đối với yêu sách lãnh thổ và lãnh hải của một số quốc gia ven Biển Đông đã gây bất lợi cho hợp tác quốc tế và xâm phạm chủ quyền của các nước láng giềng Châu Á nhỏ hơn.
|
ASEAN cần hợp tác hơn nữa về chiến lược, ngoại giao và quốc phòng với các nước lớn như Nhật Bản, Australia, Ấn Độ và Mỹ. |
Trong hoàn cảnh hiện nay, điều quan trọng là ASEAN cần hợp tác hơn nữa về chiến lược, ngoại giao và quốc phòng với các nước lớn trong khu vực như Nhật Bản, Australia, Ấn Độ và Mỹ.
Sự can thiệp gần đây của Mỹ trong khu vực được xem là một đối trọng trước các mối đe dọa an ninh nghiêm trọng nhắm vào một số quốc gia thành viên ASEAN và những mưu đồ hủy hoại chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải ở Biển Đông của các nước này.
Ngoài Trung Quốc, Ấn Độ cũng đang nổi lên trở thành “ người khổng lồ kinh tế” của Châu Á. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã tỏ ra năng nổ nhiệt tình trong việc thiết lập quan hệ chiến lược, ngoại giao và kinh tế-xã hội với một số quốc gia ở Viễn Đông và khu vực Đông Nam Á.
Chuyến thăm Malaysia của Thủ tướng Modi là một cơ hội lớn cho các nước thành viên ASEAN, trong đó có Malaysia, để thiết lập quan hệ hợp tác kinh tế-xã hội và quốc phòng mạnh mẽ hơn với Ấn Độ.
“Hành lang kinh tế Đông” ở Ấn Độ đang được xây dựng để kết nối tiểu lục địa Ấn Độ, qua Bangladesh-Myanmar-Thái Lan đến Đông Nam Á.
Hợp tác chiến lược-kinh tế dài hạn giữa tiểu lục địa Ấn Độ và ASEAN có thể mở ra cơ hội mới trong hợp tác an ninh, kinh tế-xã hội, ngoại giao... giữa hai khu thương mại đông dân cư vào bậc nhất thế giới và có thể dễ dàng thay đổi vận mệnh kinh tế của toàn khu vực.
Việc tăng cường quan hệ hơn nữa giữa Cộng đồng kinh tế ASEAN và Ấn Độ, hai nền kinh tế lớn trên thế giới, sẽ là một chiến lược hữu hiệu chống lại các mối đe dọa an ninh đối với một số nước thành viên ASEAN ven Biển Đông.