Phụ nữ hiện đại: Lấy chồng sớm khác gì đi chơi đêm mà 8h tối đã về

Google News

Con gái 22 tuổi tốt nghiệp đi làm, 23 tuổi loay hoay với sự nghiệp, đến tuổi 25 đã bị gắn mác là "gái ế". Lẽ nào cuộc đời họ nhạt nhẽo đến mức chỉ có nỗi lo lấy chồng?

Chưa tốt nghiệp đại học, Lê Thảo đã có một vị trí chính thức trong công ty nước ngoài. Sau một năm rưỡi làm việc, cô được học hỏi không ít kỹ năng, kiến thức, có thêm nhiều mối quan hệ xã hội, kết bạn với rất nhiều người. Cô coi đó một phần là may mắn, một phần nhờ sự nỗ lực trong thời gian dài.
Bạn bè, người thân và cả những người quen biết vẫn thường xem cô nàng 24 tuổi là hình mẫu con gái lý tưởng: Xinh đẹp, thông minh, năng động và tháo vát.
Phu nu hien dai: Lay chong som khac gi di choi dem ma 8h toi da ve
Thảo quyết định từ bỏ công việc văn phòng tẻ nhạt để tìm kiếm niềm vui mới cho mình. Ảnh: Lê Thảo. 
Công việc ổn định với mức lương đáng mơ ước của nhiều bạn trẻ, có lẽ kịch bản đẹp nhất mà người ta thường nghĩ đến là cô nàng độc thân này sẽ yêu một anh chàng nào đó, rồi cứ thế kết hôn, hưởng cuộc sống êm đềm, hạnh phúc.
Bỗng một ngày đẹp trời, Thảo quyết định kết thúc chuỗi ngày buồn chán của một nhân viên văn phòng. 7h tối thôi việc, một tiếng sau cô xách vali đi ra sân bay để sang đảo Jeju (Hàn Quốc) du lịch, với mong muốn tìm lại nhiệt huyết của bản thân.
Khi còn trẻ cứ tự do theo đuổi đam mê của mình
Sau 28 ngày ở Hàn Quốc, được trải nghiệm sự mới mẻ của vùng đất xa lạ, được tiếp xúc và nói chuyện với những người trưởng thành và có học thức, Lê Thảo quyết định làm hồ sơ sang đây du học.
Quyết định chóng vánh của Lê Thảo khiến gia đình và bạn bè sửng sốt.
Thảo chia sẻ với Zing.vn: "3 năm đầu đại học, mình là người sôi nổi, thích giao tiếp, thích đi nhiều nơi, học để biết thêm nhiều thứ hơn. Nhưng từ lúc đi làm, đặc biệt trong môi trường của công ty nước ngoài, mình phải tỏ ra trưởng thành hơn khi gặp khách hàng, ăn mặc chín chắn và tác phong chuyên nghiệp".
Đang là sinh viên đã phải đi làm, mọi thứ đối với Thảo khá áp lực và mệt mỏi. Ngày qua ngày đều bước vào văn phòng chán ngắt, công việc lặp đi lặp lại giống nhau, cô cảm thấy bản thân mất dần sự vui vẻ vốn có.
"Đến ngày bản chất 'trỗi dậy' thì chuyện gì đến cũng phải đến", cô gái quê Nghệ An lý giải hành động từ bỏ công việc có vẻ lý tưởng với nhiều người để đuổi theo tiếng gọi của lòng mình.
Cha mẹ làm nông nghiệp, chi phí du học mấy trăm triệu là vấn đề lớn với Thảo và gia đình.
"Đến tận lúc mọi thứ gần xong xuôi, trong những cuộc điện thoại, cha mẹ vẫn khuyên mình nên từ bỏ".
Nhưng với tính cách cương quyết, nói là làm, cô nhanh chóng tự lo liệu từ hồ sơ đến tiền bạc, chỉ mượn gia đình một ít tiền còn thiếu.
Thảo cho rằng tuổi trẻ là để đi nhiều hơn, phấn đấu và tạo dựng cho mình một cái gì đó thật ý nghĩa trước khi tính đến chuyện sẽ gắn bó với ai đó cả đời.
23 tuổi chưa từng yêu ai không phải là thất bại
Đoan (tên nhân vật đã được thay đổi), 23 tuổi, mới tốt nghiệp Học viện Báo chí và Tuyên truyền với tấm bằng loại giỏi. Cô dễ dàng bước chân vào một công ty truyền thông có tiếng với vai trò nhân viên Marketing.
Chỉ sau nửa năm làm việc, Đoan đã đảm nhiệm những dự án quan trọng của công ty, năng lực của cô được sếp đánh gia cao khi nhiều tháng liền vượt chỉ tiêu được giao.
Nhưng điều bạn bè quan tâm nhất mỗi lần gặp mặt không phải là công việc của cô như thế nào mà là Đoan đã có người yêu chưa.
Những người bạn chơi thân vẫn tò mò không hiểu tại sao suốt 23 năm, Đoan không hề có một mối tình nào, cũng chưa từng yêu hay thích ai.
Trong nhà chỉ có 2 mẹ con, mẹ cô cũng đã lớn tuổi nên vẫn thường xuyên hỏi han đến chuyện tình cảm. Không thấy con gái có bạn trai, bà không giấu nổi tâm trạng "nóng ruột". Dù không thúc giục ra mặt, mẹ Đoan vẫn thi thoảng gợi ý mối này mối kia.
Cô phát ngán vì cứ như thể việc có người yêu là một quy chuẩn xã hội mà "đến tuổi" thì con gái phải thực hiện, nếu không sẽ phải nhận sự đánh giá từ mọi người.
Ngoại hình xinh xắn, tính cách nhẹ nhàng, không ít anh chàng "thả thính" tán tỉnh cô nhưng Đoan lại không hề có cảm xúc.
Phu nu hien dai: Lay chong som khac gi di choi dem ma 8h toi da ve-Hinh-2
Được làm điều mình yêu thích còn "kích thích" tinh thần hơn cả tình yêu. 
"Mình thấy nhiều người cứ nghĩ phải có tình yêu mới hạnh phúc, còn những người 'ế' giống như kẻ thất bại. Mình không phải cự tuyệt chuyện tình cảm, mình cũng mong sẽ gặp được tri kỉ, gắn bó với người ấy. Nhưng giờ chưa gặp được người ấy, mình vẫn cảm thấy vui vẻ đấy thôi, không cô đơn hay buồn bã gì cả".
Đoan cho rằng, người ta làm việc gì, kiếm tiền hay kiếm người yêu cũng chỉ vì mong được hạnh phúc, thoải mái. Vậy thì những cô nàng không có bạn trai nhưng có sự nghiệp để theo đuổi cũng có niềm vui của riêng họ.
Với những cô gái như Đoan, ngày ngày phấn đấu, nghĩ những ý tưởng mới, được sống với công việc mà mình yêu thích và tự chủ được cuộc sống chính là một dạng "chất kích thích" tinh thần còn hơn cả tình yêu.
Ấm ức vì bị gắn mác là "gái ế"
Dù sự nghiệp tươi sáng, những cô gái như Thảo và Đoan lại không thể thoát khỏi "miệng đời" với cái danh "gái ế" chỉ vì hơn 23 tuổi mà họ vẫn còn độc thân.
Trong khi bạn bè ở quê có người đã lập gia đình, có con, Thảo vẫn đeo đuổi chuyện học hành. Suốt mấy năm không nhắc gì đến chuyện yêu đương, cũng không thấy con gái có anh chàng nào để giới thiệu, mẹ cô cũng thỉnh thoảng "đánh tiếng", nhắc khéo con.
"Nhiều lúc cảm thấy ấm ức vì được hàng xóm liệt vào dạng 'ế'. Có lẽ tại ở quê mình, con gái mới 19 - 20 tuổi đã có người lấy chồng nên người ta có tư tưởng ấy", Thảo tâm sự.
Thảo hay Đoan cũng giống như những cô gái trẻ khác: 22 tuổi vừa ra trường, đến 23 chưa kịp ổn định công việc đã bị thúc ép chuyện cưới xin, đến 25 tuổi chưa có người yêu bỗng dưng bị gắn mác là 'ế'.
Người Việt vẫn hay có câu "đàn bà hơn nhau ở tấm chồng", con gái giỏi giang, có sự nghiệp cũng không bằng lấy được một người chồng tốt.
Nhưng trong xã hội hiện đại, khi con gái cũng có muôn vàn cơ hội và niềm hứng thú khác nhau. Bạn bè vẫn thường trêu đùa với nhau: "Lấy chồng sớm khác gì đi chơi đêm mà 8h tối đã phải về".
Thảo cho rằng: "Tại sao khi vừa rời khỏi ghế nhà trường sau hơn chục năm miệt mài, chưa được tận hưởng cuộc sống lại phải cố tìm cho mình một người để đi đến hôn nhân?".
Đối với Thảo, gia đình là điều vô cùng quan trọng nên cô mong có được mái ấm nhỏ hạnh phúc sau này. Nhưng ở hiện tại, ưu tiên của cô vẫn là công việc, chưa phải thời điểm cô lo lắng chuyện yêu đương hay lập gia đình.
Thậm chí, đôi khi nhận thấy những người bạn đã lập gia đình vẫn thường tỏ vẻ ghen tỵ với cuộc sống tự do của cô nên Thảo vui vẻ quyết định "ế thêm chút nữa".
Độc thân cũng không phải không có ai yêu, chỉ là khi còn trẻ vẫn còn nhiều thứ hay ho để làm.
Còn nhớ câu chuyện người cha treo tấm biển trước nhà với dòng chữ: "Nhà có cháu gái chưa chồng, đến chúc Tết làm ơn không hỏi. Xin chân thành cảm ơn" khiến dân mạng "dậy sóng" hồi đầu năm.
Phu nu hien dai: Lay chong som khac gi di choi dem ma 8h toi da ve hinh anh 5
Những câu hỏi như "Bao giờ lấy chồng?" khiến những cô gái độc thân phải đau đầu.
Có lẽ đó là điều mà những cô gái lớn trong nhà, bị rơi vào cảnh "quá lứa lỡ thì" đều muốn nhắn gửi đến tất cả mọi người.
"Vấn nạn" về những câu hỏi đậm chất vô duyên như "Có người yêu chưa?", "Bao giờ lấy chồng?"... khiến bao cô gái phải đau đầu dường như chẳng thể nào chấm dứt.
Đến một độ tuổi nào đó mà người ta mặc định "đáng ra phải có chồng", cảm giác của con gái chính "tứ bề đều là địch".
Câu "phụ nữ hơn nhau là ở tấm chồng" vẫn được nhiều người đưa ra làm thước đo chuẩn mực cho hạnh phúc của một người con gái.
Nhưng thực tế lại chứng minh điều ngược lại: Phụ nữ hạnh phúc là khi làm chủ được cuộc sống của chính mình chứ chẳng phải dựa vào người khác.
Theo Đinh Phạm/Zing News

>> xem thêm

Bình luận(0)