Chủ đầu tư “rất cùn”…
Tại buổi tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm trước kỳ họp thứ 9 HĐND TP. Hà Nội vừa diễn ra mới đây, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cùng nhiều đại biểu đã lắng nghe nhiều cử tri đề cập đến các vấn đề bức xúc của thành phố như an ninh trật tự, an toàn giao thông, trật tự xây dựng và quy hoạch đô thị… Một vấn đề được đề cập tới và lại khiến dư luận "dậy sóng" thêm một lần nữa là vi phạm trật tự xây dựng tại công trình Toà nhà 8B Lê Trực.
Theo Chủ tịch Nguyễn Đức Chung, thành phố đã giao cho quận Ba Đình cưỡng chế tòa nhà 8B Lê Trực, và đã cưỡng chế xong tầng 19. Bất động sản này không chỉ sai phạm ở "phần ngọn" mà vi phạm ngay từ móng, xây dựng lấn ra cả vỉa hè. Viện nghiên cứu của Bộ Xây dựng đã thẩm định và cho rằng, nếu cắt tầng 17, 18 thì không đảm bảo an toàn.
“Có những cuộc họp trên UBND TP, tôi có nói là thực ra để đảm bảo kỷ cương phép nước, kể cả phải đập toà nhà này cũng phải đập, bởi vì xây dựng sai từ móng, từ tầng 1. Nhưng chủ đầu tư rất cùn”, tờ Tri thức trực tuyến dẫn lời ông Chung nói.
|
Dự án tòa nhà 8B Lê Trực đầy "tai tiếng". |
Theo báo cáo dài 7 trang do Chủ tịch Nguyễn Đức Chung ký, lịch sử xử lý dự án 8B Lê Trực được thể hiện: Việc phá dỡ giai đoạn 1 gồm tầng 19 và tum thang được tiến hành từ tháng 11/2015 đã hoàn thành, đảm bảo an toàn, dù gặp nhiều khó khăn. UBND quận Ba Đình đã giao UBND phường Điện Biên ký hợp đồng phá dỡ tầng 19 với nhà thầu là Công ty CP hạ tầng Phương Bắc, với giá trị gói thầu là 14 tỷ đồng, trong đó ngân sách tạm 7,1 ty rđồng cho phường Điện Biên để tạm ứng cho nhà thầu.
Sau khi hoàn thành phá dỡ tầng 19, UBND TP đã có nhiều văn bản yêu cầu chủ đầu tư hoàn trả thanh toán tạm ứng cho quận Ba Đình, nhưng hiện vẫn chưa nhận được số tiền mà chủ đầu tư cam kết hoàn trả.
Mặt khác, chủ đầu tư có đơn khởi kiện Chủ tịch UBND quận Ba Đình đề nghị dừng cưỡng chế phá dỡ công trình, làm ảnh hưởng đến quá trình xử lý vi phạm. Tháng 3/2018, Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội đã đình chỉ vụ án hành chính trên.
Ngoài ra, Chủ tịch Hà Nội cũng thông tin, chủ đầu tư của toà 8B Lê Trực là Công ty cổ phần đầu tư xây dựng phát triển thương mại Kinh Đô có xây dựng 4 công trình, gồm 93 Lò Đúc, 302 Cầu Giấy, 102 Trường Chinh và 8B Lê Trực. Điều đặc biệt là... công trình nào cũng có sai phạm.
Theo tìm hiểu của Kiến Thức, UBND TP Hà Nội đã quyết định chuyển 3 hồ sơ vi phạm của chủ đầu tư này là số 8B Lê Trực, 102 Trường Chinh, 302 Cầu Giấy sang Công an TP để điều tra xử lý theo pháp luật hình sự.
… và nợ nần tai tiếng
Nói về chủ đầu tư dự án 8B Lê Trực - Công ty cổ phần đầu tư xây dựng phát triển thương mại Kinh Đô (tên rút gọn là Kinh Đô TCI Group), doanh nghiệp này không chỉ vướng vào lùm xùm vi phạm trật tự xây dựng mà còn từng bị Hà Nội bêu tên do nợ tiền thuê đất.
Cụ thể, năm 2018, trong số danh sách 272 doanh nghiệp nợ thuế, phí và tiền thuế đất với tổng số tiền trên 1.000 tỷ đồng mà Cục thuế Hà Nội đã công bố, thì có tới 260 doanh nghiệp nợ thuế, phí với số tiền 928,1 tỷ đồng và 12 doanh nghiệp nợ tiền thuế đất, với 72,97 tỷ đồng.
|
Ngoài những lùm xùm trong các dự án lớn nhỏ, Kinh Đô TCI còn vướng vào chuyện nợ thuế đất. |
Đặc biệt trong danh sách 12 doanh nghiệp nợ tiền thuế đất, thì có đến ba Công ty con của Kinh đô TCI là: Công ty cổ phần đầu tư thương mại dịch vụ Cầu Giấy - nợ với 45,8 tỷ đồng; Công ty TNHH khách sạn Kinh Đô - nợ 5 tỷ đồng; Công ty cổ phần may Lê Trực - nợ 2,1 tỷ đồng.
Tổng số tiền mà ba Công ty con Kinh đô TCI Group nợ tiền thuê đất Hà Nội khoảng 53 tỷ đồng, và con số này đã “góp công” đưa Kinh đô TCI Group trở thành doanh nghiệp dẫn đầu bị Hà Nội bêu tên năm 2018.
Ngoài danh sách nợ tiền sử dụng đất, Công ty TNHH khách sạn Kinh Đô còn nợ số tiền thuế 26,7 tỷ đồng.
Điểm chú ý nữa là ba công ty con nợ thuế đất của Kinh đô TCI Group bị bêu tên cũng chính là chủ đầu tư của ba dự án làm dậy sóng dư luận: Công ty TNHH khách sạn Kinh Đô - chủ đầu tư dự án Kinh Đô Building, Lò Đúc; Công ty cổ phần đầu tư thương mại dịch vụ Cầu Giấy - chủ đầu tư dự án Discovery Complex, 302 Cầu Giấy; Công ty cổ phần may Lê Trực - chủ đầu tư dự án 8B Lê Trực.