Những ngày gần đây, thông tin việc phá dỡ dự án 8B Lê Trực bị một số người tự nhận là khách hàng mua nhà tại dự án yêu cầu dừng phá dỡ phần công trình vi phạm đang thu hút được sự quan tâm của đặc biệt của dư luận xã hội. Và điều này cũng được ông Cồ Như Dũng – Chủ tịch UBND phường Điện Biên (Ba Đình, Hà Nội) khẳng định với báo chí.
Đồng thời, ông Dũng cũng thông tin, cùng thời điểm này, Công ty Cổ phần May Lê Trực gửi đơn tới UBND quận Ba Đình và các cơ quan chức năng đề nghị dừng việc cưỡng chế, giữ nguyên hiện trạng công trình với lý do ảnh hưởng đến những tầng bên dưới họ đã mua của chủ đầu tư.
|
Dự án 8B Lê Trực. |
Được biết, cuối tháng 3 vừa rồi, trước những lo ngại về chất lượng và tuổi thọ công trình, Công ty Cổ phần May Lê Trực đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ và Bí thư Thành ủy Hà Nội đề xuất không phá dỡ phần sai phạm, đồng thời đề xuất 3 phương án xử lý:
Phương án 1: Công ty cổ phần May Lê Trực được nhận hình thức xử phạt bằng tài chính như một số các công trình vi phạm trật tự xây dựng khác và cho phép tồn tại phần công trình đã xây dựng không đúng với Giấy phép xây dựng.
Phương án 2: Dừng việc phá dỡ phần công trình vi phạm đang thực hiện để Nhà nước, Thành phố dùng phần công trình xây dựng này vào mục đích công ích có lợi cho cộng đồng hoặc phục vụ công tác đảm bảo an ninh, quốc phòng.
Phương án 3: Cho phép Công ty cổ phần May Lê Trực được chủ động liên hệ với Hội Chữ Thập Đỏ để dùng phần công trình xây dựng sai phép vào mục đích từ thiện.
Và tại buổi đối thoại giữa chủ đầu tư và khách hàng mua nhà tại dự án được tổ chức đầu tháng 4, 3 phương án không phá dỡ theo đề xuất Công ty cổ phần May Lê Trực cũng nhận được sự chia sẻ của đông đảo khách hàng.
Theo bà Nguyễn Thị Hồng Xuân - người mua căn hộ 1002, đồng thời cũng là người đại diện cho các khách hàng mua nhà tại dự án 8B Lê Trực – cho rằng: Hiện nay các cơ quan chức năng tiến hành xử lý phần sai phạm tại toà nhà 8B Lê Trực nhưng lại chưa xem xét đến quyền lợi của người mua nhà. Việc phá dỡ phần công trình sai phạm cũng chưa có phương án rõ ràng và được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trong khi đó, chính những người mua nhà mới là người sẽ sống trong toà nhà 8B Lê Trực và sẽ phải chịu ảnh hưởng trực tiếp từ các quyết định xử lý của cấp có thẩm quyền.
Dẫn lời PGS.TS Trần Chủng, bà Xuân nhấn mạnh việc phá dỡ nhà 8B Lê Trực chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến kết cấu chung của toà nhà, làm giảm tuổi thọ cũng như chất lượng công trình. Vậy nên, nếu phần sai phạm tại dự án 8B Lê Trực buộc phải phá dỡ thì các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng của thành phố cần phải trả lời cho người dân chất lượng, tuổi thọ công trình sẽ bị ảnh hưởng đến đâu và nó có an toàn cho người sử dụng hay không.
“Việc xử lý phần sai phạm 8B Lê Trực cần phải xem xét đến quyền lợi của những người dân đã mua căn hộ tại dự án này bởi chính họ là người sẽ ăn đời ở kiếp, sống dưới ngôi nhà đó. Nếu phá dỡ mà không có phương án, sau này nhà cửa gặp sự cố rồi chúng tôi sẽ ra sao? Ai sẽ là người chịu trách nhiệm? Những điều này các cơ quan chức năng cần phải làm rõ với người dân” – bà Xuân nói.
Đặt vấn đề như vậy, các khách hàng mua căn hộ tại dự án 8B Lê Trực đã bày tỏ mong muốn các cơ quan chức năng xem xét hướng xử lý phần sai phạm này sao cho nhân văn, thấu tình đạt lý. Và quan điểm chung được đại diện các căn hộ thống nhất là không tiến hành phá dỡ phần sai phạm mà dùng để phục vụ cho các mục đích khác, có lợi cho cộng đồng, xã hội.
“Sai phạm tại dự án 8B Lê Trực là rõ ràng nhưng việc xử lý sai phạm đó có nhiều cách, không nhất thiết phải phá dỡ để biến nó từ một sản phẩm lỗi thành một sản phẩm tồi được” – bà Xuân thay mặt các khách hàng mua nhà tại dự án 8B Lê Trực nêu kiến nghị.