Trong một buổi nói chuyện, có hai cặp vợ chồng cùng chia sẻ về chuyện nhà cửa.
Đôi vợ chồng thứ nhất thì phàn nàn: "Giá nhà dạo này đắt đỏ quá. Cứ thế này làm đến mấy đời cũng chỉ đủ tiền đi thuê thôi, chẳng ăn thua gì cả."
Đôi vợ chồng thứ hai mới nói: "Không có gì khó hết, chỉ cần biết cách và quyết tâm mà thôi."
Hóa ra, họ đã lên kế hoạch tiết kiệm rất cụ thể. Vào thời điểm mới bắt đầu lấy nhau, đồng lương mỗi người chỉ được 9 triệu đồng mỗi tháng. Nếu mỗi người tiết kiệm được ít nhất 3 triệu trong tháng, vậy sau 1 năm, số tiền của cả hai sẽ là 72 triệu, sau 10 năm họ sẽ có 720 triệu. Và 20 năm sau, số tiền họ có được trong tay đã là 1,5 tỷ đồng, số tiền không lớn nhưng cũng vừa đủ để có được một tổ ấm nho nhỏ của riêng mình nếu biết thu xếp. Muốn làm được như vậy, họ đã lên kế hoạch chi tiêu cực kỳ cẩn thận và chuyển về ở cùng cha mẹ dù nhà rất xa trung tâm, đi lại vất vả, nhưng họ sẽ có khả năng dư dả để tiết kiệm nhiều hơn.
Chưa kể rằng, thu nhập của họ còn có thể tăng theo thời gian. Mỗi năm qua đi, họ lại có thêm một khoản dự phòng. Nếu công việc tiến triển tốt đẹp, các khoản thưởng thêm hàng tháng hay cuối năm cũng đủ phục vụ nhu cầu phát sinh thêm nếu có. Cộng thêm số tiền tiết kiệm đem gửi ngân hàng dần dần để lấy lãi và không tính tới giá trị lạm phát, tuy mất một khoảng thời gian không ngắn nhưng việc mua nhà sẽ không còn là ước mơ xa vời nữa.
Nghe về kế hoạch tiết kiệm cẩn thận như vậy, đôi vợ chồng thứ nhất cũng cảm thấy khả thi và quyết tâm muốn thử. Họ cùng rời khỏi cuộc hẹn với lòng háo hức về tương lai.
Rất nhiều năm sau, khi cả bốn người có dịp gặp lại nhau lần nữa. Họ hỏi han tình hình nhà cửa của nhau và rất bất ngờ khi được biết: Cặp vợ chồng thứ hai đã sắm sửa được cho mình một căn nhà nhỏ không tệ, cũng không quá xa trung tâm thành phố. Trong khi, cặp vợ chồng thứ nhất với mức thu nhập khá hơn, nhưng chỉ tiết kiệm được một phần hai số tiền họ dự tính năm xưa, đến giờ vẫn đang cùng con cái đi thuê nhà.
Khi so sánh cụ thể, họ nhận ra mình đã phạm phải hai sai lầm tài chính rất quan trọng mà không hề để ý, ảnh hưởng nghiêm trọng tới quá trình tiết kiệm lâu dài sau đây:
1. Không có thói quen kế toán
Tại sao phải xây dựng thói quen kế toán trong chi tiêu gia đình? Vì đó là cách duy nhất để bạn kiểm soát chi tiêu mỗi tháng, hiểu rõ đồng tiền đã đi vào những mục đích nào. Rất nhiều người có thói quen sử dụng tiền mặt, họ khó lòng nắm chắc ngày hôm đó mình đã tiêu bao nhiêu và tiêu cho những gì. Nhiều khoản nhỏ phát sinh sẽ không khiến họ cảm thấy áp lực về tài chính. Nhưng nếu cộng dồn lại những khoản chi không quá cần thiết, đó có thể là một con số rất lớn.
2. Không xây dựng thói quen tiết kiệm hợp lý
Trên thực tế, cách xây dựng thói quen tiết kiệm rất đơn giản, đó là không ngừng tiết kiệm, cho dù đó là nhiều hay ít. Bất kể bạn tiết kiệm được 10 ngàn đồng hay 100 ngàn đồng mỗi ngày thì đó cũng là một con số khác 0. Quan trọng là phát triển thói quen rồi bạn mới có thể tích tiểu thành đại trong lâu dài.
Nếu bạn thấy mình kiếm được rất ít, trong khi mức tiêu dùng quá cao thì hãy giảm chi tiêu lại. Nếu bạn muốn hỏi nên tiết kiệm từ bao nhiêu tuổi thì câu trả lời là "Ngay bây giờ". Nếu bạn cảm thấy mỗi ngày chỉ tiết kiệm được vài ba đồng thì chẳng có tác dụng gì, bạn đã nhầm, có rất nhiều tác dụng trong thực tế!
Tuy nhiên, nếu bạn muốn phát triển thói quen tiết kiệm lâu dài, có một số nguyên tắc bạn phải tuân theo:
Thứ nhất, chia tiền thành ba phần
Ngoài các chi phí cố định hàng tháng, bạn nên chia số tiền còn lại thành ba phần: khoản tiết kiệm, quỹ mơ ước và quỹ dự phòng theo nhu cầu của mình. Trong đó:
Khoản tiết kiệm là tiền để tiết kiệm hàng tháng, không bao giờ được dùng tới trừ những chi tiêu rất lớn hoặc rất cấp thiết, khoản tiền này có thể mang gửi ngân hàng để nhận lãi suất ổn định.
Quỹ mơ ước là số tiền dùng để thúc đẩy và phát triển bản thân, phục vụ nhu cầu tinh thần như học tập, giải trí, du lịch giải tỏa áp lực...
Quỹ dự phòng là khoản tiền dùng trong trường hợp cần thiết. Nếu không sử dụng đến, bạn có thể gộp chung với khoản tiết kiệm.
Thứ hai, chi tiêu hợp lý, hưởng thụ vừa phải
Chúng ta đã làm việc chăm chỉ để kiếm sống thì cũng có quyền đối xử tử tế với bản thân. Tuy nhiên, chi tiêu nào cũng cần có mức độ hợp lý nhất định, phù hợp với nhu cầu tài chính của bản thân. Nếu cần tiết kiệm gấp một khoản lớn, bạn nên tích cực giảm thiểu các chi tiêu giải trí không cần thiết. Ví dụ, thay vì đi cafe, xem phim cuối tuần, bạn hãy đổi sang đi dạo trong công viên, tới thư viện đọc sách...
Thứ ba, hạn chế sử dụng thẻ tín dụng
Thẻ tín dụng ngày nay trở thành công cụ thanh toán rất tiện lợi và nhanh chóng, nhưng song hành với chúng là hai nhược điểm: tiêu dùng "thẳng tay" và có khả năng tạm ứng. Vì không dùng tới tiền mặt mà chỉ cần một lần quẹt thẻ đơn giản, chúng ta chỉ coi đó như một con số chứ không có nhiều tâm lý tiếc nuối hay dè chừng.
Hãy nhớ rằng, tiết kiệm càng sớm thì bạn càng có nhiều quyền tự do lựa chọn trong tương lai. Đây không phải một quá trình dễ dàng nhưng cũng không hề khó khăn như bạn nghĩ. Điều quan trọng nằm ở quyết tâm và sự kiên trì của mỗi người. Và nếu bạn muốn đạt được tự do tài chính càng sớm càng tốt thì phải học cách quản lý tài chính hiệu quả.