Hết thời “đi đêm, áo gấm”
Năm 2015 được các chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản đánh giá là sự chấm dứt của thời kỳ “bong bóng” bất động sản, thị trường bất động sản năm 2016 đã đi vào quỹ đạo phát triển ổn định và bền vững hơn. Ở một khía cạnh khác, năm vừa qua cũng được cho là “khoảng lặng” của nhiều tên tuổi lớn trong khối doanh nghiệp nhà nước tham gia đầu tư bất động sản như: Vinaconex, HUD, Vimeco hay Sông Đà…
Thế chỗ cho những đại gia có vốn nhà nước là khối doanh nghiệp dân doanh, với sự nổi lên của hàng loạt tên tuổi mới mang theo năng lực tài chính, kinh nghiệm quản trị tích lũy được sau khoảng thời gian thị trường khủng hoảng. Vingroup, Sun Group, BRG, Novaland, Đại Quang Minh, Him Lam, M.I.K Corporation… đang là những thế lực thống trị mới của thị trường bất động sản.
Điều khác biệt đầu tiên giữa vốn nhà nước và vốn tư nhân trong lĩnh vực bất động sản là sự công khai, minh bạch về thông tin các dự án. Nếu những dự án bất động sản của các “đại gia nhà nước” trước đây thường được giấu kín, giấu kỹ, bán hàng theo kiểu “ngoại giao”, úp mở, thì nay, những đại gia mới làm mọi cách để đưa thông tin đến khách hàng. Thay vì “áo gấm đi đêm” như trước, thông tin, hình ảnh dự án hiện được “show” thật đẹp, thật kỹ. Khách hàng bây giờ luôn nhận được thêm “quà” trong mỗi hợp đồng mua bán, không phải trả tiền “chênh” như trước.
Cùng là đầu tư bất động sản nhưng sự khác biệt giữa vốn nhà nước và vốn tư nhân còn nằm ở năng lực quản trị. Kinh doanh bất động sản giờ đây không còn đơn thuần là xây nhà bán, mà là bán sức khỏe, cuộc sống và tương lai cho khách hàng. Chủ đầu tư bất động sản thay vì đi “cãi vã” về thời hạn giao nhà cho khách hàng như trước, thì giờ đây, họ bán cho khách hàng luôn cả thức ăn, nước uống, giao thông, giáo dục, mua sắm, giải trí…
Những “đại gia” sừng sững
Những doanh nghiệp “khởi nghiệp” giờ đây muốn bắt tay vào kinh doanh bất động sản sẽ phải suy nghĩ kỹ và tìm ra hướng đi phù hợp, vì thị trường đã bị bao trùm bởi những cái bóng quá lớn như: Vingroup, Sun Group, BRG, Vihajico, Gamuda Land, Novaland, Đại Quang Minh, Him Lam, FLC Group, TNR Holdings Việt Nam, HD Mon Holdings hay M.I.K Corporation…
Trong đó, Vingroup vẫn là đối thủ lớn nhất cho bất kỳ doanh nghiệp nào muốn “chia phần bánh” ở thị trường bất động sản. Dù ở Hà Nội, TP.HCM hay bất kỳ đâu trên cả nước, người ta đều dễ dàng bắt gặp dự án của Vingroup. Vingroup giờ đây gần như “khép kín” cuộc sống của khách hàng từ chỗ ở đến việc cung cấp thực phẩm, giáo dục, thương mại - bán lẻ, giải trí… Tìm hướng kinh doanh bằng việc cạnh tranh với Vingroup thời điểm này có lẽ không phải là lựa chọn khôn ngoan.
Được xem như “người anh em” với Vingroup, Sun Group, sau thành công với các dự án cáp treo Bà Nà, Khu nghỉ dưỡng Intercontinental Danang Sun Peninsula, đang tiếp tục đầu tư vào hàng loạt dự án lớn như cáp treo Sapa, Dự án căn hộ nghỉ dưỡng Premier Residences Phu Quoc Emerald Bay và Khu biệt thự Premier Village Phu Quoc Resort. Tập đoàn này vừa được Quảng Ninh trao giấy chứng nhận đầu tư Dự án công viên Đại dương Hạ Long với tổng mức đầu tư 6.000 tỷ đồng...
Với số vốn đầu tư hàng chục ngàn tỷ đồng, Dự án Khu đô thị The Manor Central Park do Bitexco làm chủ đầu tư đã cơ bản hoàn tất các thủ tục để khởi công xây dựng trong năm 2016. Dự án có diện tích 90 ha thuộc địa bàn phường Đại Kim (quận Hoàng Mai) và xã Thanh Liệt (huyện Thanh Trì), Hà Nội. Bitexco đã hoàn thiện giải phóng mặt bằng. Dự án dự kiến sẽ cung cấp cho thị trường khoảng 7.000 căn hộ chung cư, hơn 1.000 nhà thấp tầng.
Một thương hiệu khác cũng nổi lên như một thế lực mạnh mẽ là Novaland với việc công bố hàng loạt dự án tại TP.HCM như: Icon 56 và Galaxy 9 (quận 4), The Prince Residence (quận Phú Nhuận), Lexington Residence (quận 2), Lucky Dragon (quận 9). Sau khi phất lên với Dự án Sunrise City (quận 7), Novaland không giấu giếm tham vọng thống trị phân khúc căn hộ và nhà phố tại TP.HCM.
M.I.K Corporation là một tên tuổi khá mới đang nổi lên trong lĩnh vực bất động sản. Trong năm 2015, M.I.K công bố Dự án Khu căn hộ cao cấp The Park Residence. Tháng 3/2015, M.I.K ký kết cùng Tập đoàn Meliá Hotels International để ra mắt Resort Sol House Phú Quốc. Tháng 6/2015, M.I.K Corporation hợp tác cùng tập đoàn quản lý khách sạn lớn nhất thế giới InterContinental Hotels Group ra mắt resort Crowne Plaza Phú Quốc Starbay…
Còn “tân binh” TNR Holdings Việt Nam đang được giới đầu tư nhìn nhận với con mắt thận trọng, khi đơn vị này khẳng định được vai trò quản lý và điều hành một số dự án bất động sản “khủng” tại Hà Nội và TP.HCM như Goldsilk Complex, The GoldView, Goldseason, với tổng cộng gần 10.000 căn hộ. Trong các thông điệp cuối năm 2015, lãnh đạo TNR Holdings cũng tiết lộ khả năng trở thành chủ đầu tư của nhiều dự án bất động sản trong một tương lai không xa.
Bản sắc hay là… chết
Ở bất kỳ lĩnh vực nào, khái niệm công bằng cũng chỉ là tương đối và bất động sản không phải là ngoại lệ. Sự thiên vị của khách hàng dành cho các chủ đầu tư bất động sản giờ lớn đến mức gần như mê tín. Khi nói đến một dự án bất động sản nào đó, câu hỏi đầu tiên được người mua đặt ra là “dự án của ai”? Người mua sẵn sàng bỏ tiền mua nhà cho bản thân, gia đình và lôi kéo anh em, bạn bè cùng mua dự án nào đó về làm hàng xóm với nhau nếu họ thấy tốt.
Câu hỏi đặt ra cho các nhà đầu tư bất động sản hiện nay là làm cách nào để tạo nên bản sắc và dấu ấn riêng mình như cách mà Vingroup đã làm với hệ thống khu đô thị kèm dịch vụ hoàn chỉnh;
Vihajico với cảnh quan, môi trường sống sinh thái tại Ecopark; hay Gamuda Land biến vùng đất thấp trũng Yên Sở thành Khu đô thị Gamuda City với phần lớn diện tích dành cho công viên trong lành…
Sẽ là không đơn giản để tạo nên bản sắc riêng cho mỗi dự án, nhưng nhà đầu tư vẫn sẽ tìm ra cách như TNR Holdings đã làm là tạo “hệ giá trị vàng” cho chuỗi dự án của mình từ Goldmark, GoldSilk, GoldView và mới đây nhất là GoldSeason. Đó là hệ thống tiện ích riêng biệt cho mỗi dự án. Mỗi dự án được thiết kế kiến trúc với một sắc thái riêng, không lặp lại ở bất kỳ tòa nhà nào, mang đến cho khách hàng không gian sống phù hợp với từng cá nhân.
Thị trường bất động sản đang chứng kiến cuộc cạnh tranh sôi động, nhưng cũng rất khốc liệt giữa các nhà đầu tư mới và cũ. Bất động sản giờ đây không còn là “cuộc dạo chơi” của những người nắm trong tay quỹ đất nhà nước. Sức ép đổi mới đang được cụ thể hóa trong từng dự án bất động sản, mà ở đó, mỗi doanh nghiệp cần có một chiến lược riêng để đảm bảo sự tồn tại và phát triển của mình.