Với lối kiến trúc là những biệt thự đắt tiền, hiện đại nằm sau cổng nhà cổ có độ tuổi hàng trăm năm, làng Triều Khúc, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội được nhiều người mệnh danh là ngôi làng lạ lùng bậc nhất chốn kinh kỳ.
Nhiều người khi đến thăm làng Triều Khúc đều không khỏi ngạc nhiên bởi sự khác biệt mà hiếm nơi nào có được. Cùng với quá trình đô thị hóa, các biệt thự đắt tiền nơi đây mọc lên san sát. Nhưng cổng nhà cổ lạ kỳ lại được xây dựng cách đây hàng trăm năm, đa số từ thời nhà Nguyễn. Lối kiến trúc nhà mới cổng cổ được người dân Triều Khúc giữ gìn như báu vật của cả làng.
Nhà mới, cổng cũ
Dẫn chúng tôi rảo bước qua những con ngõ nhỏ quanh làng Triều Khúc, cụ Nguyễn Duy Đông (81 tuổi) vừa đi vừa trầm trồ ca ngợi về những cổng nhà cổ rêu phong, trầm mặc đã đi qua biết bao đời người. Thông thường, nhiều nơi người ta giữ lại cổng làng, tức là cái chung. Nhưng ở Triều Khúc người dân còn lưu giữ lại những cổng nhà cổ với một lý do đơn giản là đại diện cho bộ mặt của không chỉ riêng hộ gia đình nào đó mà còn thể hiện rằng, đó là nơi giàu có.
"Trước đây, nhìn vào cổng nhà là biết được gia đình đó giàu có, danh giá thế nào. Nhờ quan niệm đó mà từ xa xưa, việc chọn lựa kiến trúc và xây dựng cổng nhà được người dân Triều Khúc hết sức chú trọng", cụ Đông tâm sự.
|
Cổng cổ của gia đình anh Nguyễn Quang Quyền được xây dựng từ năm 1928. |
Đưa bước chân chậm rãi đi qua những chiếc cổng rêu phong, cụ Đông nheo nheo đôi mắt nhìn dấu tích thời gian hằn trên những dòng chữ nho phai nhạt rồi kể thêm về chiếc cổng mà gia đình còn giữ được. Theo đó, cha cụ là một thương nhân, nghệ nhân dệt có tiếng trong vùng đầu thế kỷ XX. Kinh tế khá giả nên việc xây dựng cổng nhà được cụ hết sức chú trọng, đầu tư kỹ lưỡng. Gạch xây cổng do cụ đích thân đi tận làng Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội chọn lựa. Các thợ giỏi trong vùng được chiêu mộ. Việc tìm ý tưởng và xây cất phải thực hiện trong suốt ba tháng ròng rã. Đặc biệt, cổng lắp thêm chuông để phục vụ khách hay người làng đến chơi bấm gọi. Ở giai đoạn ấy, cổng nhà nào có chuông được coi là đẳng cấp và giàu có.
"Khi xây dựng xong, cổng nhà tôi được đánh giá là công trình tuyệt hảo, nức tiếng trong cả huyện Thanh Trì. Đến nay, cổng vẫn giữ được sự nguyên vẹn như cách đây một thế kỷ. Mỗi lần ngắm nhìn nó tôi như được nhìn thấy hình ảnh của ông cha mình", cụ Đông tự hào.
Rảo bước quanh làng Triều Khúc, chúng tôi gặp Ông Nguyễn Huy Bình đang ngắm nghía chiếc cổng thuộc loại cổ nhất ở đây. Ông bảo: "Xưa kia, nhà nào có cơ ngơi khá giả hay thuộc người có chức tước trong làng mới đủ khả năng xây dựng cổng nhà kỳ công, tốn kém. Từng có một thời, cả làng chạy đua xây cổng để thể hiện sức mạnh kinh tế, vị thế gia đình. Cổng càng to đẹp, kiến trúc độc đáo thì càng thể hiện vị thế của gia chủ trong làng xã".
Ông Bình khẳng định, cổng nhà mình đã đứng vững qua năm đời người. Người đầu tiên xây cổng là cụ Cự. Khi xây, ngoài vẻ ngoài bề thế nhất làng, cụ còn cho khắc ba chữ "giai kiến chi" đại ý nói là nhà cao cửa rộng, ai cũng nhìn thấy. Sức chịu chơi của cụ khiến cả khu Tân Triều nể phục. Từ đó, mỗi khi có người phương xa hỏi thăm đến nhà cụ Cự thì lập tức dân địa phương dẫn đến tận cổng.
Theo các bô lão làng Triều Khúc thì phần lớn cổng cổ được xây dựng từ loại gạch thủ công, nung kỹ lưỡng bằng rơm rạ. Chất vữa dùng để gắn kết là hỗn hợp giữa vôi, bã mía và muối. Tùy theo khả năng và ý thích mà những chiếc cổng nhà được xây dựng bằng hai hay bốn trụ. Phía trên cùng có mái che hoặc những đường nét hoa văn được trạm khắc mềm mại, tinh tế chạy dọc từ thân lên trên mái cổng. Phần cánh cổng được làm từ loại gỗ tốt, chắc chắn như lim, nghiến. Cánh cổng thường thiết kế theo hình vòng cung, có then cài bên trong. Điểm đặc sắc không thể thiếu ở các trụ cổng là câu đối viết bằng chữ Nho, ý tứ được mượn trong văn tự cổ, nhằm răn dạy con cháu về đạo nhà, đạo làm người.
|
Bà Nguyễn Thị Oanh bên cổng cổ trên 100 năm tuổi. |
Giữ hồn cha ông
Mặc dù là điểm nhấn trong kiến trúc của người làng Triều Khúc. Nhưng việc giữ lại những cổng cổ này đang ngày càng trở nên khó khăn.
Anh Nguyễn Quang Quyền, một người dân làng Triều Khúc cho biết: Trước đây, gia đình anh sử dụng ngôi nhà ba gian, cổng cổ. Con cái lớn lên, mặc dù không muốn phá nhà cũ để xây mới, nhưng diện tích sử dụng nhỏ bé, quá tải nên gia đình đành nghĩ chuyện phá nhà cũ, xây nhà mới. Năm 2007, mặc dù trong lòng rất xót nhưng anh vẫn phải phá ngôi nhà cổ để thay thế vào đó là ngôi nhà 4 tầng, rộng rãi, khang trang để có đủ chỗ ở cho cả gia đình. Điều duy nhất anh có thể làm để không thấy hổ thẹn với tổ tiên là giữ gìn chiếc cổng đã được các cụ xây dựng từ năm 1928.
Anh Quyền cho biết thêm, nhiều gia đình đã phải họp bàn lên xuống, đấu tranh tư tưởng cả năm trời về việc giữ hay không dấu tích cha anh. Nhiều người cho rằng cổng to vướng víu, chiếm nhiều diện tích nên phá đi khiến số lượng cổng cổ ngày càng giảm.
Theo ghi nhận của chúng tôi thì hiện làng Triều Khúc có khoảng 15 cổng cổ. Nhiều cổng bị bong tróc, nứt mẻ. Tuy nhiên, các hộ dân không sửa chữa mà muốn giữ gìn nguyên trạng nét cổ kính. Khi xuất hiện các vết rạn nứt, chủ nhà chỉ trộn ít xi măng, khéo léo bít các vết nứt nhỏ lại. Các chữ Nho được viết trên bề mặt cổng nếu bị mất nét hay tróc hẳn chữ thì người dân thuê thợ viết lại.
"Năm 2004, UBND xã Tân Triều phối hợp với địa phương khảo sát tình trạng xuống cấp cổng cổ làng Triều Khúc. Cổng nào bị xuống cấp thì xã hỗ trợ kinh phí khắc phục lại. Chữ nào mờ thì khắc lại bằng chữ nổi, cổng nứt thì phải quét lại bằng vôi ve dựa theo y nét cũ".
Ông Nguyễn Huy Thắng (Trưởng thôn Triều Khúc)