Trung tuần tháng 10, phóng viên có mặt tại Khu tập thể Viện Hóa học Công nghiệp (Hà Nội). Từ nhiều năm nay, mỗi khi đề cập đến, báo chí đều dùng những cụm từ khá “nặng nề”, như “Khu tập thể chống nạng giữa Thủ đô”, “Khu tập thể gẫy xương, chờ sập ở Hà Nội”, thậm chí là “Khu tập thể đánh đu với tử thần”..., để chỉ về chung cư cũ này, nhưng nhiều người vẫn chấp nhận bỏ ra từ vài trăm triệu đến cả tỷ đồng ra để có một suất trong dãy nhà 4 tầng, mỗi phòng chỉ rộng 18m2 này.
Theo một số người dân, mặc dù khu chung cư cũ này chỉ dành bán cho cán bộ, công nhân viên nhưng vẫn có không ít chủ đầu tư chấp nhận giá đắt bỏ tiền ra mua lại suất căn hộ tại đây.
Gia đình chị Lê Thu Thủy là một trong 4-5 hộ đang số tại chung cư này như vậy. Ban đầu do điều kiện kinh tế eo hẹp cho nên tính đi tính lại, chị quyết định chọn mua chung cư cũ vì hai lẽ. Thứ nhất, có thể ở ngay và không mất tiền xây dựng. Thứ hai, những chung cư này chắc chắn sẽ sớm được cải tạo lại, khi đó gia đình chị sẽ được đề bù với mức giá hấp dẫn hơn.
“Khi mua tôi tính chung cư cũ như thế này chắc chỉ 5-10 năm nữa nhà nước sẽ cho cải tạo lại. Tuy nhiên, gia đình tôi ở đây đến nay đã gần 15 năm nhưng chưa bao giờ nghe thấy việc này”, chị Thủy ngán ngẩm nói.
Theo chị Thủy, cũng vì trót đầu tư mua chung cư cũ cho nên giờ đây gia đình chị đành chấp nhận sống trong cảnh nhà xuống cấp nghiêm trọng. Tường và trần nhà nứt, bong vữa hàng mảng và lúc nào cũng nơm nớp lo sợ.
Cùng cảnh ngộ tương tự, bỏ ra gần 2 tỉ đồng mua lại căn hộ chung cư cũ hơn 20m2 từ năm 2006 tại khu tập thể A1 Giảng Võ, anh Nguyễn Văn Mạnh cho biết, ban đầu tính ôm chung cư cũ gần cơ quan làm việc, gần trường học, giá chắc chắn sẽ lên, khi đó bán đi để mua chỗ mới nhưng ở lâu mới thấy cuộc sống chẳng khác nào địa ngục.
Theo anh Mạnh, cả dãy 4 tầng này được xây dựng từ thời kỳ bao cấp, những năm 1960. Tính đến nay, công trình này đã có tuổi đời hơn 50 năm, nhiều hạng mục đều xuống cấp nghiêm trọng.
Nhìn bằng mắt thường, người ta có thể thấy tường nhà đang bong tróc từng mảng, dù không mưa nhưng trên trần nhà đâu đâu cũng thấm, dột, các chi tiết sắt thép hoen gỉ, các dầm bê tông và cốt pha bị mục ruỗng.
“Mùa hè thì như lò bát quái, mùa mưa thì nhà ẩm thấp, nhơm nhớp. Hành lang dây điện, nước, ống nước hải chằng chịt như mạng nhện. Khu nhà lúc nào cũng tối tăm, cả tầng hơn 10 căn hộ có 2 – 3 khu vệ sinh dùng chung rất khổ sở”, anh Mạnh nói.
Mặc dù phải sống trong điều kiện như vậy nhưng anh Mạnh cho biết, người dân vẫn chấp nhận cố thủ ở đây vì hai lý do.
Thứ nhất, chung cư này gần trung tâm, đi lại thuận tiện, chỗ làm và chỗ học có sẵn. Thứ hai, dù là chung cư cũ nát, nhưng do nằm ngay trong “khu đất vàng” nên giá nhà đất tại đây rất đắt gần 100 triệu đồng/m2 nên ai cũng muốn giữ.
“Trông vậy thôi nhưng mỗi m2 ở đây được định giá từ 80 triệu đồng mà không ai muốn bán vì sợ thiệt khi Nhà nước giải tỏa, sẽ được đền bù với giá cao hơn giá thị trường”, bà Sáu, người dân sống tại khu nhà A1 Giảng Võ cho biết.
|
Khu tập thể Giảng Võ đang xuống cấp trầm trọng mỗi ngày. |
Sau 10 năm, Hà Nội mới cải tạo được 1% chung cư cũ
Theo thống kê, TP. Hà Nội hiện có khoảng 1.500 chung cư cũ, có quy mô từ 2 - 5 tầng, đa số được xây dựng từ năm 1960 đến cuối những năm 1980. Số lượng chung cư cũ tập trung nhiều nhất tại các quận: Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân…
Do đều được xây dựng cách đây vài chục năm cho nên các chung cư này hiện đã hết niên hạn sử dụng, nguy cơ xảy ra sự cố rất lớn. Đặc biệt, ở hầu hết các khu chung cư cũ, nhiều hộ dân tiến hành sửa chữa, cải tạo, cơi nới, khiến tình trạng xuống cấp diễn ra nhanh hơn.
Trước tình trạng trên, từ năm 2005, Hà Nội đã có nghị quyết về cải tạo, xây mới các khu chung cư cũ trên địa bàn. Đến năm 2013, TP tiếp tục ban hành nghị quyết về một số biện pháp xây lại các khu chung cư cũ, nhà cũ xuống cấp.
Thế nhưng, ngay cả khi đã có nghị quyết về cải tạo, xây mới chung cư cũ, việc tiến hành cải tạo, xây mới cũng không đơn giản. Theo đó, đến nay, sau 10 năm triển khai, mới chỉ có 14 chung cư cũ được cải tạo, đạt 1%.
Thực tế, việc cải tạo chung cư cũ chỉ được thực hiện theo phương thức xã hội hóa, nguồn lực chủ yếu dựa vào việc cân đối tài chính của dự án. Nhà nước chỉ hỗ trợ về công tác quy hoạch, chuẩn bị đầu tư và một số hạng mục hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội thiết yếu.
Trong khi đó, hầu hết các khu chung cư cũ lại nằm ở khu vực nội thành, bị hạn chế phát triển dân cư theo Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2050 nên khiến chủ đầu tư không mặm mà. Ngoài ra, cơ chế đền bù chưa hợp lý cũng khiến việc cải tạo chung cư cũ gặp khó.