Chia sẻ với PV VietNamNet, ông Phạm Khắc Tiệp (SN 1949) cho biết, ngôi nhà được cụ Phạm Ngọc Phả (ông nội ông Tiệp) xây dựng từ năm 1930.
So với nhiều căn biệt thự cùng thời kỳ ở miền Bắc, ngôi nhà ông Tiệp đang sở hữu không quá bề thế. Tuy nhiên, vào những năm đầu thế kỷ 20, đây được coi là ngôi nhà mơ ước của hàng nghìn người dân vùng chiêm trũng.
|
Ông Phạm Khắc Tiệp - cháu nội cụ Phạm Ngọc Phả (người xây dựng căn biệt thự vào năm 1930). |
Giải thích cho sự giàu có của gia đình, ông Tiệp kể, vào những năm 1920 - 1930, làng dệt lụa của Nha Xá rất hưng thịnh.
Người dân nơi đây đưa vải lụa đi khắp nơi buôn bán. Thị trường hấp dẫn nhất là Sài Gòn, Campuchia… Cụ Phả là người thông minh, nhanh nhẹn nên cũng nhanh chóng bắt kịp xu hướng. Cụ thu mua vải từ bà con dân làng và tích cực thuê người đến làm công cho xưởng dệt của nhà mình. Sau đó, đích thân cụ mang những xấp vải đi khắp nơi buôn bán.
|
Gờ tường phía bên ngoài căn biệt thự được trạm trổ hoa văn tinh xảo. |
Tiền kiếm được, cụ sống tằn tiện và tiếp tục đầu tư vào xưởng dệt. Người làm công cho cụ có tới hàng chục người. Trong đó có 2 người chuyên nấu cơm phục vụ thợ dệt.
Đầu năm 1930, cụ Phả thuê kiến trúc sư người Pháp thiết kế ngôi nhà này cho mình. Ngôi nhà gồm hai tầng, mái lợp ngói rộng 48m2. Toàn bộ sàn nhà, cửa sổ, cửa ra vào, cầu thang và ốp trần được làm bằng gỗ lim. Riêng ban công được thiết kế trạm trổ tinh xảo, mang đậm dấu ấn bản địa. Hệ thống cửa thông gió được các thợ mộc giỏi đục, đẽo từ khúc gỗ nguyên khối.
Nhớ lại lời kể của bố mẹ, ông Tiệp cho biết, ngày ấy, sắt thép vô cùng khan hiếm, trong nước chưa sản xuất được nên gia đình ông phải nhập từ Pháp về. Thép cây, thép dầm được vận chuyển theo sông Hồng, rồi thuê thợ rèn đến làm hàng tháng trời.
|
Căn biệt thự do kiến trúc sư người Pháp thiết kế với khoảng sân rộng rãi. |
Thời gian hoàn thành cả căn nhà mất cả năm. Chi phí xây dựng khoảng 3000 tiền Đông Dương.
Thời gian sau, cụ Phả cho xây dựng hai nhà cấp 4 nằm vuông góc với ngôi nhà chính để làm nơi ăn ở, sinh hoạt cho các thành viên trong gia đình. Ngôi nhà chính 2 tầng chỉ làm nơi thờ tự, tiếp khách.
“Vào thời chiến, do sợ bị cướp bóc, bom đạn đánh sập nhà nên ông nội của tôi đã tháo tất cả các cánh cửa, bỏ xuống ao.
Sau đó đi chạy loạn. Khi hòa bình, cụ nhắc các con vớt cánh cửa lên, lắp lại như cũ. Sau này, do nhiều biến cố thăng trầm, 2 căn nhà cấp 4 đã được dỡ đi, các vật dụng trong nhà như sập gụ, tủ quần áo bằng gỗ lim, bát đĩa cổ …cũng được mang đi bán. Riêng ngôi biệt thự vẫn được giữ lại nguyên vẹn”, ông Tiệp nói.
Đến nay, sau nhiều năm sử dụng, ngoài việc thay ngói trên mái nhà và gỡ phần trần bằng vôi rơm ở tầng 2, ông Tiệp không phải tu sửa thêm bất cứ hạng mục nào.
“Phần sàn gỗ, cầu thang gỗ, cửa gỗ đều giữ được độ bền đẹp và màu sắc càng ngày càng đen bóng”, ông Tiệp nói.
Người đàn ông này cũng cho biết, đây không phải căn biệt thự duy nhất ở làng Nha Xá được xây dựng những năm đầu thế kỷ 20. Theo ông nhẩm tính, số lượng biệt thự mà ông biết ở làng có thể lên tới vài chục căn. Tuy nhiên, theo thời gian, nhiều ngôi nhà đã bị phá bỏ, xây mới hoặc phá dỡ một phần.
Ngôi nhà ông Tiệp sở hữu được đánh giá là nguyên trạng nhất.
Chính vì điều đó, vài năm trở lại đây ông liên tục đón các đoàn sinh viên mỹ thuật, sinh viên kiến trúc và cả đoàn làm phim đến thăm quan, quay phim tại đây.
Ông cũng bật mí, có nhiều người ngỏ ý muốn mua lại căn nhà. Tuy nhiên, ông khẳng định sẽ không bán dù được trả bằng bất cứ giá nào.
“Đây là đất và nhà do tổ tiên để lại. Nó lưu giữ rất nhiều kỷ niệm của ông cha tôi và cả của tôi. Do đó, dù có thiếu thốn thế nào tôi cũng phải bảo vệ, giữ gìn nó để làm nơi thờ tự. Khách trả 1 tỷ hay 10 tỷ tôi cũng vẫn từ chối”, ông Tiệp nói.
Trao đổi với VietnamNet, ông Nguyễn Văn Thai (80 tuổi), Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi làng Nha Xá, cũng khẳng định, vào đầu thế kỷ 20, làng Nha Xá (Duy Tiên, Hà Nam) có khoảng 200 hộ gia đình nhưng có trên 20 gia đình giàu có xây biệt thự kiểu Pháp. Trong đó, cụ Phạm Ngọc Phả (ông nội ông Tiệp) là một trong những thương gia giàu có xây nhà đẹp nhất làng. Đến nay, căn nhà này vẫn giữ được gần như nguyên trạng.