Từ đó đến nay đã 30 năm có lẻ, người thầy giáo có nước da đen sạm vẫn miệt mài đi sưu tầm, bảo tồn những giá trị văn hóa của dân tộc.
Từ những chuyến đi
Sinh năm 1950 tại Thái Bình, đến lúc tròn 20 tuổi, cũng vì miếng cơm manh áo mà chàng trai trẻ Nguyễn Xuân Thắng phải tha phương cầu thực “khăn gói quả mướp” lên tận Lâm Sơn (Lương Sơn, Hòa Bình) dạy học. Ở nơi đất khách quê người, lại lần đầu tiếp xúc với những tập tục văn hóa hoàn toàn khác nên anh giáo làng quê lúa không khỏi bỡ ngỡ lẫn những run rẩy khi tiếp xúc với người dân tộc Mường.
“Người Mường ngày trước còn giữ được nguyên những giá trị cổ nên những người lạ dưới xuôi lên hầu hết đều rất lạ lẫm. Từ tiếng nói đến tập tục sinh hoạt thường ngày mình đều phải rất chú ý để hòa đồng. Đến khi biết được những tập tục ấy rồi thì tôi cảm thấy yêu mến vùng đất mà bà con dân tộc Mường sinh sống”, thầy Thắng cho hay.
Sau những buổi dạy học ở các điểm trường xa xôi, thầy Thắng lại cùng học trò của mình ngược dốc đến các bản làng xa xôi. “Đây là cách để mình khám phá phong cảnh, con người địa phương, đồng thời cũng là cách để học hỏi thêm vốn văn hóa của người Mường bản địa”, thầy Thắng chia sẻ.
|
Nhà sàn – nếp văn hóa của người Mường. |
Trong hàng trăm cái lạ lẫm, thầy Thắng cảm thấy yêu mến và cảm phục người dân tộc Mường ở phong cách làm nhà sàn. Kết quả của mỗi chuyến đi là những hiểu biết mới mà như thầy Thắng nói: “Văn hoá của dân tộc Mường thì không cho phép dựng nhà thành hàng, lối nhưng bao giờ nhà sàn cũng đều ở vị trí dựa lưng vào thế đất cao như sườn đồi hoặc sườn núi để tiện cho việc sinh hoạt”.
Nhà sàn của người Mường thường phân ra ba mặt bằng: Mặt trên cùng là gác để đựng lương thực, đồ dùng gia đình; sàn nhà là nơi sinh hoạt nghỉ ngơi; còn gầm sàn nhà dùng để các dụng cụ sản xuất và nhốt gia súc, gia cầm. Mỗi nhà có thể bày biện, trang trí khác nhau nhưng cấu trúc cơ bản về gian, buồng giống nhau.
Theo thầy Thắng, xưa kia nguyên liệu cơ bản được bà con người Mường sử dụng để dựng nhà sàn là các loại gỗ như trai, chò chỉ, nghiến, sến, táu, dổi, de, đinh, lát. Ngoài các phần chính dùng gỗ, người Mường thường dùng tre bương, hóp để làm đòn tay, đan vách. Cột nhà làm bằng gỗ tròn hoặc vuông và được chôn xuống đất sâu cả mét. Nhưng bây giờ, vì sợ mối mọt nên người dân dùng đá hoặc bê tông làm đế lót cho cột gỗ.
|
Để phục dựng được nhà sàn cổ, yêu cầu phải am hiểu văn hóa. |
Thành nhà sưu tầm
Từ những kiến thức thu lượm được sau hơn 10 năm sống và làm việc trong cái nôi sinh sống của người Mường, năm 1980 thầy Thắng bắt đầu công việc sưu tầm nhà sàn cổ. “Lúc đầu, nhiều người nói tôi bị điên. Vì chỉ bị điên mới đi làm cái việc “chở củi về rừng” như vậy. Nhưng tôi nghĩ, nếu mình không nhanh chóng làm cái việc “bị điên” ấy thì một mai sẽ mất hết những bóng dáng nhà sàn cổ”, thầy Thắng tiết lộ.
Vậy là sau những giờ dạy học trên lớp, thầy Thắng lại lang thang khắp các bản làng để nhặt nhạnh những thứ người ta vứt đi. Lúc thì cái rui, cái mè, lúc lại cái vì, cái kèo. Có khi vào xem đống củi nhà người ta, ông thầy giáo “dở hơi” ấy lại lục tung lấy những tấm gỗ bị tháo ra từ những bậc thang nhà sàn rồi trả giá mua lại.
Chỉ trong vài năm, khu vườn nhỏ của thầy Thắng đầy ắp những miếng gỗ mà chẳng mảnh nào ăn nhập với mảnh nào. Đoạn những năm 1990, có chút vốn ki cóp, thầy Thắng mua hẳn lại những ngôi nhà sàn cũ của bà con dân tộc rồi đem về dựng lại bên góc vườn. Cứ thế, cho đến bây giờ hàng trăm ngôi nhà đã được thầy Thắng mua lại để bảo tồn.
Đáng chú ý, trong số những ngôi nhà sàn ấy, có không ít là nhà Lang Mường cổ kính. Có ngôi nhà được đại gia trả giá hàng tỷ đồng. Nhưng quý hơn tất cả, là giá trị văn hóa cổ xưa của dân tộc Mường được giữ lại qua niềm yêu thích của một thầy giáo miền xuôi.
|
Có thể dựng nhà sàn bằng những loại gỗ tự trồng. |
Quyết tâm phục dựng
Trước nguy cơ nhà sàn dân tộc Mường bị tàn phá nặng nề để thay thế vào đó là những ngôi nhà xây gạch, đổ mái bê tông nặng chình chịch chềnh ềnh bên những sườn đồi, thầy Thắng đã bắt tay vào việc phục dựng những ngôi nhà sàn để bà con giữ lại nét văn hóa của dân tộc mình.
Với vốn kiến thức phong phú về kiến trúc nhà sàn dân tộc, thầy Thắng đã thành lập một đội thợ mộc chuyên phục dựng nhà sàn. Tuy nhiên, theo thầy Thắng để thuyết phục bà con làm nhà sàn là không dễ. Những tiện ích mà nhà gạch đem lại đã “ăn đứt” nhà sàn. Vả lại, rừng không còn nên nguồn nguyên liệu làm nhà sàn cũng rất hiếm hoi.
“Trong cái khó ló cái khôn. Làm nhà sàn không nhất thiết cứ phải gỗ quý, mà gỗ keo hay bạch đàn cũng có thể làm được. Thế là tôi khuyên bà con dùng gỗ từ rừng nhà trồng được để dựng. Có những ngôi nhà sàn toàn gỗ keo mà rất chắc chắn lại đảm bảo thẩm mỹ”, thầy Thắng cho biết.
|
Tấm đá kê chân cột nhà Lang Mường mà thầy Thắng sưu tập được. |
Để bà con dân tộc tin tưởng, thầy Thắng và nhóm thợ phải là những chuyên gia về nhà sàn. Ví dụ, nhà cổ của người Mường thường cấu trúc một gian hai chái, hai gian hai chái, ba gian hai chái. Các cửa sổ, kể cả cửa voóng toong (cửa sổ chính - PV) chỉ làm ở phía trước của ngôi nhà.
Theo thầy Thắng, ở bất kỳ hướng cửa sổ nào với người Mường đều được coi là thứ rất linh thiêng và là điều tối kỵ nếu phụ nữ ngồi lên cửa sổ. Cửa sổ trong tiềm thức và phong tục lâu đời của người Mường dùng để tiễn đưa những người thân trong gia đình sang thế giới bên kia.
Còn khi làm cầu thang thì bậc thang nhất thiết phải là số lẻ và được dựng ở các thế đất khác nhau. Theo quan niệm của người Mường, số lẻ của bậc thang thể hiện ước nguyện quy luật vào - ra - vào thì của cải sẽ không đi ra ngoài, gia đình luôn được êm ấm, con cháu thành đạt. Số lượng bậc có thể là 5, 7 hoặc 9 nhưng không được là số chẵn.
“Hơn chục năm trước, nhiều đại gia ở các thành phố lớn đã lên vùng dân tộc dỗ dành người dân bán nhà sàn. Cho nên nhà sàn cứ mất dần và người dân tộc cũng quên đi những nếp nhà sàn cha ông để lại. Bây giờ thì khác rồi, người dân đã hiểu được giá trị nhà sàn cổ. Với họ, còn nhà sàn là còn văn hóa, còn văn hóa là còn tổ tiên”, thầy Thắng cho biết.
Cho đến nay, thầy Thắng đã hoàn thành hàng ngàn ngôi nhà sàn ở khắp các bản làng. Mới đây, thầy còn phục dựng thành công hàng chục ngôi nhà sàn của Lang Mường ở khu thung lũng Nữ Hoàng của huyện Lương Sơn để khách du lịch có thể hiểu thêm những giá trị quý báu của dân tộc Mường Hòa Bình nói riêng và của bà con dân tộc Mường trong cả nước nói chung.
“Tuy là một thầy giáo người Kinh nhưng thầy Thắng rất tâm huyết với văn hóa dân tộc Mường. Cái công của thầy Thắng là giúp bà con giữ lại những nếp nhà sàn cổ để bảo tồn và phát huy văn hóa đặc sắc của dân tộc đang ngày càng mai một”.
Ông Hoàng Ngọc Kiều (Chủ tịch UBND xã Lâm Sơn)