Khối bất động sản khủng tai tiếng của ông Võ Nhật Thăng Vietracimex

Google News

(Kiến Thức) - Ông Võ Nhật Thăng - Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Cổ phần Thương mại Xây dựng Vietracimex sở hữu đến hơn 90% cổ phần của công ty. Doanh nghiệp của ông Thăng cũng là chủ đầu tư của nhiều dự án bất động sản lớn. 

Ông Võ Nhật Thăng là Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Cổ phần Thương mại Xây dựng (Vietracimex). Trước đây, ông Thăng từng giữ "ghế" Chủ tịch HĐQT Vietracimex 8 (Chủ đầu tư dự án xây dựng quốc lộ 2, đoạn tránh TP Vĩnh Yên) trước khi chuyển giao lại cho ông Vũ Đức Toàn từ cuối năm 2017.
Vietracimex tiền thân là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, được thành lập năm 1999, trực thuộc Bộ GTVT. Ông Võ Nhật Thăng trước đó được cử làm đại diện phần vốn nhà nước tại Tổng công ty. Ông Thăng được dư luận biết đến sau khi thâu tóm 93,37% cổ phần của Vietracimex khi Tổng công ty này được cổ phần hóa.
Kể từ đó, Vietracimex nhanh chóng trở thành một tên tuổi lớn, không chỉ ở miền Bắc mà còn vươn mạnh vào khu vực phía Nam. Tổng công ty hoạt động theo hướng kinh doanh đa ngành, hiện tại sở hữu 15 công ty thành viên, hoạt động trong 4 lĩnh vực chính: Bất động sản, Sản xuất công nghiệp, Năng lượng và Thương mại dịch vụ.
Tính tới cuối năm 2016, vốn góp thực của Vietracimex là 3.712,4 tỷ đồng, trong đó riêng ông Võ Nhật Thăng sở hữu 87,85%.
Đầu tháng 8/2018, ông Võ Nhật Thăng gia tăng tỷ lệ chi phối lên mức 99,988%, hai cổ đông còn lại là ông Vũ Đức Toàn (0,011%) và bà Vũ Thị Mai Loan (0,001%). Vốn điều lệ của Tổng công ty Vietracimex lúc này là 5.510 tỷ đồng.
Xây dựng và bất động sản là lĩnh vực mũi nhọn của Vietracimex. Doanh nghiệp này hiện là chủ đầu tư một loạt dự án như: Dự án đình đám Hinode City, 201 Minh Khai, Hai Bà Trưng, Hà Nội, nơi đăng ký trụ sở của Tổng công ty và các công ty thành viên; dự án KĐT Kim Chung – Di Trạch (Hoài Đức, Hà Nội); Trung tâm văn phòng và khách sạn 5 sao Lạng Sơn; KĐT Bình Khánh Bình Thạnh (TP HCM); Lô 2 (1.570 căn hộ) khu tái định cư 38,4ha tại KĐT mới Thủ Thiêm (TP HCM); Tòa nhà văn phòng Vietracimex 926 Bạch Đằng, Hà Nội; dự án Sunrise VNT Phú Quốc; dự án Phạm Hùng (Mỹ Đình, Hà Nội); Hanoi Golf Club (Sóc Sơn, Hà Nội)…
Tuy nhiên, trong số này, không ít dự án dính "phốt" gây xôn xao dư luận.
Cụ thể, dự án KĐT Kim Chung – Di Trạch (Hoài Đức, Hà Nội) "đắp chiếu" gần chục năm nay.
Khoi bat dong san khung tai tieng cua ong Vo Nhat Thang Vietracimex
 Dự án KĐT Kim Chung – Di Trạch của Vietracimex bỏ hoang nhiều năm. Ảnh: Vietimes. 
KĐT Kim Chung – Di Trạch được khởi công từ cuối năm 2008, có diện tích lên tới hơn 170 ha nằm trên quốc lộ 32, dự kiến sẽ phục vụ cho khoảng 30.000 người ở. Thế nhưng sau gần chục năm, dự án này vẫn bất động trong hoang vu, chôn theo hàng nghìn tỷ của giới đầu cơ, hiện mới chỉ hoàn thành một phần hạ tầng và xây dựng được một vài block nhà liền kề, biệt thự. Theo ANTT.vn, dự án bị dừng triển khai do chủ đầu tư gặp khó khăn về tài chính.
Mới đây, dự án được UBND TP. Hà Nội phê duyệt điều chỉnh mở rộng thêm 8,6ha.
Ngoài dự án khu đô thị Kim Chung – Di Trạch, Vietracimex còn là chủ đầu tư Dự án Minh Khai City Plaza (địa chỉ tại 201 Minh Khai, phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội).
Khoi bat dong san khung tai tieng cua ong Vo Nhat Thang Vietracimex-Hinh-2
Dự án Minh Khai City Plaza dính nhiều lùm xùm. Ảnh: Antt. 
Năm 2017, dự án Minh Khai City Plaza dính "lùm xùm" khi nhiều gia đình xung quanh dự án này lên tiếng rằng nhà của họ có nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào do ảnh hưởng từ việc thi công xây dựng Minh Khai City Plaza.
Ngày 14/3/2017, Đội Thanh tra Xây dựng quận Hai Bà Trưng đã phát hiện phía chủ đầu tư (Vietracimex) của dự án chưa xuất trình được bằng cấp, chứng chỉ của các thành viên lãnh đạo của Ban quản lý dự án. Không những vậy, Giấy chứng nhận đầu tư số 01122001030, chứng nhận ngày 23/9/2011 cũng đã hết hạn do chậm tiến độ.

Đến ngày 26/4/2017, Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội cũng đã lập biên bản kiểm tra công tác đảm bảo an toàn lao động và vệ sinh môi trường số 03/BBKT – TTr trên công trường thi công. Tại thời điểm kiểm tra, tổ công tác thấy chưa có biển cảnh báo nguy hiểm và hàng rào tại một số vị trí hố sâu. Chưa có chấp thuận của Sở Xây dựng đối với các cần trục tháp (số 5 và số 6) hoạt động vượt phạm vi công trường. Ngay sau khi kiểm tra tại hiện trường, lực lượng chức năng đã lập biên bản vi phạm hành chính với các lỗi: Nhà thầu thi công công trình vi phạm về an toàn trong thi công xây dựng không có biển báo an toàn (tại vị trí trục ( PX – PW) và ( P6’ – P12’).
Mời độc giả xem video: Hà Nội phê duyệt dự án tuyến đường đắt nhất hành tinh. Nguồn: Youtube.
Một dự án khác gây "chấn động" dư luận năm 2014 là sự cố sập hầm Đạ Dâng (Lâm Đồng) do Tổng công ty Vietracimex là chủ đầu tư. Sự cố sập hầm này từng khiến 12 công nhân mắc kẹt.
Khoi bat dong san khung tai tieng cua ong Vo Nhat Thang Vietracimex-Hinh-3
Sự cố sập hầm  Đạ Dâng  (Lâm Đồng) khiến 12 công nhân mắc kẹt. Ảnh: Đời sống pháp luật. 
Khi xảy ra sự cố, chủ đầu tư là Vietracimex bặt vô âm tín và chỉ thực sự xuất hiện khi mọi việc đã "ổn ổn". Cụ thể, ngày 22/12/2014, ông Võ Nhật Thăng chính thức lên tiếng xin lỗi lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng và người dân vì đã để xảy ra sự cố. Theo ông Thăng, sự cố xảy ra là bất khả kháng, do yếu tố tự nhiên vì địa chất yếu.
Ngoài những dự án này, Vietracimex đang đầu tư vào môt loạt dự án năng lượng như: Thủy điện Đạ Dâng – Đa Chomo, tỉnh Lâm Đồng; Thủy điện Mỹ Lý, tỉnh Nghệ An; Thủy điện Nậm Mô 1, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An; Nhà máy điện mặt trời Hồng Phong 1, Hồng Phong 2, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận; Nhà máy điện gió Hòa Thắng 1.2, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận;
Vietracimex đồng thời sở hữu nhà máy bột đá siêu mịn Trung Đức quy mô 7ha tại Nghi Lộc, Nghệ An; nhà máy bột đá siêu mịn VNT tại Khu kinh tế Nam Cấm (Nghệ An).
Hoàng Minh

>> xem thêm

Bình luận(0)