KĐT xanh, mát bị lãng quên
Báo cáo mới nhất của CBRE cho thấy, thị trường phía Tây Hà Nội quý 1/2017 tiếp tục diễn biến sôi động, chiếm khoảng 36% nguồn cung mới trên thị trường và dự báo phía Tây vẫn sẽ tiếp tục thống lĩnh nguồn cung.
Tuy nhiên thực tế, vẫn có nhiều KĐT ở phía Tây Hà Nội đang bị lãng quên. Cách trung tâm Hà Nội khoảng 25km KĐT Sunny Garden City (nằm ở xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai) do Tập đoàn CEO Group làm chủ đầu tư, được quảng cáo là thiết kế hiện đại với không gian cây xanh bao phủ, bên trong đó tích hợp nhiều tiện ích mà bất kỳ nơi nghỉ dưỡng cao cấp ở Việt Nam đang có.
|
KĐT Sunny Garden City đã hoàn thiện cơ bản nhưng vẫn vắng bóng người đến định cư. Khách hàng băn khoăn có nên mua Sunny Garden City? |
Thế nhưng sau gần 10 năm hoạt động, Sunny Garden City vẫn bao trùm bởi sự hoang vắng đến lạnh người. Nhiều căn nhà cao tầng được ví như "biệt thư ma" vì không có người đến ở trong nhiều năm liền.
Theo tìm hiểu của Đất Việt, một số hạng mục trong KĐT Sunny Garden City đã hoàn thiện nhưng phần lớn vẫn đang trong tình trạng thô, chưa có người tới ở. Hiện tại, chỉ có khu vực bể bơi, vườn chơi trẻ em chính thức đi vào hoạt động.
Một nhân viên chăm sóc môi trường trong dự án cho biết: "Phần lớn các căn biệt thự ở đây đã xây xong nhưng không hiểu vì sao vẫn chưa có người về ở. KĐT chỉ nhộn nhịp vào cuối tuần khi nhiều lượt khách tới chơi. Phần đa đó là những người ở xung quanh khu vực".
KĐT Nam An Khánh, Geleximco, Thiên đường Bảo Sơn cùng nằm trên trục đường Đại lộ Thăng Long với KĐT Sunny Garden City, mặc dù ở gần trung tâm TP. Hà Nội hơn những cũng chịu chung số phận hoang lạnh.
Nhiều căn biệt thự liền kề tại khu vực Thiên đường Bảo Sơn đóng cửa 24/24h. Thậm chí hàng trăm căn biệt thự tại đây còn chưa vào vôi áo, bỏ hoang để người lao động tự do ra vào, ngủ lại sinh sống trong thời gian dài.
|
Sau 9 năm xây dựng, KĐT Sunny Garden City vẫn còn nhiều hạng mục chưa xong, trơ khung thép. |
Nhận xét về việc này, ông Phạm Gia Hưng - Giám đốc một công ty chuyên mối giới bất động sản ở TP. Hà Nội cho biết, thời điểm các KĐT trên xây dựng là giai đoạn tỉnh Hà Tây cũ chuẩn bị sát nhập vào Thủ đô Hà Nội, chính vì thế cơn sốt đất lên cao.
"Nhiều nhà đầu tư đã bỏ hàng chục, hàng trăm tỷ đồng về các khu đô thị này. Nhưng đến khi xây xong, giá bất động sản giảm mạnh. Từ đó dẫn đến tình trạng "ở không được, bán cũng chẳng xong" - ông Hưng cho biết.
Khách sợ cứ mưa ngập
Để giải quyết tình trạng hoang lạnh tại Sunny Garden City, ban lãnh đạo Tập đoàn CEO Group đã phải chuyển đổi một phần đất trong dự án để xây nhà ở xã hội. Ngoài ra, năm 2017 CEO Group còn đề ra chiến lược chủ trọng tới việc phát triển khách hàng cá nhân - những người có nhu cầu ở thực.
Tuy nhiên, giải pháp này cũng chưa thực sự đem lại hiệu quả vì khách hàng lo ngại vị trí quá xa trung tâm Thủ đô Hà Nội, các tiện ích như chủ đầu tư quảng bá chưa biết bao giờ mới thành hiện thực.
Được biết Sunny Garden City còn xa hơn Nam An Khánh, Geleximco, Thiên đường Bảo Sơn nhiều km.
|
Tình trạng cứ mưa là ngập tại Thiên đường Bảo Sơn khiến nhiều người lo ngại sẽ xảy ra với KĐT Sunny Garden City trong tương lai. |
Đặc biệt, sau hai trận mưa lớn trong ngày 13/7 và 17/7 khiến nhiều vùng TP. Hà Nội chìm trong nước, trong đó ngập nặng nhất lại là các KĐT vị tinh ở xa Thủ đô như Nam An Khánh, Geleximco, Thiên đường Bảo Sơn.
Các chuyên gia xây dựng cho rằng, khu vực này "cứ mưa là ngập" do xây dựng trên nền ruộng lúa, ao hồ trước đây là vùng trũng.
Các chủ đầu tư mạnh ai nấy làm, công tác giám sát kém, không thực hiện đúng quy hoạch dẫn đến chỗ thấp, chỗ cao.
Chính vì thế, nhiều người lo sợ trong tương lai KĐT Sunny Garden City cũng chịu cảnh ngập úng tương tự. Hoặc nếu không ngập thì mỗi lần mưa thì không thể di chuyển được vào nội đô vì KĐT Nam Anh Khánh, Geleximco ngập lụt ra cả khu vực đường Đại lộ Thăng Long.