Đại gia Hàn Quốc nếm trái đắng thị trường BĐS Hà Nội

Google News

(Kiến Thức) - Là một trong những dự án “ngoại” đình đám nhất năm 2007 với tổng vốn đầu tư 171 triệu USD nhưng hiện Booyoung Vina vẫn chỉ là bãi đất hoang tàn.

“Siêu” dự án loay hoay trong vũng lầy
Thời điểm năm 2007, nhắc đến Booyoung Vina tại khu đô thị Mỗ Lao (Hà Đông, Hà Nội) do Công ty TNHH Booyoung Việt Nam - Hàn Quốc làm chủ đầu tư, người trong giới bất động sản (BĐS) ai cũng phải trầm trồ bởi quy mô của siêu dự án này.
Theo lời giới thiệu của chủ đầu tư trong buổi lễ khởi công hoành tráng vào tháng 2/2007, Booyoung Vina gồm các chung cư cao tầng hiện đại, với 553.683 m2 diện tích sàn xây dựng trên tổng diện tích đất hơn 4,3 ha tại. Khu chung cư sẽ có 6 toà nhà cao 30 tầng và 3 tầng hầm. Dự án có tổng mức đầu tư 171 triệu USD và dự kiến hoàn thành, đưa vào sử dụng trong năm 2010…
 Phối cảnh "siêu" dự án  Booyoung Vina.
Tuy nhiên, có vẻ như không chỉ nhiều doanh nghiệp BĐS trong nước sống dở, chết dở mà ngay cả nhà đầu tư “ngoại” đến từ Hàn Quốc này cũng đang phải nếm trái đắng từ việc thị trường BĐS đóng băng suốt thời gian qua.
Trong suốt 7 năm, Booyoung Vina loay hoay trong mớ bòng bong hết xin điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư, tái khởi công rồi lại xin điều chỉnh quy mô căn hộ nhưng dến nay, “siêu” dự án này vẫn là bãi đất trống với tường tôn bao quanh. Theo quan sát của phóng viên, hiện khu đất “vàng” của quận Hà Đông chỉ có vài chiếc cần cẩu nằm ngổn ngang đang dần gỉ sét để lại từ ngày khởi công. Những khu đất còn lại được quây tôn cho thuê làm điểm đỗ xe hoặc dùng để tập kết vật liệu xây dựng.
 Dự án  Booyoung Vina hiện chỉ là bãi đất trống.
Cụ thể, năm 2010, khi Chính phủ đồng ý cho phép 244 đồ án trên địa bàn Hà Nội được phép tiếp tục triển khai, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội đã yêu cầu các chủ đầu tư nộp đồ án, hồ sơ để rà soát khớp nối, nhưng Dự án Booyoung Vina là một trong 101 đồ án quy hoạch, dự án đầu tư xây dựng không nộp hồ sơ để rà soát khớp nối hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.
Sau đó, Công ty TNHH Booyoung đã có văn bản đề nghị xin điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư, với nội dung xin chuyển quyền đầu tư dự án sang cho nhà đầu tư mới là Booyoung Housing Co., Ltd (Hàn Quốc) - công ty con trực thuộc Công ty TNHH Booyoung (Hàn Quốc).
Được phép điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư, ông chủ “ngoại” Hàn Quốc tiếp tục làm “màu” với một lễ “tái” khởi công hoành tráng vào tháng 7/2011 nhưng rồi dự án lại nằm im bất động và lọt vào danh sách “đen” các dự án chậm tiến độ của UBND thành phố Hà Nội. Tháng 5/2013, UBND Thành phố Hà Nội đã có văn bản nhắc nhở các quận, huyện tăng cường giám sát các dự án BĐS có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại địa phương. Trong đó, Khu chung cư quốc tế Booyoung của Công ty TNHH Booyoung Việt Nam đã được điểm mặt chỉ tên.
Mới đây, tháng 12/2013 Công ty TNHH MTV Booyoung Việt Nam lại tiếp tục kiến nghị được điều chỉnh cơ cấu căn hộ theo Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ. Cơ cấu điều chỉnh được áp dụng cho toàn bộ các tòa nhà CT-02, CT-03, CT-04, CT-05, CT-06, CT-07 của dự án này.
Đề nghị này đã được Bộ Xây dựng ủng hộ bằng văn bản đề nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo các cơ quan chức năng của Thành phố, căn cứ vào các quy định tại Thông tư số 02/2013/TT-BXD, Văn bản số 1245/BXD-KHCN ngày 24/6/2013 của Bộ Xây dựng hướng dẫn chỉ tiêu kiến trúc áp dụng cho công trình nhà ở cao tầng, thực hiện các bước tiếp theo, đẩy nhanh tiến độ việc điều chỉnh cơ cấu căn hộ của dự án nhằm đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người dân trên địa bàn.
Không rõ sau lần điều chỉnh tiếp theo này, liệu số phận của Booyoung Vina có được thay đổi?
 Liệu  Booyoung Vina có đổi vận?
Đại gia “ngoại” cũng đói vốn?
Để dự án nằm im bất động một thời gian, cũng giống như hầu hết các dự án chậm tiến độ khác chủ đầu tư Booyoung Vina bị dính vào nghi án đói vốn.
Tuy nhiên, trả lời báo chí, ông Lê Việt Dũng, Trưởng phòng Quản lý dự án (Công ty Booyoung Vina) vẫn một mực khẳng định, Booyoung Vina chậm tiến độ là do hoàn cảnh khách quan, còn chủ đầu tư có đủ năng lực tài chính để thực hiện dự án này bởi Booyoung là một trong 30 tập đoàn lớn nhất của Hàn Quốc chuyên về lĩnh vực BĐS. Để thực hiện dự án này, Công ty Booyoung Vina đã đưa ra Chứng chỉ tiền gửi tại Ngân hàng Hana Bank (Hàn Quốc), với khoản tiền 134 triệu USD (tính đến ngày 6/4/2011).
“Công ty Booyoung Vina có đủ tài chính để thực hiện Dự án. Thậm chí, trong trường hợp xây xong Dự án, nếu thị trường không tốt, Công ty vẫn có thể phát triển theo hướng cho thuê nhà, mà không cần phải huy động vốn của nhà đầu tư Việt Nam”, ông Dũng nói.
Lý do khách quan mà Booyoung Vina đưa ra là do quá trình mở rộng Thủ đô Hà Nội, diện tích dự án Booyoung Vina bị điều chỉnh từ hơn 5,3ha xuống còn hơn 4,3ha. Các thủ tục điều chỉnh dự án, điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư, thủ tục giãn tiến độ thực hiện… khiến dự án chậm trễ so với mục tiêu ban đầu.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực BĐS cho rằng đó chưa hẳn là nguyên nhân chính mà thực tế là Booyoung Vina đã cạn vốn do chưa đủ điều kiện để huy động vốn góp, chủ đầu tư đã mất đi kênh huy động quan trọng mà các doanh nghiệp FDI vẫn thường làm đó là huy động nguồn vốn tại nước sở tại.
Câu chuyện của Booyoung Vina có thể coi là một bài học điển hình về trái đắng các dự án FDI BĐS mang lại. Mải mê chạy theo những số vốn đăng ký trên trời, bỏ qua hình thức ký quỹ, thực chất các dự án này mang lại chẳng bao nhiêu.
Theo GS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, tất cả dự án BĐS đăng ký vốn đầu tư lên đến hàng tỷ USD thực chất cũng chỉ đưa vào Việt Nam vài chục hoặc vài trăm triệu USD để xây dựng, sau đó nhà đầu tư sẽ bán sản phẩm và xoay vòng vốn đầu tư.
Minh Tùng

Bình luận(0)