Như Kiến Thức đã thông tin, dự án chung cư Sakura Tower do Công ty CP Hùng Tiến Kim Sơn làm chủ đầu tư được cấp phép từ tháng 1/2012 nhưng chủ đầu tư đã cố tình xây dựng trước đó từ lâu (Quý IV/2009). Đến thời điểm được cấp phép, dự án này đã xây dựng đến tầng thứ 20.
Điều đáng nói là chung cư Sakura Tower 47 Vũ Trọng Phụng dù đã đưa vào sử dụng nhiều năm nay nhưng những tồn tại và hậu quả để lại cho người mua nhà còn rất nhiều. Cụ thể, những vi phạm về xây vượt tầng, không đúng quy hoạch, sử dụng không đúng mục đích... của chủ đầu tư đã khiến 78 căn hộ trái phép tại đây không được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở (sổ hồng).
Trao đổi xung quanh vấn đề này, luật sư Bùi Khắc Toản, Giám đốc Công ty Luật TNHH 4.1 và Cộng sự, đoàn luật sư TP. Hà Nội cho biết, gần 1/3 tổng số căn hộ của Sakura Tower không được cấp giấy chứng nhận là quá lớn đối với một dự án nhà chung cư, chứng tỏ sai phạm nghiêm trọng. Việc này cần được thanh tra, kết luận và giải quyết tháo gỡ đảm bảo quyền lợi cho người mua.
Ông Toản phân tích: Theo khoản 4 Điều 6 Nghị định 99/2014/NĐ-CP quy định: “Trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận cho chủ sở hữu nhà ở được thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai; chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở có trách nhiệm làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận cho người mua, thuê mua nhà ở; trường hợp người mua, thuê mua nhà ở tự nguyện làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận thì chủ đầu tư phải cung cấp hồ sơ và các giấy tờ pháp lý có liên quan đến nhà ở mua bán, thuê mua cho người mua, thuê mua nhà ở”.
|
Vi phạm của chủ đầu tư là Công ty Hùng Tiến Kim Sơn khiến hàng chục căn hộ không được cấp sổ hồng tại chung cư Sakura Tower |
Việc 78 hộ chung cư ở Sakura Tower chưa được cấp giấy chứng nhận do nhiều nguyên nhân, có thể do những vi phạm như: Chủ đầu tư chưa nộp đủ hồ sơ, chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính; Chủ đầu tư xây dựng không đúng bản vẽ thiết kế đã được phê duyệt; Chủ đầu tư chưa hoàn tất thủ tục điều chỉnh thiết kế kiến trúc…
Trong trường hợp Chủ đầu tư là công ty Hùng Tiến Kim Sơn chưa hoàn thành xong thủ tục pháp lý phần diện tích ngoài thiết kế, quy hoạch kiến trúc đã bán phần diện tích đó, người mua nhà nếu mua vào diện tích vi phạm thì cơ quan Nhà nước sẽ từ chối cấp sổ hồng cho các căn hộ này.
"Hậu quả để xảy ra sự việc này trước hết là do vi phạm của chủ đầu tư, bên cạnh đó là trách nhiệm kiểm tra thanh tra giám sát của cơ quan chức năng đã buông lỏng để chủ đầu tư vi phạm", ông Toản nhận định.
|
Chung cư Sakura Tower 47 Vũ Trọng Phụng. |
Cũng theo ông Toản, đối với các dự án nhà có vi phạm đã đưa vào sử dụng, hiện Thanh tra Bộ Xây dựng vẫn xem xét xử phạt cho tồn tại căn cứ theo Nghị định 121/2013/NĐ-CP ngày 10/3/2013; Chương 5 Nghị định 43/2014/NĐ-CP Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của luật Đất đai. Theo đó, đại diện các hộ cần làm văn bản kiến nghị UBND thành phố, cụ thể là Sở Xây dựng Hà Nội để có ý kiến trả lời, hướng dẫn.
Cùng quan điểm, một chuyên gia khác về lĩnh vực bất động sản cũng khẳng định, hiện nay, những quy định về việc cấp sổ hồng rất rõ ràng, người mua phải nghiên cứu rất kỹ về pháp lý của dự án và uy tín của chủ đầu tư. Tuy nhiên, theo chuyên gia này thì việc hạn chế rủi ro và xử lý hành vi vi phạm căn cứ theo hợp đồng ký kết giữa chủ đầu tư với người mua và quy định của pháp luật. Đồng thời, trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước cũng cần phải có. "Không thể xem đó chỉ là mối quan hệ đơn thuần giữa người mua nhà và chủ đầu tư được, do người mua không thể tự kiểm soát hết được những rủi ro trong giao dịch. Vì vậy, các cơ quan quản lý cũng phải có trách nhiệm giám sát kỹ chủ đầu tư để bảo vệ quyền lợi chính đáng của khách hàng", vị này nói.