Thông tin này đăng tải trên Tạp chí Bất Động Sản Việt Nam. Cũng theo thông tin này thì kiến nghị này của Sở Xây dựng nhằm theo chỉ đạo của lãnh đạo UBND TP Hà Nội. Đồng thời, Sở này cũng buộc chủ đầu tư trả lại đúng mục đích sử dụng hàng ngàn mét vuông chung cư.
Theo đó, hàng loạt dự án lớn xây vượt tầng so với giấy phép xây dựng (GPXD) được cấp, xây vượt diện tích đấu thầu được phê duyệt, rất nhiều tầng được chủ đầu tư ngang nhiên sử dụng sai mục đích... Tất cả những vi phạm trên đã giúp chủ đầu tư thu lợi bất chính nhiều năm nhưng không được xử lý kịp thời.
Capitaland Hoàng Thành "dính" nhiều sai phạm
Điển hình như, dự án Khu chung cư Capitaland - Hoàng Thành tại Lô CT-08, Khu đô thị Mỗ Lao (Hà Đông) do Công ty TNHH Capitaland - Hoàng Thành làm chủ đầu tư được điều chỉnh tăng số lượng căn hộ từ 992 căn lên 1.478 căn nhưng chưa nộp bổ sung phí xây dựng.
Theo thông tin trên phapluatplus.vn vào tháng 4/2017, Capitaland –Hoàng Thành là liên doanh giữa Công ty CVH Cayman 1 Limited (Singapore) và Công ty CP Đầu tư và Phát triển hạ tầng Hoàng Thành (Việt Nam) - Chủ đầu tư. Nhà thầu là Công ty CP xây dựng công trình Trung Quốc (CSCEC).
Tại kết luận thanh tra của Sở Xây dựng từ năm 2015, Dự án Khu chung cư và Thương mại dịch vụ hỗn hợp Capitaland Hoàng Thành được biết đến với cái tên Dự án chung cư cao cấp Mulberry Lane bao gồm 5 tòa nhà A, B, C, D, E cao 27-34 tầng với 1.478 căn hộ cao cấp có tổng vốn đầu tư 260 triệu USD. Trong đó, tổng số vốn góp là hơn 911 tỷ (tương đương trên 54 triệu USD), Cayman 1 góp 70% và Hoàng Thành góp 30% vốn điều lệ.
|
Dự án Mulberry Lane -Hà Đông. Ảnh: CafeF. |
Các sai phạm được nêu rõ: Chủ đầu tư chưa kê khai và nộp phí xây dựng theo quy định của pháp luật (trị giá hơn 6,88 tỷ đồng). Chủ đầu tư đã thực hiện điều chỉnh quy hoạch và cơ cấu căn hộ ảnh hưởng tới diện tích kinh doanh, tuy nhiên lại chưa làm việc với cơ quan có thẩm quyền để xác định lại nghĩa vụ tài chính, thi công và chuyển đổi chức năng một số vị trí tại tầng 1 chưa phù hợp với phương án kiến trúc được phê duyệt. Đồng thời, Thanh tra Sở Xây dựng còn phát hiện nhiều sai sót của các nhà thầu trong quá trình thực hiện hai dự án này.
Như vậy, việc chủ đầu tư chưa kê khai và nộp phí xây dựng theo quy định của pháp luật , điều chỉnh lại quy hoạch và cơ cấu căn hộ nhưng chưa làm việc với cơ quan quản lý xác định lại nghĩa vụ tài chính số căn hộ được điều chỉnh tăng, cụ thể là từ 992 lên 1.478 căn đã có kết luận thanh tra của sở xây dựng từ năm 2015. Đến lần thanh tra mới đây nhất, dự án Capitaland Hoàng Thành vẫn nằm trong danh sách điển hình vi phạm.
Nhiều “ông lớn” bất động sản khác cũng bị truy thu
Ngoài Capitaland –Hoàng Thành, nhiều “ông lớn” bất động sản “vượt rào” khác cũng bị truy thu. Đơn cử như:
Dự án Đầu tư xây dựng khu nhà ở kết hợp dịch vụ công cộng (Nhà A) thuộc Khu đất đấu giá đường Nguyễn Tuân (Thanh Xuân) do Công ty CP Xây dựng và Thiết bị vật tư Hà Nội I làm chủ đầu tư, cũng bị phát hiện hàng loạt vi phạm, gồm: Tổ chức thi công sai so với quy hoạch tổng mặt bằng và phương án kiến trúc được chấp thuận; Tăng diện tích đất xây dựng 248,5m2, do xây dựng thêm ra ngoài diện tích trúng đầu giá; Xây dựng thêm tầng 10 và 11 bố trí thành 13 căn hộ.
Vi phạm đã làm tăng tổng diện tích sàn xây dựng của dự án thêm từ tầng 2 đến 11, là 1.768m2. Thay đổi công năng sử dụng, tự ý chuyển đổi 480m2 tầng hầm từ để xe sang kinh doanh dịch vụ.
Tiếp đó là Dự án Khu nhà ở cao tầng kết hợp dịch vụ Sakura Tower 47 Vũ Trọng Phụng (Thanh Xuân) do Công ty CP Hùng Tiến Kim Sơn làm chủ đầu tư đã tổ chức thi công xây dựng sai nội dung GPXD. Chuyển phòng sinh hoạt cộng đồng tại tầng 1 thành siêu thị. Tầng kỹ thuật 1 (giữa tầng 2 và 3) chuyển đổi thành văn phòng làm việc, tầng kỹ thuật 2 (giữa tầng 11 và 12) chuyển đổi thành căn hộ… làm số lượng căn hộ tăng thêm 64 căn.
Hay Dự án Khu nhà ở để bán 141 Trương Định (Hai Bà Trưng) do Công ty CP Đầu tư xây dựng Ba Đình làm chủ đầu tư, xây dựng tăng 249m2, ở khối nhà thấp tầng, có 1 hộ dân lấn chiếm xây dựng 1 công trình kết cấu gạch, mái tôn với diện tích xây dựng 94,5 m2 không phép ngay trên bể nước công cộng.
Ngoài ra, còn 9 dự án có vi phạm phức tạp chưa được đề xuất phương án xử lý do chủ đầu tư đã liên tục thiếu hợp tác với cơ quan chức năng.
Cụ thể, Dự án nhà làm việc và chung cư cao tầng cho cán bộ công nhân viên tại địa chỉ số 143 ngõ 85 phố Hạ Đình (Thanh Xuân) do Công ty CP đầu tư kinh doanh NDP làm chủ đầu tư; Dự án khu nhà ở 229 phố Vọng (Hai Bà Trưng), do Công ty Đầu tư xây lắp và Phát triển nhà - Ban Tài chính Quản trị Thành ủy Hà Nội làm chủ đầu tư;
Dự án khu nhà ở cán bộ chiến sỹ Cục BI2, Tổng Cục 5 - Bộ Công an tại phường Xuân La (Tây Hồ) và phường Nghĩa Đô (Cầu Giấy) do Cục B31, Tổng cục 5 Bộ Công an làm chủ đầu tư; Tòa nhà chung cư CT5A, CT5B và CT6 Khu nhà ở Văn Khê (Hà Đông) do Công ty Hà Châu làm chủ đầu tư;
Tòa nhà chung cư CT4 Khu nhà ở Văn Khê, do Công ty CP Sông Đà 1 làm chủ đầu tư cấp 2; Dự án Tòa nhà đa năng dịch vụ Thương mại và nhà ở tại số 7 Trần Phú (Hà Đông) do Công ty CP Thương mại Hà Tây làm chủ đầu tư.
Căn cứ kiến nghị của liên ngành và hiện trạng các dự án vi phạm, Sở Xây dựng đã đề xuất UBND TP. Hà Nội nhiều nhóm biện pháp xử lý. Trong đó, phần lớn dự án được đề xuất xử phạt cho tồn tại theo Khoản 9, Điều 13, Nghị định 121/2013/NĐ-CP (xử phạt mức 40 - 50% giá thành xây dựng). Đồng thời chủ đầu tư vi phạm còn phải nộp bổ sung tiền sử dụng đất, phí xây dựng.
Đề xuất xử lý có thể xem là kiên quyết nhưng cũng khó thực hiện nhất, đó là buộc chủ đầu tư hoàn trả lại mục đích sử dụng hàng chục nghìn mét vuông sàn chung cư.