Cách bài trí căn hộ 30 m2

Google News

Sống và lập nghiệp ở thành phố đã hơn chục năm, chuyện dở khóc dở cười với một chỗ cắm dùi của mấy ông bạn quê, với tôi, đã chẳng còn xa lạ.

Khi dành hết tâm huyết để xây tổ ấm, ai chẳng mong đó không chỉ là nơi che mưa che nắng mà còn là niềm tự hào vững bền theo tháng năm. Khổ một nỗi, đô thị đất chật người đông, tấc đất tấc vàng đâu có dễ gì mua được căn hộ rộng rãi.
Đa phần trong đám bạn tôi, vốn sinh viên ra trường rồi bám trụ lại Thủ đô dăm mười năm có lẻ cũng chỉ dám mơ đến căn hộ nhỏ trên dưới 30 m2 trong khu tập thể cũ. Người khá nhất thì được một mảnh đất vài chục mét vuông ở vùng ngoại ô mà chồng tầng.
Vì vậy, từ lúc nhen nhóm ý định cưới vợ, mấy ông bạn phải năm lần bảy lượt tham khảo người này, hỏi ý kiến người kia để “liệu cơm gắp mắm” trong khoảng ngân sách chật chội, trong đó có cả tôi. Nôm na theo ý các cử nhân, kỹ sư có nguồn gốc xuất thân từ tỉnh lẻ là nhà “nhỏ” nhưng phải có “võ”.
 
30 m2 là một thách thức lớn để sắp xếp một gia đình. Với kiểu nhà tập thể thì sau khi cải tạo phải có sự thống nhất trong cấu trúc để tránh cảm giác chắp vá. Còn nhà chồng tầng, kể cả mở rộng diện tích theo chiều cao cũng phải cân nhắc kỹ lưỡng vì liên quan đến kết cấu hiện trạng, hệ móng và tường chung với nhà bên cạnh.
Câu chuyện nhà cửa triền miên ngày này qua tháng khác của mấy ông bạn cũng làm tôi nhớ lại căn nhà ở quê của nội. Nhà của ông tôi thuở trước cũng nhỏ nhắn chừng hai ba chục mét vuông chứ đâu có nhiều nhặn gì.
Nhưng ông rất biết cách bài trí không gian sao cho ngăn nắp, thoáng gọn, ít chi tiết và vật dụng thừa. Các chất liệu thuần tự nhiên như gáo dừa, gỗ mộc, rổ rá… được ông tận dụng tối đa để làm căn nhà vốn nhỏ hẹp trở nên thoải mái và thẩm mỹ hơn. Khoảng đất còn lại được ông vun trồng chăm sóc thành mảnh vườn nhỏ quanh năm rực sắc hoa mười giờ.
 
Ông bảo sống hài hòa với thiên nhiên như vậy con người mới có đủ sinh khí. Chứ không như nhà phố bây giờ. Đua nhau sơn phết ốp lát đủ kiểu vật liệu mà vẫn làm cho gia chủ lẫn thiết kế đuối sức mệt mỏi mà đôi khi còn chưa đạt hiệu quả như ý. Nhà cũ vẫn cũ, chật vẫn chật đầy ra đấy thôi.
Khi về nhà, có lẽ người ta chẳng cần gì ngoài một không gian yên tĩnh và một góc vườn. Từ đó, tôi nảy ra ý tưởng tư vấn cho bạn bè cách thiết kế và cải tạo lại không gian nhỏ hẹp theo hướng “khôn trong cái khó” như ông nội tôi từng làm.
Nhà nhỏ - cái cần ưu tiên chú trọng đầu tiên là yếu tố hài hòa. Yếu tố này còn quan trọng hơn cả sự độc đáo hay chi phí bỏ ra mua sắm đồ nội thất. Nếu căn nhà không hài hòa thì con người tương tác với đồ đạc về lâu về dài sẽ tạo ra sự rườm rà, rối rắm chứ không thể tạo tính thẩm mỹ.
Nhưng hài hòa đến mức nào thì tùy không gian từng ngôi nhà. Căn hộ xinh xắn cần được bố trí thật căn bản, tận dụng không gian phòng khách liền khu vực nấu nướng gọn gàng với bàn ăn đủ rộng cho gia đình 3-4 người. Phòng ngủ chính được ngăn với phòng khách bằng hệ thống cửa trượt dạng kín, mở. Khi cần có thể bung nới không gian với phòng khách.
Nội thất cần nhất phải là sự thuận tiện trong sử dụng. Nếu cần tận dụng không gian thì dùng đồ nội thất đa năng có thể tháo lắp linh hoạt được như giường kết hợp bàn gấp, sofa giường, tủ liên hoàn… Nội thất “ít mà tinh” với chất liệu chọn lọc không chỉ giúp không gian ngôi nhà được tận dụng tối đa mà còn có điểm nhấn nhẹ nhàng, tinh tế và hài hòa ánh sáng nữa.
Do hạn chế về diện tích nên tôi cũng khuyên mấy ông bạn nên chọn gam màu sáng và các chi tiết nội thất tối giản để vừa tạo cảm giác không gian mở rộng hơn lại vừa làm căn hộ sang hơn.
Thêm vào đó, phong thủy hiện đại không hề quy định rằng đồ nội thất kiểu truyền thống hay xưa cũ thì không đặt được trong căn phòng kiểu mới. Một trải nghiệm mới mẻ, hiện đại được mang đến qua những chi tiết cũ kỹ có tính toán trong không gian nhỏ: vừa đủ để gợi lên màu sắc hoài niệm, vừa đủ hài hòa cho cuộc sống năng động của các thành viên trong gia đình, vừa tạo ra cảm nhận về sự khiêm nhường hữu ý.
Vật liệu xây dựng thì nên sử dụng loại gỗ tự nhiên hay vật liệu tái chế. Căn hộ nếu không có ban công hay khoảng sân nhỏ thì tận dụng kiểu vườn treo tường. Dựa vào thuyết phong thủy đặt thêm một số chậu cây cảnh ở cửa sổ, phòng khách hay phòng ngủ để gia chủ không cảm thấy bí bách, tách biệt với thiên nhiên. Mà cây cỏ còn đem lại may mắn, tài lộc và sức khỏe cho cả gia đình nữa.
Với lối bố cục như vậy, biết đâu còn có thể tái hiện một căn nhà quê ở phố với giá thành hợp lý hơn cả xây mới. Giữa chốn thành thị mà chừng như là đang ở thôn quê thì còn gì bằng.
Căn nhà hài hòa giữa con người và tự nhiên, giữa cũ và mới, giữa hoài niệm quá khứ và tương lai như vậy luôn quen thuộc, ấm áp. Đó chắc chắn là nơi “tổ ấm hạnh phúc” thực sự muốn trở về “nương náu” sau những chuyến bộn bề xuôi ngược. Là nơi bạn bè tôi tái tạo lại sức lao động để tiếp tục chinh phục những hành trình tương lai dài hơn đang chờ ở phía trước.
Những hình ảnh trong bài viết này là một vài căn hộ siêu nhỏ xinh biết cách biến những khoảng không gian vốn chật chội trở nên đẹp đẽ và ngăn nắp mà tôi đã tham khảo. Hy vọng nó cũng sẽ có ích cho những gia đình nhỏ đang phải “liệu cơm gắp mắm để xây nhà bền đẹp”.
Chúc tổ ấm của bạn luôn tràn đầy hạnh phúc!
Theo Việt Dương /Báo Đầu tư Bất động sản

>> xem thêm

Bình luận(0)