Báo cáo của Bộ Xây dựng cũng cho biết, còn lại 107 dự án chung cư có khiếu nại, tranh chấp không thuộc phạm vi báo cáo như tranh chấp, khiếu nại về thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng và những nội dung dân sự khác...
Với nhiều tranh chấp nổ ra, Bộ Xây dựng sắp tới sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát và yêu cầu các địa phương xử lý nghiêm các vi phạm.
Nguyên nhân tranh chấp
Bộ Xây dựng nêu rõ, 5 nguyên nhân của tình trạng khiếu kiện, tranh chấp tại các dự án chung cư. Thứ nhất, một số quy định pháp lý về quản lý, sử dụng nhà chung cư như: Cách tính diện tích căn hộ, diện tích lô gia, hộp kỹ thuật, diện tích chung - riêng… chưa đủ rõ. Quy định các chế tài xử phạt các hành vi vi phạm chưa phù hợp với yêu cầu quản lý.
Thứ hai, một số chủ đầu tư chưa đủ năng lực thực hiện dự án, chuyển nhượng dự án không đúng quy định, vi phạm các quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng, pháp luật về nhà ở, kinh doanh bất động sản, pháp luật về PCCC và các pháp luật khác có liên quan.
|
Tranh chấp giữa khách hàng và chủ đầu tư ngày càng nhiều (ảnh minh họa). Ảnh: PV |
Thứ ba, người dân khi mua nhà ở đã không xem xét hết các nội dung đã thỏa thuận trong hợp đồng mua bán căn hộ đã ký, đặc biệt là các thoả thuận về quyền và nghĩa vụ của các bên trong quản lý, sử dụng nhà ở sau khi nhận bàn giao.
Ngoài ra, cũng có trường hợp mặc dù luật pháp đã có quy định giải quyết, nhưng người mua nhà lại chưa nghiên cứu kỹ các quy định của pháp luật hoặc không tham khảo ý kiến tư vấn của các chuyên gia pháp luật nên đưa ra các yêu cầu không hợp lý, không đúng quy định của pháp luật…
Thứ tư, vai trò quản lý nhà nước của các cơ quan chuyên ngành và chính quyền địa phương ở một số nơi chưa thực hiện tốt; chưa thực hiện công tác tuyên truyền, hướng dẫn pháp luật để các chủ thể liên quan hiểu và áp dụng luật pháp thống nhất (bao gồm quyền, nghĩa vụ và chế tài xử lý theo quy định của pháp luật về nhà ở, pháp luật về hành chính, pháp luật về dân sự).
Xử lý nghiêm vi phạm
Trên cơ sở tổng hợp báo cáo của các địa phương, TP.Hà Nội và của TPHCM, cũng như qua theo dõi việc thi hành pháp luật về nhà ở trong thời gian vừa qua, Bộ Xây dựng nhận thấy, để giải quyết các tồn tại nêu trên, hạn chế các tranh chấp, khiếu kiện giữa người dân và các chủ đầu tư dự án kinh doanh bất động sản, Bộ Xây dựng đề xuất bộ này chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của chủ đầu tư, ban quản trị, doanh nghiệp quản lý vận hành nhà chung cư và chủ sở hữu, chủ sử dụng chung cư; sửa đổi, bổ sung chế tài xử phạt nghiêm khắc hơn đối với các hành vi vi phạm của các tổ chức, cá nhân có liên quan trong công tác quản lý, sử dụng, vận hành nhà chung cư để ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, ban hành.
Ngoài ra, Bộ Xây dựng sớm nghiên cứu, ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật xây dựng nhà chung cư theo thẩm quyền, trong đó quy định cụ thể cách xác định diện tích căn hộ, phần diện tích thuộc sở hữu chung và sở hữu riêng để góp phần giải quyết những vấn đề tồn tại đối với công tác quản lý sử dụng, vận hành nhà chung cư.
Bộ Xây dựng sắp tới cũng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn chính quyền các địa phương, các tổ chức, cá nhân tổ chức triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về nhà ở, đặc biệt là pháp luật quy định về quản lý sử dụng, vận hành nhà chung cư; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo thẩm quyền.